dd/mm/yyyy

Kiến trúc nông thôn bị pha tạp, đánh mất bản sắc văn hoá

Nói tới làng quê, ai cũng liên tưởng tới hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói với hàng cau trước sân, trong bao cảnh cây xanh, mặt nước. Nhưng những hình ảnh đó ngày càng ít đi, thậm chí ở nhiều làng đã không còn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 7/2/2023, về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Kiến trúc nông thôn bị pha tạp, đánh mất bản sắc văn hoá - Ảnh 1.

Làng cổ Cự Đà. Ảnh: Lại Tấn.

Cơn lốc đô thị hoá

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ: Hình ảnh làng quê thôn dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hoà thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phát nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Thu nhập và chất lượng sống người làng sẽ được nâng thêm. Hình ảnh làng quê cũng ẩn chứa văn hoá nông thôn, tạo ra bản sắc riêng cho nông thôn. Đó chính là “tài nguyên mềm”, “tri thức địa phương” phục vụ phát triển.

Tuy nhiên hiện nay, hình ảnh kiến trúc thân thuộc ở các làng quê với cây đa, bên nước, sân đình đang dần bị lãng quên. Sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Mô hình nhà ở nhiều thế hệ kiểu tam đại, tứ đại đồng đường bây giờ còn rất ít. Các gia đình trẻ có xu hướng ra ở riêng, với nhà riêng. Đất đai nông nghiệp, đất ao, sân – vườn, đất cây xanh… dần nhường chỗ cho nhà ở. Không có quy hoạch, không có hướng dẫn, không có thiết chế, người dân ở nông thôn mạnh ai nấy làm.

Đơn cử, tại làng cổ Cự Đà, “cơn lốc đô thị hóa” đã len lỏi đến mọi gia đình. Giờ vào các ngõ, tất cả chỉ là những ngôi nhà bê tông cao vút, hiếm hoi mới gặp được mái nhà còn giữ ngói mũi rêu phong. Thống kê sơ bộ của xã Cự Khê cho thấy, giai đoạn 1945 -1975, làng Cự Đà có đến hơn 100 ngôi nhà cổ, niên đại từ 100 - 130 năm, nhưng đến nay chỉ còn 51 ngôi. Theo quan điểm của lãnh đạo xã Cự Khê và những lời chia sẻ từ tâm can của chính người dân Cự Đà thì bản thân họ rất muốn giữ lại nhà cổ, nhưng “giữ bằng cách nào và với cơ chế, chính sách gì?” thì lại là câu hỏi họ đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời đáp.

Theo GS.TS Phạm Ðình Việt (Trường ÐH Xây dựng Hà Nội): “Nghiên cứu, khảo sát của Viện Bảo tồn di tích 10 năm trở lại đây cho thấy, tốc độ thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá nhanh. Nhiều ngôi làng chỉ ba năm sau khi đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất. Do sự biến đổi về phương thức canh tác, lối sống... đã làm thay đổi cả vật chất và tinh thần của các làng. Cũng bởi dân số tăng, nhiều gia đình phải chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho các con xây nhà ở riêng chứ không chung sống theo kiểu gia đình ba, bốn thế hệ trong ngôi nhà truyền thống chật hẹp. Qua đó, nhiều làng chỉ còn có ý nghĩa của cái tên vì trên thực tế nó đã thay đổi rất nhiều như các làng Ngọc Hà, Nhật Tân.

Đánh mất bản sắc truyền thống

Theo nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Chính Phủ, khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh).

Các không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống mang tính tín ngưỡng như đình làng, đền, chùa và các không gian phụ trợ như sân đình giếng làng, ao làng.... đang dần bị lấn chiếm do không gian ở và không gian sản xuất nghề truyền thống tạo nên. Bên cạnh đó, sự biến đổi trên khá manh mún và tự phát. Đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nơi giới thiệu bán sản phẩm tại khu trung tâm… thường không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm, dẫn đến phần lớn các không gian văn hoá làng truyền thống, trong quá trình phát triển, đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ không gian.

Các hoạt động sang nhượng, cắt chia thửa đất ở cùng với "bê tông hóa" trong xây dựng nhà ở mới xen cấy tự phát trong làng xã truyền thống làm thay đổi cấu trúc không gian kiến trúc trong làng xã các dân tộc truyền thống phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cấu trúc làng xã. Việc triển khai Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam còn chậm, các văn bản pháp luật nhiều điểm chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến nguồn lực thực hiện.

Để nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc với mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong đó có có các nội dung như: Thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch; Trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn; Giảm thiểu chất thải nhựa ở khu vực nông thôn; Hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung về giữ gìn và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; Quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch; Cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.


Minh An