Kim ngạch thương mại Mỹ Trung bùng nổ như chưa hề có chiến tranh thuế quan

22/07/2021 12:42 GMT+7
Kim ngạch thương mại Mỹ Trung đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm qua như chưa hề có cuộc chiến tranh thuế quan và đại dịch Covid-19.

Gần 18 tháng sau khi chính quyền Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Tân Tổng thống Joe Biden trong những tháng qua liên tục đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen và tăng cường hàng loạt động thái thể hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp, hầu hết các mức thuế quan trừng phạt dưới thời Trump vẫn tiếp tục được áp dụng và gần như không có thêm bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào về các vấn đề kinh tế khác.

Đó là chưa kể tới căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến hàng loạt vấn đề khác từ nguồn gốc đại dịch Covid-19, cáo buộc tấn công mạng…

Trong bối cảnh đó, thương mại song phương Mỹ - Trung là lĩnh vực hiếm hoi tiếp tục ổn định và tăng trưởng.

Kim ngạch thương mại Mỹ Trung bùng nổ như chưa hề có chiến tranh thuế quan - Ảnh 1.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (đường màu hồng) tăng vọt lên mức kỷ lục trong năm 2020 và tiếp đà tăng trong năm 2021 (Nguồn: Bloomberg)

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc , thương mại hai chiều hàng tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đã phục hồi lên mức kỷ lục mới trong năm 2020 sau khi giảm mạnh 19 tỷ USD vào tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc. Sự bùng nổ của thương mại song phương Mỹ Trung dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng triệu tấn nông sản Mỹ để đáp ứng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tăng cường mua sắm hàng hóa trực tuyến khi dịch Covid-19 buộc họ chôn chân tại nhà và các khoản trợ cấp từ chính phủ khiến họ dư thừa tiền mặt, qua đó làm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng lên kỷ lục.

Mặc dù có sự khác nhau giữa các con số thương mại do phía Trung Quốc và Mỹ công bố, nhưng nhìn chung kim ngạch thương mại song phương Mỹ Trung đang nhộn nhịp bất chấp các mức thuế quan và căng thẳng địa chính trị. 

Jonathan Gold, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại National Retail Federation nhận định: “Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong suốt thời kỳ diễn ra đại dịch. Chúng tôi đã ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tăng vọt… Đó là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi”.

Không riêng xuất khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Mỹ cũng tăng vọt trong cùng kỳ, phản ánh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ bất chấp việc quốc gia này là một trong 3 ổ dịch Covid-19 lớn nhất hành tinh.

Gần một nửa trong số 259 tỷ USD hàng hóa ra vào cảng Los Angeles lớn nhất nước Mỹ đến từ Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ tiếp tục tăng lên khi các công ty bắt đầu tăng lô hàng dự trữ trước mùa lễ hội Giáng sinh vào cuối năm nay. Giám đốc điều hành cảng Los Angeles Gene Seroka cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng các mặt hàng thời trang mùa thu, mùa nhập học, mùa lễ Halloween và lễ Giáng sinh đã bắt đầu cập cảng.

Ông Jonathan Gold cho biết thêm rằng lợi nhuận các nhà nhập khẩu đang bị tác động do chi phí từ mức thuế quan trừng phạt song phương cũng như chi phí vận chuyển tăng lên trên toàn cầu. Một số nhà nhập khẩu chọn cách chịu thiệt, chấp nhận lợi nhuận kinh doanh giảm đi phần nào, trong khi số khác tìm cách tăng giá để chuyển bớt gánh nặng lên phía người tiêu dùng.

Chính quyền Biden cho đến nay chưa tiết lộ liệu họ có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận giai đoạn tiếp theo với Trung Quốc hay không, nhưng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã từng chỉ trích mối quan hệ thương mại Mỹ Trung là “không công bằng” và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thì khẳng định thỏa thuận giai đoạn 1 đã không giải quyết được mâu thuẫn thương mại cơ bản giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Cho đến nay, mặc dù Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ, nước này vẫn còn cách rất xa mức nhập khẩu mục tiêu để hoàn thành các cam kết trong thỏa thuận thương mại đã ký với chính quyền Trump hồi tháng 1/2020.


NTTD
Cùng chuyên mục