Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở Nha Trang tạm nghỉ vì virus corona

30/01/2020 07:14 GMT+7
Hai ngày sau khi thực hiện việc ngưng đón khách từ vùng có dịch corona của Trung Quốc, những nơi được ví như "khu phố Tàu" luôn sầm uất du khách ở Nha Trang nay trở nên đìu hiu.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của dịch cúm viêm phổi cấp virus corona nên ngành kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng rất lớn.

Minh chứng là lượng khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh giảm 96%, so với thời gian trước Tết Canh Tý 2020.

Khách sạn ế ẩm, hủy đặt phòng hàng loạt

Sở Du lịch Khánh Hòa dự báo lượng khách quốc tế không chỉ từ Vũ Hán mà cả thị trường Trung Quốc sẽ giảm mạnh trước diễn biến tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp. Trong dịp Tết Canh Tý, công suất phòng khách sạn chỉ đạt 50%, giảm gần một một nửa so với cùng kỳ 2019.

Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở Nha Trang tạm nghỉ vì virus corona - Ảnh 1.

Nhiều tiệm đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: An Bình.

Nhiều chủ khách sạn ở Nha Trang cho biết từ ngày 27/1, lượng khách lưu trú giảm mạnh. “Từ sau Tết các đối tác lữ hành khách Trung Quốc đã hủy đặt phòng với số lượng lớn, thậm chí khách lẻ cũng hủy khiến khách sạn sụt giảm doanh số”, ông An - chủ khách sạn hẻm 80 Trần Phú, cho biết.

Khách không có, phòng trống rất nhiều đang là tình trạng chung của ngành kinh doanh khách sạn ở Nha Trang - Khánh Hòa. “Ngày bình thường khách sạn 30 phòng luôn kín, còn nay chưa đến 1/3. Phòng bỏ trống là do các công ty lữ hành hủy đặt do dịch virus corona. Khách sạn của tôi nhỏ, ảnh hưởng không lớn, còn mấy khách sạn 3, 4 sao thiệt hại nặng nề”, anh Đức, chủ khách sạn P.H ở đường Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang, nói.

Lượng khách Trung Quốc sụt giảm cũng khiến các điểm tham quan du lịch đìu hiu. Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tuấn Dũng cho biết từ ngày mồng 1 Tết khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng sụt giảm nghiêm trọng.

“Ở di tích Tháp Bà ngày mùng 1, 2 Tết đón hơn 7.000 lượt khách mỗi ngày, danh thắng Hòn Chồng 4.000 khách. Sang ngày mồng 3 Tết, lượng khách giảm hơn 30%, đến nay thì chỉ còn khách châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản...”, ông Dũng nói.

Tình trạng vắng khách tham quan sau Tết Canh Tý cũng diễn ra ở các tour tham quan vịnh Nha Trang.

Đóng cửa, sang nhượng mặt bằng vì ế ẩm

Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng, tạp hóa, việc ngưng đón khách Trung Quốc ảnh hưởng tới họ rất nặng nề. Nhiều người ở Nha Trang đã đóng cửa tạm ngưng kinh doanh, rao bán mặt bằng hoặc sang nhượng lại.

Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở Nha Trang tạm nghỉ vì virus corona - Ảnh 2.

Sạp trái cây của anh Châu Thanh Tài trên đường Trần Quang Khải tồn hàng tấn vì không có khách mua. Ảnh: An Bình.

“Cửa hàng mình chỉ kinh doanh đồ mỹ nghệ như trầm hương, ngọc bích bán cho khách Trung Quốc, nay đang tính đóng cửa chờ qua dịch virus corona mở lại”, chị H. chủ một cửa hàng bán trầm hương ở Nha Trang, nói. Chị cho biết phần lớn nhân viên đã phải nghỉ việc do hàng hóa không bán được.

Còn anh Châu Thanh Tài, chủ sạp trái cây trên đường Trần Quang Khải, TP Nha Trang cũng đang tính chuyện nghỉ bán vì hàng hóa ế ẩm. “Lúc trước ngày nào cũng phải nhập trái cây, từ mồng 1 Tết đến nay hàng đang tồn cả tấn. Tôi xác định chắc chắn lỗ vốn, gắng gượng bán hết số trái cây còn tươi rồi đóng sạp”, anh thở dài.

Những ngày này ở Nha Trang những nơi thường ngày khách Trung Quốc đông nghịt ra vào ăn uống, mua sắm thì nay vắng lặng.

“Cả ngày này không bán được tô phở nào vì khách Trung Quốc đã về. Giờ chúng tôi kinh doanh cầm chừng chở qua dịch. Nếu trả mặt bằng mất mấy chục triệu tiền đặt cọc với chủ”, ông Hậu, chủ quán ăn uống ở hẻm 86 Trần Phú, buồn bã.

Sát bên quán phở của ông Hậu là chuỗi 2 cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc đã đóng cửa im lìm. Bên ngoài người chủ dán bảng thông báo cho thuê lại mặt bằng.

“Cửa hàng này mới mở được 4 tháng, trước Tết họ kinh doanh được lắm vì có nguồn khách Trung Quốc từ các công ty lữ hành. Người chủ mới đóng cửa hôm mồng 5 Tết vì kinh doanh ế ẩm”, ông Hậu cho hay.

Nhận định về tình hình đón khách Trung Quốc sau khi có lệnh tạm ngưng, ông Đào Trọng Tùng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa, cho rằng sẽ khó khăn nhưng phải chấp nhận thực tế.

Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở Nha Trang tạm nghỉ vì virus corona - Ảnh 3.

Chủ một của hàng ở hẻm 86 Trần Phú, TP Nha Trang dán thông báo cho thuê mặt bằng chỉ sau ít ngày có lệnh ngưng đón khách từ vùng dịch của Trung Quốc. Ảnh: An Bình.

“Ngưng đón khách Trung Quốc là điều cần thiết để giữ môi trường du lịch. Nếu bệnh dịch bùng phát ở Việt Nam thì mức độ thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều, vì ngoài khách Trung Quốc, Nha Trang còn khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, châu Âu…”, ông Tùng thẳng thắn.

Cũng theo ông Tùng, việc ngưng đón khách Trung Quốc chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi tiền lương nhân viên, hợp đồng xe đã ký và phòng khách sạn vẫn phải chi trả.

Tuy nhiên, để không bị thiệt hại nặng nề do sụt giảm lượng khách Trung Quốc, ngay từ bây giờ chính quyền phải có kế hoạch, cùng với doanh nghiệp khẩn trương xúc tiến du lịch, quảng bá để thu hút các dòng khách từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

"Nếu hết dịch virus corona lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng sẽ phục hồi, nhưng chắc chắn không bằng khi chưa có dịch", ông Tùng chia sẻ.

Tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch cúm viêm phổi cấp chiều 29/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo Sở Du lịch nhanh chóng phối hợp với các ban ngành và doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ động tái cơ cấu thị trường khách trong bối cảnh khách Trung Quốc ngưng đến.

Điều này theo ông Tài là nhằm để giảm tối đa mức ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp virus corona đến ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, tính đến tháng 12/2019, tỉnh này đón 7,2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường khách quốc tế lớn nhất của ngành du lịch Khánh Hòa với gần 2,5 triệu lượt khách, chiếm khoảng 70% tổng lượt khách quốc tế đến đây nghỉ dưỡng.

Theo Zing
Cùng chuyên mục