Kinh tế đêm: Chiến lược cạnh tranh để Đà Nẵng phát triển thời kỳ hậu Covid-19?

13/07/2020 16:46 GMT+7
Theo các chuyên gia, phát triền nền kinh tế đêm không phải việc đơn giản, cần nghiên cứu cẩn thận nhu cầu thị trường, qua đó, quy hoạch từng khu vực cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cần thí điểm, đánh giá hiệu quả từng nhóm ngành, không thể đầu tư dàn trải gây khó kiểm soát.

Mới đây, tại buổi tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, du lịch giải trí đêm", PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu.

Đặc biệt, ở Việt Nam, nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải là cho riêng Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, địa bàn Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế.

Xét từ góc độ lịch sử không phải tới bây giờ Đà Nẵng mới quan tâm, mà ngay từ 10-15 năm trước khi bàn về chân dung phát triển của Đà Nẵng tương lai thì đã bàn về khái niệm Đà Nẵng phải sống về đêm như thế nào.

Kinh tế đêm, con đường giúp ngành du lịch phục hồi hậu Covid-19? - Ảnh 1.

Không để thành phố Đà Nẵng "đáng sống ban ngày, đáng ngủ ban đêm"

"Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1, 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều.

Cho dù hoạt động ban đêm không lớn như ban ngày, nhưng nếu làm tốt và đạt được 10 - 20% của ban ngày cũng là ghê gớm lắm rồi. Đó là lý do ở Anh, Úc… người ta còn tạo ra cả hội đồng để phát triển kinh tế đêm. Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, đây là một hướng phát triển kinh tế cần phải thực hiện, tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là khu vực phát triển kinh tế của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ thành phố đặt ra trong thời gian tới.

"Trước mắt, Thành phố sẽ tập trung đầu tư khu phố đêm An Thượng, phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng, cầu Nguyễn Văn Trỗi…", ông Lê Trung Chinh cho biết.

Ngoài ra, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tại, thành phố đã hình thành các dịch vụ du lịch về đêm bao gồm vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm như công viên châu Á, Bà Nà Hills, một số bar, địa điểm vui chơi giải trí có thưởng.

Kinh tế đêm, con đường giúp ngành du lịch phục hồi hậu Covid-19? - Ảnh 2.

Cần có chiến lược lâu dài, bài bản trong việc phát triển kinh tế đêm.

Các dịch vụ ẩm thực cũng đã cơ bản hình thành trên 1 số tuyến đường như tuyến đường 2/9 nối dài và tuyến đường Bạch Đằng nối dài, khu vực ven biển đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp và 1 số tuyến phố đêm, cũng như phố chuyên kinh doanh về ẩm thực.

"Đà Nẵng phải xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng để có chiến lược cạnh tranh giúp du lịch Đà Nẵng bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 và về lâu dài hướng tới các mục tiêu phát triển du lịch bền vững", bà Hạnh thông tin.

Khẳng định thêm về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế đêm, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, để trả lời câu hỏi cần làm gì để thúc đẩy phát triển cần đánh giá các vấn đề: Việt Nam có nên phát triển kinh tế ban đêm hay không? Người dân có nhu cầu này không? Nếu có thì nhiều hay ít, mức độ ra sao?

"Muốn trả lời được câu hỏi trên thì phải bắt tay điều tra, nghiên cứu. Nền kinh tế thị trường là mọi sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đều phải xuất phát từ cầu. Nhu cầu ban đêm nếu có, chủ yếu là ăn uống, nhậu nhẹt vui chơi, đối tượng tham gia chủ yếu du khách, giới trẻ. Căn cứ vào đối tượng tham gia, từ đó phát triển từng loại hình ban đêm chứ không phải cái gì cũng làm.

Sau khi điều tra, có những nghiên cứu cụ thể rồi mới bắt tay vào triển khai. Không phải các nước làm tốt là mình cũng làm tốt được. Khi bắt tay xây dựng chính sách, cũng cần phải xem ở địa phương nào làm, khu vực nào làm được chứ không làm tùm lum." PGS.TS. Ngô Trí Long cho hay.


Thanh Phong
Cùng chuyên mục