Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 1.

Trong nhiều năm giúp đỡ các mảnh đời kia, chị gắn bó với nhân vật nào nhất?

- Họ đều là những mảnh đời đặc biệt mà tôi không thể nào quên. Nhưng những nhân vật mà tôi theo lâu nhất, chính là những em học sinh nghèo vượt khó. Nhớ 2 sinh viên người Dao cùng đỗ vào Học viện Nông nghiệp. Không có tiền đi học, tôi đau lắm, cộng đồng người Dao trên núi cao rất cần những hạt nhân trẻ như vậy. Cớ sao các cháu học giỏi như vậy mà phải bỏ ngang?

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 2.

Hôm ấy, tôi leo núi mà phải vạch lá rừng để lên bản tìm nhà các em vì đến cả đường mòn cũng không có mà đi. Trời thì mưa gió não nùng, trơn truội, ngã oành oạch. Đến nơi, mỗi em là một hoàn cảnh éo le, nhà rách nát, chỉ ăn cháo ngô. Nhưng ngay sau khi phát sóng, mỗi em có vài chục triệu đồng tiền khán giả ủng hộ. Có tiền rồi, tôi gọi hai cậu ấy xuống, buổi trao rất xúc động, hai cậu khóc thút thít cảm ơn.

Nhiều năm qua, tôi vẫn nhờ các hãng xe khách Hà Nội - Cao Bằng giúp đỡ. Họ không lấy tiền các cháu nghèo học giỏi mà tôi hỗ trợ cả chuyến đi và về. Chủ xe khách xem chương trình của tôi cũng thương các cháu, họ gọi điện cho tôi nói chị cứ có nhân vật nào nghèo cần di chuyển xuống Hà Nội đi học hay khám bệnh thì chị cứ gọi cho em.

Hai cậu bé người Dao nhận tiền ủng hộ rồi về Hà Nội để nhập học, theo thông lệ, tất cả các "tân sinh viên" mà tôi giúp đỡ, tôi đều mời đến nhà ăn một bữa cơm do tôi nấu. Dặn dò, tặng quà, sau đó tôi đưa các cháu ra bến xe.

Hồi đó sinh viên đi học ít nhất có một cái ba lô hay là một cái hòm tôn. Thấy các cháu mở hòm ra, không có chăn màn quần áo gì, thương quá, tôi mới cho 2 cái ruột chăn bông. Hai cậu bé người Dao hồn nhiên bỏ lõi chăn vào bao tải khoác lên vai đi.

Vừa rồi, sau mười mấy năm, nhân dịp Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, Thim (một trong hai cậu bé ngày đó) mang hoa đến chúc mừng, tôi mới nói chuyện hai cái chăn bông ấy là chăn cưới của cô đấy. Thế là nó sững người, giọng rưng rưng (nói đến đây, nhà báo Hoài Phương bật khóc - NV).

Tôi có đi dự một hội thảo về du học, thấy cũng hay hay, mà hai cậu người Dao ấy ban đầu không biết tiếng Anh. Tôi bèn giới thiệu để các cháu đi học, không ngờ các cháu lại học rất tốt, sau còn làm gia sư tiếng Anh. Một cậu đã lấy vợ, hồi cưới, tôi lên tận núi ăn cưới đấy. Cậu còn lại học giỏi tiếng Anh được học bổng du học ở Úc, giờ đã học xong thạc sĩ rồi.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 3.

Chị giúp từng cháu, theo sát cuộc đời các cháu và còn thành lập nhóm những người chị đã giúp để "yêu cầu" lớp trước quay lại hỗ trợ lớp sau?

- Thường những cháu mà tôi từng giúp đỡ, ra trường, có công ăn việc làm xong xuôi thì lại có những nhân vật mới, đặc biệt những cháu là sinh viên, đi thi đại học mà khó khăn, nghèo đói hay ở trên núi không có người đi đưa tôi lại phải nhờ những cháu trước giúp đỡ.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 4.

Các cháu trước ra tận bến xe đón các em, đưa về nhà trọ ăn uống, dẫn các em đi thi rồi đón các em về trong mấy ngày. Đến lúc các em về Cao Bằng lại có trách nhiệm đưa lên xe, tiền xe thì mặc định là miễn phí rồi. Có rất nhiều trường hợp thế.

Hoặc có những nhân vật của tôi, có thể bây giờ các cháu chưa khá nhưng đã có thu nhập, tôi vận động giúp đỡ là các cháu cũng ủng hộ những cháu khó khăn khác.

Như cậu Đức đang học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi còn nhỏ, tôi đã giúp cả gia đình cháu. Bố mẹ Đức là hai vợ chồng mù, có 4 đứa con rất học giỏi. Bố mất đúng lúc Đức chuẩn bị đi đại học. Tôi vận động được tiền cho cháu đi học, bạn bè tôi còn tặng cháu xe máy.

Vừa rồi cháu không có laptop để học tập, tôi mới đăng lên facebook để xin laptop cũ cho sinh viên nghèo vượt khó. Đăng facebook được khoảng 2 tiếng thì có 3 người nhận tặng máy tính. Tôi nhận một cái của một người thôi, còn 2 người kia, tôi dặn cứ giữ máy đó lúc nào có ai cần thì tôi lại xin.

Nhiều người vẫn kể câu chuyện như là "truyền thuyết" rằng có người đến Đài tìm gặp chị để… xin quan tài cho vợ mới mất. Thực hư chuyện đó ra sao thưa chị?

- Hôm ấy tôi đi công tác, về đến cơ quan thì em làm văn thư chạy ra bảo chị Phương ơi hôm nay có một bác dân tộc Mông lên cơ quan tìm chị. Hóa ra vợ bác ấy mới mất ở bệnh viện nhưng không có tiền để mua quan tài, người ta bảo bác ấy cứ lên Đài truyền hình tìm cô Phương "Thắp sáng niềm tin" là sẽ có. Và bác ấy tìm lên Đài gặp tôi thật. Nhưng rất không may lúc đó tôi không có ở đài nên bác ấy phải đi về. Nếu lúc đó tôi có ở Đài thì cũng có thể xin cho người ta được cái quan tài. Sao cuộc đời có nhiều người khổ đến vậy?

Có một chuyện vừa rồi cũng rất ám ảnh. Một ngày tháng 7/2020, tôi đang đi công tác ở huyện Bảo Lạc thì bố cháu bé gọi cho tôi. Vợ anh ta đang trên đường từ huyện xuống thành phố Cao Bằng để đẻ. Gia đình vì khó khăn nên muốn đẻ xong là cho con luôn, không muốn nuôi đứa con ấy.

Tôi ngay lập tức tìm gặp và cố thuyết phục họ giữ lại đứa con. Nghe tôi nói, họ khóc nhưng vẫn kiên quyết đem con đi cho. Thế là tôi lại phải đi tìm người tử tế nhận nuôi cháu. Câu chuyện "cho con" đó tôi không dám đưa lên facebook vì có thể nó phản nhân văn hoặc vi phạm luật. Tìm mãi mới được một cặp vợ chồng ở huyện Bảo Lâm vô sinh, rất khao khát có con, để làm bố mẹ nuôi. Họ đều là người rất có uy tín ở địa phương.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 5.

Có đến vài chục đứa trẻ từng được chị đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh để nuôi dưỡng. Có người nói đùa, một nửa số trẻ ở trung tâm là "con nuôi cô Phương". Chắc hẳn đó là những bé mà hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không còn một lựa chọn nào khác?

- Đúng vậy, có những đàn trẻ mà bố chúng ăn lá ngón tự tử, mẹ bỏ đi lấy chồng. 5 đứa bé lít nhít ở trong căn nhà nhỏ trên đỉnh núi. Những trường hợp đó vận động tiền chỉ là thứ yếu, bởi đưa tiền cho các cháu thì vèo cái hết ngay. Thường những trường hợp trẻ mồ côi, tôi cố gắng hướng dẫn để đưa ra Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Tôi hay gọi điện đến tận nơi nói với Giám đốc Trung tâm: Anh/chị ơi, bây giờ có những trường hợp như thế... Và Giám đốc Trung tâm hướng dẫn làm một cái đơn gửi lên chính quyền địa phương xác nhận, ra tỉnh làm hồ sơ...

Có những trường hợp cấp bách quá không đưa ra không được thì thường là sẽ đưa các cháu ra trước, hoàn thành thủ tục sau. Chứ nếu làm theo đúng quy trình, mất khoảng 1 tháng, lâu thế thì các cháu chết vì đói trước mất.

Tôi hỗ trợ nhiều cháu bé đến mức anh Công - bấy giờ là Phó Giám đốc Sở LĐTBXH của tỉnh - còn nói hôm nào anh tặng Hoài Phương một cuốn luật có những quy định về trẻ em mồ côi thế nào thì đủ tiêu chuẩn ra Trung tâm nhà nước nuôi.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 6.

Điều gì khiến chị luôn nỗ lực hỗ trợ cho các số phận thiệt thòi như thế? Liệu khi chị không còn công tác nữa, những công việc này có thể được tiếp tục hay không?

- Tôi thường bị ám ảnh, sốt ruột khi ai đó thông tin cho tôi ở đâu đó có người đang rất cần giúp đỡ. Nhiều đêm tôi bị mất ngủ vì biết thông tin mà chưa bố trí được thời gian để đến được với họ. Cũng có nhiều người nói đó là "nghiệp" của tôi.

Một tháng có 2 lần Đài phát sóng chương trình "Thắp sáng niềm tin" thôi, làm sao kịp với tất cả các trường hợp cần tiền để cứu mạng họ khẩn cấp. Thế là tôi lại phải thường xuyên đưa lên facebook vận động ngay, nếu không họ sẽ chết mất. Có trường hợp cách đây mấy tháng bị bệnh tim cần phải về Hà Nội ngay. Lúc đó cơ thể đã phù lên rồi. Họ không mặc được quần áo, phải lấy chăn quấn quanh người, trông thê thảm lắm. Tôi livestream, trong khi tôi nói thì đã có những người chuyển tiền vào tài khoản rồi. Hai ngày sau đã góp đủ tiền đưa xuống Hà Nội chữa trị. Giờ người ấy đã khỏe.

Chị có ý niệm gì về chuyện tâm linh, về một "duyên tiền kiếp" nào đó khiến chị phải dành nhiều công sức, thời gian cho các phận người thiệt thòi ấy?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến khía cạnh tâm linh khi làm những điều này. Tôi chỉ đơn giản cố gắng hết sức mình để giúp được ai đó khi họ cần đến tôi. Đó là niềm vui của tôi. Vậy thôi! 

Song nhiều lúc tôi cũng muốn một ai đó có thể lý giải giúp tôi xem tại sao tôi cứ phải đi làm những việc như vậy. Ví dụ như đi xin việc cho các cháu nghèo khổ trong khi con mình, mình còn chưa xin được việc (dù đã làm cộng tác viên ở Đài tỉnh rất lâu). Tôi lặng lẽ giúp, không đưa lên mạng xã hội hay lên sóng truyền hình. Giúp được một trường hợp là thấy vui rồi.

Có những chuyến lên đỉnh núi gặp trời mưa, đến khi về thì trời tối, bị trượt ngã, máu chảy. Trời thì vẫn mưa. Cứ phải nhấc từng chân đặt xuống bậc đá một để xuống núi. Có lúc tôi tự thề sẽ không bao giờ quay trở lại con đường này nữa. Nhưng chưa bao giờ lời thề của tôi thực hiện được. Thậm chí có những nơi tôi phải quay lại vài ba chuyến để chuyển tiền, quà của khán giả…

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 7.

Có khi nào chị nghĩ, chính các số phận kia đã dần góp phần làm thay đổi con người chị?

- Họ cũng giúp tôi ngộ ra nhiều điều để rồi tiếp tục kiến nghị lên cơ quan chức năng các vấn đề mấu chốt vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ví dụ tôi giải cứu rất nhiều người điên (tâm thần phân liệt) bị xích cổ bằng dây sắt, cùm chân, đóng cũi suốt mấy chục năm trời. Họ sống điên loạn và tội nghiệp. Từ đó, tôi nhận ra cái cốt lõi của là phải có một cơ chế, một cách quản lý người tâm thần sao cho hiệu quả. Cần vận hành cả một hệ thống sao cho khoa học và tận tâm. Nếu nó là một cỗ máy, thì chỉ tuột cái mắt xích thôi đã khiến tất cả ngừng hoạt động.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 8.

Có người nghi ngờ đặt câu hỏi với tôi: Chị phải được cái gì thì mới đi làm hăng hái thế chứ. Tôi có trả lời rằng tôi làm thì tôi được lương theo bảng lương, mỗi phóng sự vài trăm nghìn đồng tiền nhuận bút cho cả ê kíp (mà còn phải trừ định mức). Người ta không tin. Nói cho họ hiểu thì rất khó nên tôi cứ im lặng mỉm cười.

Chẳng lẽ vì nhiều người nói đó là "nghiệp" của chị, nên chị cứ phải lựa chọn  long đong vất vả vì người khác…?

- Đôi khi tôi cũng tự đặt câu hỏi đó, nhưng chưa bao giờ có câu trả lời cho mình. Rất nhiều điều tôi làm mà rất ít người biết. Tôi cứ đưa những bệnh nhân tôi đã vận động được tiền xuống tận bệnh viện dưới Hà Nội để chữa trị. Nếu như tôi không đưa họ đi, sẽ không có ai làm việc đó. Bởi vì họ đều là người dân tộc thiểu số, gia cảnh rất nghèo, không biết tiếng Kinh. Có người nói tôi hơi mạo hiểm, chẳng máu mủ ruột rà, nhỡ đưa người ta đi xuống Hà Nội phẫu thuật mà họ có mệnh hệ gì thì tôi sẽ là… thủ phạm. Nhưng với tôi, điều đó không quan trọng vì mình đã làm đúng với cái tâm thì dù thế nào cũng không bao giờ ân hận.

Đôi khi mọi người tìm đến tôi không phải là tìm đến một nhà báo hay một phóng viên, mà họ tìm đến cô Phương "Thắp sáng niềm tin". Nhiều lúc tôi bấn loạn lên, không biết phải làm sao trước việc quá nhiều người đặt niềm tin vào tôi như thế.

Tôi cũng không dám nhận điều gì về mình. Nhưng quả là cũng nhiều người viết "tâm thư" cho tôi. Có người viết báo, viết thơ về tôi và bày tỏ cảm xúc của họ, rằng tôi là người truyền cảm hứng cho mọi người để lan tỏa lòng tốt trong cộng đồng.

Hiện chị đã có kế hoạch chuẩn bị giúp đỡ ai ngay lúc này chưa?

- Tôi đang xin đôi chân giả cho một thanh niên, bị tai nạn lao động phải cắt cụt cả hai chân, đến gần đầu gối. Tôi nhờ người bạn ở Hà Nội tham khảo giúp các mức giá chân giả, có loại 20-30 triệu đồng thì đi rất kém. Loại 50 triệu đi cũng tạm được, loại 70 triệu đồng thì có các khớp, lúc đi, vận động dễ dàng và không đau. Tôi nghĩ sẽ cố gắng mua được loại 70 triệu đồng.

Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn bình an, thành công với những "dự án" tiếp theo của mình!

img
img
img
img

Khi chúng tôi viết những dòng này, Hoài Phương đang ở bản và tiếp tục hỗ trợ nhân vật mà chị đã chăm sóc mấy năm qua, ảnh chụp giữa tháng 8 năm 2020.

Kỳ cuối: Đến Đài đòi gặp cô Phương để xin… quan tài cho vợ - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem