Kỳ họp Quốc hội bất thường thứ 9 sẽ quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự
Kỳ họp Quốc hội bất thường thứ 9 sẽ quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều nội dung quan trọng
PV
Thứ bảy, ngày 08/02/2025 14:00 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 12/2 và bế mạc vào ngày 18/2.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh: Media Quốc hội
Hầu hết các nội dung trình Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42, tháng 2/2025; một số nội dung còn lại căn cứ tiến độ gửi hồ sơ và việc thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp khác trước ngày khai mạc kỳ họp để cho ý kiến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu; đồng thời chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách.
Ông Sơn cho biết, đến sáng 5/2, Chính phủ đã hoàn thiện 8/10 hồ sơ, tài liệu gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn 2/10 hồ sơ đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều ngày 10/2.
Để thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các kết luận của Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và các báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy Chính phủ đề nghị Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua một số nội dung quan trọng, cấp bách.
Trong đó, đối với 6 tờ trình dự luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, gồm: dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Về tờ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội
Đây là đề án quan trọng, cần được Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp lần này theo tinh thần kết luận của Trung ương để kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Từ đó góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đảng ủy Chính phủ đề nghị Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung một số nội dung quan trọng, cấp bách vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9 để trình Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Như dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Phát biểu tại Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ hôm 6/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian từ nay tới khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên tinh thần khẩn trương, "vừa chạy, vừa xếp hàng", tăng cường làm thêm giờ, cả Thứ 7, Chủ nhật để hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Media Quốc hội
Liên quan đến các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đồng thời phải phù hợp với tinh thần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Với những vấn đề vượt quá luật định cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Nhấn mạnh kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nội dung rất quan trọng, rất khó nhưng vì sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bên liên quan cần tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị toàn bộ nội dung trình Quốc hội cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối, góp phần thành công của kỳ họp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.