Kỳ lạ loại quả vị chát xít, chua rùng răng mà ai cũng thích

Nguyễn Nhật Thanh Thứ sáu, ngày 13/10/2017 05:55 AM (GMT+7)
Đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái không ai biết cây sơn tra (táo mèo) có từ bao giờ, chỉ biết rằng, ở trên tận đỉnh núi mù sương có cây sơn tra già nhất, tính theo thế hệ cha ông cũng hơn 300 năm tuổi. Từ một cây mọc tự nhiên ở triền núi, hiện nay cây sơn tra đã có mặt ở khắp nơi, giúp người dân địa phương có thu nhập khá.
Bình luận 0

img

Quả sơn tra, còn gọi là quả táo mèo, tiếng Mông gọi quả tu di. Ảnh: Báo Tin tức

Năm 2016, huyện Mù Cang Chải tổ chức lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sơn tra Mù Cang Chải cho sản phẩm quả sơn tra của địa phương. Đây là điều kiện để huyện Mù Cang Chải thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả sơn tra, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, chế biến và xúc tiến thương mại cho sản phẩm quả sơn tra, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa của sản phẩm quả sơn tra mang nhãn hiệu chứng nhận “Sơn tra Mù Cang Chải”.

Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 2.000ha cây sơn tra, phân bố ở 13/14 xã, thị trấn, tập trung nhiều ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải.

img

Niềm vui của anh Lờ A Chư (xã Lao Chải) khi thu hái sơn tra. Ảnh: Báo Tin tức

Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch khoảng trên 1.300ha với sản lượng bình quân 1.800 tấn quả/năm. Giá quả sơn tra bán đầu vụ và cuối vụ dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, giữa vụ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung…

Gia đình anh Sùng A Chung là hộ trồng nhiều cây sơn tra nhất ở bản Trống Khua, xã Lao Chải. Anh Sùng A Chung cho biết, nhận thấy sơn tra là cây đặc sản mang thương hiệu địa phương được nhiều du khách ưa thích, cộng thêm có diện tích đất đồi rộng, gia đình anh quyết tâm trồng hơn 10ha cây sơn tra từ năm 2012. Sau gần 6 năm phát triển, dự kiến, cây to sẽ cho thu hoạch từ 30 - 40kg quả, cây nhỏ cũng trên 20kg. Năm nay, sơn tra đã mang về cho gia đình anh cả trăm triệu đồng.

img

Quả sơn tra trở thành mặt hàng ưa chuộng ở các chợ đầu mối miền Bắc. Ảnh: N.T

Đặc biệt, những năm gần đây xã Nậm Có được biết đến như "thủ phủ” của cây sơn tra. Theo đó, toàn xã hiện có tổng diện tích 1.299ha cây sơn tra, trong đó 400ha đã thu hoạch, được trồng nhiều nhất ở các bản: Lùng Lúng, Phình Ngài...

Mùa táo năm nay, anh Chang A Trừ ở bản Lùng Cúng (xã Nậm Có) có gần 300 gốc sơn tra đang trong độ thu hoạch. Ước tính anh thu hoạch được khoảng 3 - 4 tấn quả, doanh thu hơn 120 triệu đồng. Cũng ở bản Lũng Cú, gia đình ông Chang Su Lờ sở hữu gần 200 gốc sơn tra. Năm ngoái ông Lờ đã có thu nhập 100 triệu đồng. Năm nay, nhìn những cành quả sai trĩu quả, ông ước tính thu nhập sẽ cao hơn năm ngoái, bởi cái giống sơn tra này năm trước ít thì năm sau sẽ rất sai quả. 

img

Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 2.000ha cây sơn tra, phân bố ở hầu khắp các xã.

Còn đối với gia đình ông Thào Sú Rùa, nhờ mạnh dạn đầu tư trồng cây sơn tra, đến nay gia đình ông Rùa đã có trên 500 cây, trở thành một trong những hộ có thu nhập từ quả sơn tra cao nhất xã.

Ông Rùa cho biết: "Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn do sản xuất chưa ổn định, lại không có vốn để làm ăn. Cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào cây lúa nương nên cứ thiếu trước hụt sau. Từ khi xã có chính sách đưa cây sơn tra thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình tôi không còn vất vả như trước. Hiện, giá quả sơn tra từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, thương lái đến mua tận nhà nên bà con rất phấn khởi”. 

img

Quả sơn tra (táo mèo) chín có mùi thơm đặc biệt. Loại quả này có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịchphòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu... nên được nhiều người ưa dùng ngâm rượu, ngâm đường...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Toàn xã có trên 1.299ha sơn tra, hiện xã đã giao cho các hộ quản lý, thu hái, chăm sóc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền đến nhân dân ở một số bản có độ cao thích hợp như: Thào Xa Chải, Tu San, Phình Ngài để mở rộng diện tích cây táo mèo và đưa loại cây này trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương”.

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo ngành NNPTNT Yên Bái xây dựng Đề án “Phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu trồng mới 6.200ha sơn tra để đến năm 2020, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000ha, sản lượng đạt 7.500 tấn.

Từ đây, cây sơn tra không chỉ trở thành cây đặc sản vùng cao được mọi người biết đến mà còn góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của hệ động, thực vật; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao Yên Bái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem