Ký tự kỳ bí trên đá núi vùng sông A Vương (Tây Giang, Quảng Nam)

Nguyễn Văn Sơn Thứ sáu, ngày 29/08/2014 07:33 AM (GMT+7)
Trên vách đá ấy, có một ít địa y sống bám, trên cao là những tán cây lớn, che chở các dòng chữ còn lộ rõ nét tô màu trắng. Đến nay nhiều chữ viết lạ ẩn mình trên vách đá đó đã quá mờ, nhưng với các chữ viết lạ được khắc này, bước đầu chỉ là đoán định và vẫn còn là ẩn ngữ phải giải mã...
Bình luận 0
Từ hàng trăm năm qua, giữa một vùng ba la của đại ngàn Trường Sơn, nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu, giáp với nước bạn Lào anh em được nhiều người biết đến bởi tại đây, trên vách đá bên dòng sông A Vương thuộc thôn Achia, xã Lăng, huyện Tây Giang(Quảng Nam) có nhiều chữ viết lạ ẩn mình trên đó...
Vách đá bên dòng sông A Vương thuộc thôn Achia, xã Lăng, huyện Tây Giang(Quảng Nam) có chữ viết lạ.
Vách đá bên dòng sông A Vương thuộc thôn Achia, xã Lăng, huyện Tây Giang(Quảng Nam) có chữ viết lạ.

Đi tìm chữ viết lạ

Những ngày cuối tháng 4.2014, từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) chúng tôi đồng hành cùng xe máy để làm cuộc hành trình ngược về tây Trường Sơn khoảng gần 270 km giữa cái nắng oa bức của miền vùng biên để được đến tận nơi tìm hiểu thực hư xung quanh chữ viết lạ này.

Từ trung tâm xã Lăng, theo con đường về thôn Achia, từ đây rẽ phải chếch về phía tây là ra được sông A Vương. Từ bên bờ, có thể nhìn thấy vách đá có chữ viết lạ này. Vì đang là mùa nắng hạn, nên dòng sông A Vương nước cạn nhuộm một màu đục ngầu vì mấy ngày qua vừa mới có cơn mua đầu nguồn nhưng có thể lội bộ qua được.

Trên vách đá ấy, có một ít địa y sống bám, trên cao là những tán cây lớn, che chở các dòng chữ còn lộ rõ nét tô màu trắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay nhiều chữ viết lạ ẩn mình trên vách đá đó không ai đọc được bởi nét chữ đã quá mờ nhạt. Nhưng với các chữ viết lạ được khắc này, bước đầu chỉ là đoán định và vẫn còn là ẩn ngữ phải tiếp tục giải mã.

 Chữ viết lạ ẩn mình trên vách đá
Chữ viết lạ ẩn mình trên vách đá

Được biết, vào khoảng đầu năm 2010, theo báo cáo của đồng bào Cơ Tu thôn Achia, xã Lăng phát hiện trên dòng sông A Vương đoạn chảy qua thôn có một tảng đá khắc những ký hiệu với hình thù rất lạ, lập tức cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cử cán bộ đến khảo sát. Từ đó đến nay, dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu được triển khai nhưng ý nghĩa chữ viết lạ trên vách đá kia thì vẫn còn là bí mật !

Theo anh Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên cán bộ Trung tâm Bảo tồn-Di sản và Di tích Quảng Nam) cho biết: Vào tháng 7.2010, đoàn khảo sát của tỉnh Quảng Nam đã mang theo đồ dập, dập gồm giấy dó, mực và một số phụ kiện khác về Tây Giang khảo sát. Khi đến nơi, đoàn khảo sát phát hiện trên vách đá vôi, có một ít địa y sống bám, trên cao là những tán cây lớn, che chở các dòng chữ còn lộ rõ.

Nhiều cán bộ khảo sát phải dầm mình trong dòng nước đục và đứng khập khiễng trên các thanh gỗ để dập bản. Vách đá nằm chênh vênh bên dòng A Vương nên rất khó khăn trong việc tiếp cận, cả đoàn phải thay nhau dập đến ba bản khắc trên bề mặt đá tự nhiên.

img

img

img
Cận cảnh những chữ viết lạ mà đến nay vẫn còn là một ẩn số cần được giải mã.

Cũng theo anh Nguyễn Thượng Hỷ: Trước khi cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang phát hiện ra tấm đá chứa những chữ viết lạ này, thì nó đã được phát hiện trước đó vào năm 1938. Tài liệu "Văn khắc trên đá ở Samo: Một đoán định giải mã diễn dịch và định ngày tháng" của tác giả Daoruang Wittayarat - Tiến sĩ Trường Thực hành cao cấp Pháp cho biết, khoảng tháng 3 - 4 năm 1938, ông Le Pichon, vị quan ba của Pháp lập đồn ở huyện Hiên và Giằng cũ, đã biết về vách đá này, khi đó nó nằm gần đồn Samo. Sau đó, ông cho người phát quang dọn dẹp, với diện tích 5 x 12m và làm giàn giáo tre để thuận tiện trong việc dùng vôi tô vết lõm vào, làm rõ nét các bản văn khắc trên đá để chụp ảnh. Công việc này được hoàn thành trong hai ngày.

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc Quảng Nam) nghĩ rằng, người Cơ Tu xưa có thể là láng giềng thân thiện với người miền xuôi. Đó là câu chuyện về “con đường muối” mà những năm gần đây các nhà nghiên cứu trong nước đang tìm hiểu về việc giao thương, trao đổi của vùng đồng bằng với miền núi ở miền Trung.

Sự xuất hiện và tồn tại đến hôm nay về các chữ viết trên vách đá vôi tự nhiên bên dòng sông nối vùng thấp với vùng cao đã minh chứng cho việc giao thương trên sông mà chủ yếu là con đường muối. Việc tri ân, ghi nhớ công ơn các vị thần theo hình thức thần sông, thần núi, thần đá… là tính đặc trưng của tín ngưỡng bái vật giáo mà các tộc người thiểu số vùng Trường Sơn và Tây Nguyên đã hướng theo.

Cần được bảo tồn

Theo chúng tôi, mặc dù đã có sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học để giải mã các ký tự trên vách đá bên dòng A Vương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì vậy, lúc này việc bảo tồn và giữ gìn nguyên vẹn vách đá là nhiệm vụ quan trọng. Ngành văn hóa Tây Giang cần phối hợp với chính quyền xã Lăng bảo vệ tảng đá, bảo vệ không gian xung quanh tảng đá để hạn chế đến mức thấp nhất những hư hại có thể xảy ra với tảng đá này. Đó cũng là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem