Ký ức Hà Nội: Những gánh hàng hoa mộc mạc, làm đẹp cho đời

Nguyễn Thị Thanh Hà Thứ bảy, ngày 06/08/2022 08:42 AM (GMT+7)
Hà Nội 12 mùa hoa, mùa nào, hoa ấy! Những gánh hàng hoa vẫn mộc mạc, cần mẫn làm đẹp cho đời, cho người, hoa càng đẹp càng thấy đáng quý, cảm thương bởi đằng sau những hình ảnh tươi đẹp ấy là cả một cuộc sống mưu sinh vất vả trên đôi vai gầy của người phụ nữ Hà thành.
Bình luận 0

"Ai mua hoa đây... Ai mua hoa nào... Hoa tươi đây...", những lời rao chẳng còn xa lạ gì với người Hà Nội. Đi dọc mọi nẻo đường phố cổ, từ hẻm nhỏ ra đường lớn, cứ chốc lại bắt gặp vài gánh hàng hoa, hay cả những chiếc xe đạp thô sơ đã cũ kỹ, thậm chí là cong vành chở toàn là hoa tươi bán rong trên nhiều con ngõ từ sáng sớm đến tận tối mịt.  

Quanh năm suốt tháng, nếu không phải dịp gì đặc biệt thì lúc nào tôi cũng thấy được những gánh hàng hoa chạy dài ở dọc các con phố. Mà điều đặc biệt, họ toàn là những người đã già cả, cũng có vài ba cô tuổi còn trẻ nhưng có một điểm chung mà tôi nhìn ra ở họ toát lên nét gì đó rất mộc mạc, giản dị, vô cùng thân quen. 

Chắc rằng nhiều khách du lịch từ địa phương đến hay khách nước ngoài có dịp ghé thăm Việt Nam sẽ thấy đôi chút lạ lẫm bởi họ ít được tiếp xúc với văn hóa như vậy. Tôi từng được đi du lịch một số nơi của nước mình, đa phần những người có nhu cầu mua hoa phải đi ra chợ hoặc các cửa hàng hoa để chọn mang về nhà. 

Chỉ có Hà Nội thì sắc hoa tươi mới tràn ngập hàng ngày trên các cung đường, có lẽ đó là một trong những điểm nổi bật, đặc trưng của thành phố. Nó làm tôi nhớ đến khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, người người nhà nhà chung tay ý thức phòng dịch, giãn cách y tế diện rộng, chắc hẳn những ngày tháng không quên đó, Thủ đô của chúng ta đã thật yên ắng, quang đãng, thiếu đi hình ảnh những người bán hoa, thiếu đi sắc màu tươi thắm của những gánh hoa.

Ký ức Hà Nội: Những gánh hàng hoa mộc mạc, làm đẹp cho đời - Ảnh 2.

Gánh hàng hoa trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.

Thi thoảng, tôi có ghé lại mua ít hoa hướng dương về trưng ở phòng, dăm ba lần thì cùng ông bà mua vài bó cúc, bó sen để thắp hương cúng bàn thờ tổ tiên. Tôi đã từng hỏi những người bán hoa rằng: "Tại sao bà không chọn cái nghề nào nó nhàn nhã hơn, tuổi già người ta hưởng thụ, sum vầy bên con bên cháu, chứ nắng nôi thế này ra đường bán hoa vất vả lắm!"

Tôi có nhận lại một câu trả lời thế này: "Biết chứ, 30 Tết bà già đây còn đi bán chứ ngày thường đã là gì, biết là có khó có nhọc nhưng già rồi ai mà mướn bà làm việc nữa, con cái nó cũng phải đi kiếm tiền nuôi gia đình nó, nó cứ khỏe mạnh, ấm no thì các già cũng yên lòng. Tuổi này, già đi bán hàng kiếm được đồng ra đồng vào, vun vén cho con cho cháu được tí nào thì hay tí ấy. Mà kể ra thì buôn có bạn, bán có phường mới khỏe người ra..." - bà cụ vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa cười nói với tôi.  

Chợt, tôi nhận ra một điều, người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ quá, bao đời qua, từ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cô chiến sĩ xung phong mở đường, những cô giáo viên nhỏ nhắn mà đầy can đảm... cho đến nay mọi người mẹ của chúng ta, ai cũng vĩ đại cả. Người phụ nữ Hà thành nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung, họ luôn tảo tần, dành hết những gì tốt đẹp nhất cho gia đình và cho con cái của họ.

Thật bình dị, dân dã nhưng lại là vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế, rất Hà Nội. Giữa lòng thành phố ồn ào, vội vã là thế, những gánh hàng rong như sợi chỉ thời gian ghi chép lại nếp sống văn hóa thắm đượm cái hồn của người Việt. 

Hà Nội 12 mùa hoa, mùa nào, hoa ấy! Những gánh hàng hoa vẫn mộc mạc, cần mẫn làm đẹp cho đời, cho người, hoa càng đẹp càng thấy đáng quý, cảm thương bởi đằng sau những hình ảnh tươi đẹp ấy là cả một cuộc sống mưu sinh vất vả trên đôi vai gầy của người phụ nữ Hà thành.

Bài viết Những gánh hàng hoa mộc mạc, làm đẹp cho đời dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem