Ký ức Hà Nội: Ông chủ quán và bát phở ấm lòng giữa đêm khuya

Đinh Thành Trung Thứ bảy, ngày 23/07/2022 07:21 AM (GMT+7)
Cuộc đời có những sự việc xuất hiện một cách tình cờ nhưng có thể làm thay đổi cả một con người, một số phận. Và có những người không quen biết ta nhưng làm ta phải nhớ đến suốt cuộc đời. Anh bán phở ở Sóc Sơn là một người như vậy trong đời tôi.
Bình luận 0

Đó là một đêm đông lạnh giá cách đây 16 năm. Hôm đó tôi vừa nghỉ việc ở chỗ làm mà tôi đã phải vất vả mới vào được. Thất vọng, tôi trách đời, trách người, lang thang vật vờ vô định. Lúc đó đã gần khuya, vừa đói vừa mệt, tôi tạt vào một quán phở ven đường.

Quán phở không có tên, chỉ có chiếc biển đề chữ "phở bò". Người bán phở là một anh trạc 40 tuổi, với khuôn mặt khắc khổ thường thấy của một người bán hàng ăn. Anh định đóng cửa, nhưng thấy tôi có vẻ mệt nên làm phở cho tôi, đó là một bát phở to và nóng. 

"May mà anh chưa đóng cửa, không thì chú chết đói".

Tôi bắt đầu thử một thìa nước dùng và ăn một miếng phở, mới vậy mà tôi đã cảm nhận rất rõ đây đúng là bát phở ngon. Thịt bò mềm, nước dùng đậm đà đúng kiểu tôi thích, hành rất thơm và sợi phở rất ngon.

Đó có thể nói là một bát phở chuẩn vị Hà Nội. Nước ngọt thanh và không bị quá đậm mùi gia vị. Đây là món ăn nổi tiếng cả nước và quốc tế, phở Hà Nội lại có cái chất riêng của ẩm thực Thủ đô. Dù là ở vùng ngoại thành nhưng phở ở quán này vẫn tạo cho tôi cảm giác thỏa mãn và thư thái trong lòng.

Ký ức Hà Nội: Ông chủ quán và bát phở ấm lòng giữa đêm khuya - Ảnh 2.

Nhiều du khách ấn tượng với món phở bò ở Hà Nội. Ảnh: Thảo Nguyên

Tôi nghĩ bụng chắc chắn chủ quán đã có kinh nghiệm lâu năm nên phở mới ngon như vậy, và buột miệng hỏi "Anh bán đây lâu chưa ạ?".

Trái với sự im lặng ban đầu, anh bán phở bắt đầu "mở máy": "Chú thấy phở anh thế nào?" Tôi đáp: "ngon lắm ạ".

"Anh cũng đau đáu với nghè nấu phở này lắm." Anh chủ quán kể mình là một người đam mê nấu ăn và luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhìn người khác ăn ngon. Thì ra quán này bán đã lâu và phải chuyển địa điểm rất nhiều lần, sau đó mới về vùng quê ngoại thành này. 

Anh kể, mỗi lần phải rời đi là một lần thất bại, vì không thể làm ra món phở chinh phục được thực khách. Thoáng chốc đã 15 năm làm phở, và cuối cùng anh đã làm ra được loại phở ngon, có thể mở tiệm ở bất cứ đâu. Kể xong chuyện, anh chốt một câu "thua vài chục lần nhưng cuối cùng anh cũng thắng".

Câu chuyện anh kể dường như đúng với chính tôi. Nhảy việc vài chỗ rồi lại nghỉ vài chỗ, tôi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với chính bản thân. Tôi không có tài năng cụ thể, chỉ mê viết và tự biết khả năng đó không quá nổi trội. Nhưng chẳng phải anh bán phở cũng xuất phát điểm không cao, nhờ cố gắng mà bây giờ đã thành công đó sao. 

Sau đó, tôi cố kiểm điểm lại bản thân, nhìn mọi người làm ra sao, rồi soi lại chính mình để nhận ra cái sai rồi sửa. Tôi học hỏi mọi lúc mọi nơi, tiếp thu điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, tự mài dũa khả năng, tự sáng tạo ra "vũ khí bí mật" của chính mình với mục đích cho ra những sản phẩm hay nhất, có ích cho xã hội. Ban đầu, tác phẩm cứ gửi đi rồi chẳng được hồi âm nhưng tôi không nản, vẫn viết đều đều, vẫn cố gắng đọc thật nhiều, viết thật nhiều để tăng khả năng cảm thụ văn học và kỹ năng viết.

Thời gian thấm thoắt trôi qua với bao thăng trầm của cuộc sống. Tôi hiện vẫn đang là một biên tập viên và thường xuyên viết văn, viết báo. Tôi vẫn làm tốt việc biên tập của mình, hàng chục ấn phẩm có chất lượng được xuất bản với sự đóng góp của tôi. Còn với nghiệp viết, tôi đã vinh dự được vinh danh với một số giải thưởng. Dù đó không phải là điều gì to tát nhưng nó cũng là một sự ghi nhận đối với những cố gắng của tôi khi đã vượt qua bản thân để sống với đam mê của mình. Sự cố gắng và thành công bước đầu đã khiến mọi người tin vào khả năng của tôi, và khiến cả chính tôi tin vào con đường mình đang đi là đúng đắn.

"Anh vẫn còn phải cố gắng nhiều để có thể tự hào khi đem phở của mình đi bất cứ đâu. Lúc đó mình được phép ưỡn ngực nói với người ta mình là người nấu phở Hà Nội". Lời của anh vẫn còn đọng lại trong tôi, cho đến giờ tôi chưa thấy ai tự hào với món phở Hà Nội như thế.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày đó, mỗi khi mệt mỏi, tôi lại nghĩ về hình ảnh của anh bán phở, về quyết tâm của anh để cố gắng hơn trong công việc và cuộc sống. 

Bài viết Ông chủ quán và bát phở ấm lòng giữa đêm khuya dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem