Ký ức người còn lại trong "34 chiến sĩ đầu tiên"

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 06:33 AM (GMT+7)
Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, cụ là người duy nhất cho đến thời điểm này còn sống, khóc thương vị tướng huyền thoại vừa qua đời ở tuổi 103.
Bình luận 0
Ký ức về vị tướng thiên tài

Chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 ở cuối thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đúng lúc cụ đang ngồi bần thần giữa nhà, tấm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được đặt trang trọng trên bàn.

Khác với những lần gặp trước, lần này trước mắt tôi là một cụ già tóc đã bạc phơ, cử chỉ chậm chạp nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn. Đó là cụ Tô Đình Cắm, bí danh Tô Tiến Lực, năm nay 91 tuổi, là 1 trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập ngày 22.12.1944, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó chỉ huy. Và đến thời điểm hiện nay, ông là người duy nhất trong 34 người chiến sĩ đó, còn hiện hữu trên cõi đời này.
Cụ Tô Đình Cắm ôm chân dung tướng Giáp bật khóc khi nghe tin ông mất
Cụ Tô Đình Cắm ôm tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bật khóc.
Sinh thời, cụ Tô Đình Cắm là một trong những người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp “chọn mặt gửi vàng”, bố trí vào hoạt động bí mật để chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho ta nổi dậy khởi nghĩa.

Gặp lại chúng tôi sau nhiều năm, như tìm được người để giãi bày nỗi niềm, cụ Cắm cầm bức chân dung tướng Giáp lên tay, từng dòng nước mắt lại tuôn rơi.

Chúng tôi biết cụ đang xúc động mạnh từ khi hay tin tướng Giáp từ trần. Sau nhiều phút trấn tĩnh, người cựu binh năm xưa mới bắt đầu chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe hồi ức của mình về những ngày đầu tiên đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, dưới sự dẫn dắt của tướng Giáp (khi ấy với bí danh là anh Văn).

Dẫu biết rằng sinh tử là một quy luật tất yếu của đời người không thể nào tránh khỏi, nhưng khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, cụ Tô Đình Cắm vẫn lặng người sửng sốt. Gặp chúng tôi, cụ Cắm lại hỏi: “Anh Văn chết thật rồi ư?”. “Vâng thưa cụ!” - tôi trả lời. “Vậy là trong 34 anh em năm xưa giờ chỉ còn lại một mình tôi thôi ư?” – cụ Cắm giọng đượm buồn.

Dù đã bước sang tuổi 91, sức yếu, tai đã lãng nhưng tinh thần của cụ Cắm thì hãy còn minh mẫn lắm. Ôm bức chân dung tướng Giáp trên tay, cụ Cắm bùi ngùi lần lại trong trí nhớ để kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm một thời gian khổ, vất vả, bí mật, hoạt động trong đội quân của tướng Giáp.

Cụ Cắm không thể nào quên lần đầu tiên được diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là vào năm 1942, khi anh Văn về xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng hoạt động, tuyên truyền, kêu gọi mọi người hưởng ứng, tích cực tham gia cách mạng, chuẩn bị nổi dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Cụ Cắm được dẫn đến gặp anh Văn ở một lán trại trong khu rừng ngay chân núi Slam Cao (hay còn gọi là rừng Trần Hưng Đạo) của huyện Nguyên Bình.

Sau lần gặp gỡ ấy, cụ Cắm còn nhiều lần được chung sống, hoạt động cùng Đại tướng. Ba năm sau, kể từ ngày đi làm cách mạng, năm 1944, cụ Cắm trở thành 1 trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (cái tên Tô Văn Cắm được xếp thứ 8), cùng với anh Văn tập trung phát triển lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng rồi trực tiếp chiến đấu, giành lại độc lập cho dân tộc sau hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp.
Cụ Tô Đình Cắm lập bàn thờ khi hay tin tướng Giáp từ trần.
Cụ Tô Đình Cắm lập bàn thờ khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Cụ Cắm cho biết: “Lúc chưa được gặp, tôi nghĩ anh Văn phải là người có điều gì đó khác với mọi người, ít nhất là cách ăn mặc phải sang trọng, oai phong hơn. Nhưng không, anh ấy cũng như những người dân khác thôi, cũng chiếc quần rộng thùng thình, chiếc áo nâu cũ nhưng gương mặt thì toát lên một bản lĩnh vững vàng, tin cậy lắm…” – cụ Cắm tâm sự.

Cụ Tô Đình Cắm rời bàn ngồi, lại châm lửa đốt nhang cúng vái tướng Giáp, bởi khi hay tin vị tướng tài lỗi lạc qua đời, chính tay cụ Cắm đã dùng chiếc bàn, trải vải đỏ lập bàn thờ cúng vong hồn Đại tướng. Những giọt nước mắt trên khuôn mặt người lính già lại tuôn rơi vì xúc động, cụ Cắm khóc từng hồi nức nở.

Cụ Cắm nhớ lại: “Khi tôi tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thì tuổi còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Ban đêm khi ngủ tôi thường rất phá, cựa quậy lung tung, nhiều lần tôi còn gác chân lên người anh Văn. Lắm lúc còn bị anh mắng: “Cậu ngủ gác quá làm mình không ngủ được”... Nói thế nhưng anh vẫn cho tôi ngủ chung”. Theo cụ Cắm, tướng Giáp là người sống hòa đồng, không phân biệt cấp trên, cấp dưới mà mọi người đều bình đẳng như nhau, một lòng vì dân, vì nước.

Từ khi hoạt động cách mạng, tướng Giáp luôn là người gần gũi, dạy ông nhiều điều bổ ích. Cụ Tô Đình Cắm xúc động cho biết: dưới sự chỉ đạo tài tình của tướng Giáp, dù những ngày đầu mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm cho tới vũ khí, đạn dược và con người, nhưng đã đánh trận nào là quyết tâm chiến thắng trận đó. Trong con mắt cụ Cắm, tướng Giáp là một thiên tài trong việc động viên chiến sĩ khắc phục khó khăn, triển khai nghệ thuật tác chiến,… biến hóa khôn lường, khiến quân địch khiếp sợ.

Cụ còn nhớ, cách đây 69 năm, khi ấy vào khoảng 5 giờ chiều ngày 25.12.1944, các đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (trong đó có cụ) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đóng giả lính khố xanh, bất ngờ tập kích, bắt sống 17 tên lính trong đồn và một viên cai tại đồn Phai Khắt của Pháp. Đúng lúc đó, đồn trưởng quân Pháp cưỡi ngựa trở về cùng vài binh lính cũng bị tiêu diệt luôn.

Trận đánh đó đã được tướng Giáp lên kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chu đáo, chi tiết nên chỉ diễn ra trong vòng mươi phút nhưng đã giành toàn thắng. Một ngày sau chiến thắng Phai Khắt, dưới sự chỉ huy của tướng Giáp, lực lượng giải phóng quân tiếp tục cải trang, đánh bại quân địch ở đồn Nà Ngần, cách Phai Khắt khoảng 25km, đồn có 22 tên lính khố đỏ do hai sĩ quan Pháp chỉ huy. Sáng sớm ngày 26.12.1944, bộ đội Việt Minh cải trang làm lính dõng và lính tập, dùng trang phục của lính Pháp mới lấy được ở Phai Khắt tiến vào, tiêu diệt 4 tên địch và bắt sống số còn lại. Hai mươi phút sau, bộ đội rút khỏi đồn mang theo nhiều chiến lợi phẩm. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta liên tục giành chiến thắng trên khắp các chiến trường.

Phần lớn tù binh sau khi được tướng Giáp tuyên truyền, vận động đều được thả về quê quán, nhiều người sau đó đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng cho ta.

Cụ Cắm cho biết, trước mỗi trận đánh, tướng Giáp đều thức rất khuya, gọi anh em trong đội ngồi lại bàn bạc, lên kế hoạch tấn công địch rất chi tiết, phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể, vì thế mà đã đánh là thắng.

Tự hào được tướng Giáp tặng áo

Cụ Cắm cho biết, sau cuộc khởi nghĩa tháng 8.1945, trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do tướng Giáp chỉ huy mỗi người một nơi, đảm đương những cương vị khác nhau trong Quân đội nên ít có dịp được gặp mặt. Riêng cụ, năm 1946, lại tiếp tục tham gia đoàn quân “Nam tiến” đóng quân ở Rạch Giá (Kiên Giang).

Trong một trận chiến, cụ Tô Văn Cắm bị thương nặng phải chuyển ra Đà Nẵng chữa trị, sau đó giải ngũ trở về quê vì lý do sức khỏe. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cụ Tô Văn Cắm lại xung phong tái ngũ, được bổ nhiệm với chức vụ Trung đội trưởng Trung đội pháo binh. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, cụ xuất ngũ, tham gia công tác địa phương, làm đội trưởng đội thuế rồi chủ nhiệm hợp tác xã, sống đạm bạc nơi quê nhà.

Năm 1992, cái khó của vùng đất nghèo, nơi sinh thành (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã khiến cụ rong ruổi vào Nam sinh cơ, lập nghiệp tại vùng kinh tế mới ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

Cùng trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy, bạn bè cụ, nhiều người sau này đã trở thành cấp tướng, như tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Hoàng Văn Thái, tướng Hoàng Sâm...

Cụ Cắm bảo rằng cuộc đời như dòng chảy, thấm thoắt vậy mà đã hai phần ba thế kỷ trôi qua kể từ ngày cụ được kết nạp vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong 34 chiến sĩ năm xưa, nay chỉ còn lại mình ông.

Lau những dòng nước mắt, cụ Cắm vào phòng lấy ra một chiếc áo khoác màu xám trắng vốn được cụ nâng lưu, cất giữ cẩn thận. Cụ nói, đây là chiếc áo vừa cách đây hơn chục năm, chính tướng Giáp đã tặng cụ làm kỷ niệm trong một lần gặp nhau ở TP.HCM.

Lần đó, tướng Giáp đi thăm Bộ tư lệnh Quân khu 7, khi hay tin cụ Cắm đang sinh sống ở Lâm Đồng, tướng Giáp liền cho người đón cụ Cắm xuống TP.HCM để hai người lính già được gặp nhau, cùng ôn chuyện cũ. Cụ Cắm không ngờ, đấy cũng là lần cuối cùng trong đời cụ được gặp tướng Giáp.
Ngô Khắc Lịch (Dòng Đời) (Ngô Khắc Lịch (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem