Hình như cành mai nhà bên đã he hé mấy nụ búp, chuẩn bị cho ngày mới sắp sang. Không biết đông đã đi qua khi nào mà dấu ấn của mùa xuân đang càng thêm rõ nét. Ừ, mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm, mùa của gia đình sum họp, mùa của những cái ôm, của cả nhà bên nồi bánh chưng xanh khói mờ cả mắt vẫn vui vẻ, ngày mà những đứa con được cha được mẹ âu yếm, ngọt ngào cho những lời yêu thương, mùa của sự trở về.
Tôi nhớ đêm 30 tết của những năm còn thơ ấu. Hồi đó, bố tôi chưa về hưu, chúng tôi còn là những đứa trẻ non nớt và khờ dại. Chỉ vài tháng bố mới về, thích nhất là đợt tết, bố về cùng chúng tôi. Nhưng tết cũng như những ngày thường, bố về vài ba dạo rồi lại đi… Mẹ lại bảo tôi đêm nay bố trực. Tôi hiểu công việc của người bộ đội như bố. Ngày ngày vì lí tưởng mà làm việc, đến cả đêm 30 cũng tất bật vì nhiệm vụ, vì Tổ quốc. Mẹ tôi kể, khi sinh 3 đứa chúng tôi, mẹ đều không có chồng bên cạnh. Mẹ thực là người phụ nữ vĩ đại. Lúc mẹ đau nhất, lúc mẹ ốm yếu nhất và cần bờ vai vững chãi nhất, mẹ lại một mình vượt qua và để mà thấu hiểu tất cả công việc của bố. Đến cả đêm 30, nhà nào cũng sáng đèn, có bóng dáng người chồng mạnh mẽ, có tiếng “đao to búa lớn” của người đàn ông chúc phúc, gia đình tôi như có thứ gì hụt hẫng. Bốn mẹ con cũng vui vẻ chuyện trò, hứa hẹn nhưng tôi thấy trong mắt mẹ có nỗi buồn tâm sự. Mẹ lại âm thầm ra ban công, vội bật chiếc điện thoại, gọi cho bố:
- Anh đi đến đâu rồi?
- Chắc vài tiếng nữa anh mới đến nơi, cả nhà cứ đón giao thừa trước đi.
Mẹ lại bảo: Thôi đêm nay mình gắng đợi bố chút nhỉ, năm ngoái đã không chúc tết nhau được rồi!
Mẹ nói câu nói chúng tôi thuộc nằm lòng. Lại những tiếng cười vang lên mà trong lòng mỗi người có những lặng thầm tâm sự nhưng không dám nói ra. Tôi chỉ biết rằng, khi có tiếng bước chân của bố bước vào phòng, bốn mẹ con đã ngủ, bố bế mỗi người vào phòng rồi lại mệt mỏi thiếp đi đến sáng. Khi thức dậy, chúng tôi lại cười một trận ra trò rằng bố cứ như “siêu nhân” xuất hiện bất ngờ. Và ly rượu năm nay lại cụng muộn hơn một chút, tiếng cười cứ thế to dần và tôi ngỡ gia đình tôi là hạnh phúc nhất. Điện thoại lại reo lên, chúng tôi biết bố sẽ nói câu gì tiếp theo, chỉ thấy mắt mẹ buồn, rưng rưng: Anh đi bảo trọng, nhớ về sớm nghe!
Tiếng bố bước chân đi xa dần, không khí gia đình càng thêm im ắng. Tôi thấy sự thất vọng hằn lên trong đôi mắt người phụ nữ có tuổi. Thời chưa sinh tôi, bố đi làm gần, lương ít mà khi nào cũng có mặt ở bên gia đình, đến khi có đứa thứ ba, em tôi, bố đi làm xa hơn, về cũng ít hẳn mà công việc cũng nhiều hơn, tết có về cũng vài ngày rồi lại trực.
Ảnh minh họa.
Thực tôi chỉ biết cười thật nhiều để làm mẹ vui, nhưng với một người vợ, làm sao chịu được cành xa xôi mảnh chiếu tấm chăn? Cái tết của những đứa trẻ thành phố chúng tôi không thiếu một thứ gì cả. Chúng tôi vẫn có những bộ quần áo mới đắt tiền, vẫn có đủ những món ăn ngon ngày tết: mứt, bánh chưng, bánh tét,... Nhà tôi cũng sắm đủ cúc, đủ mai, có cả mâm ngũ quả, xôi ngũ sắc,... Tết năm nào mẹ cũng làm lớn, cũng sắm sửa nhiều đồ. Nhưng đôi khi, những thứ đó vẫn chưa là gì cả. Chúng tôi cần cái tết sum vầy bên nhau, cần có đêm 30 cả gia đình chúc phúc, cần mẹ thật sự hạnh phúc và cần bố có một ngày thực sự ở bên gia đình. Với chúng tôi, không cần quá nhiều đồ lễ nghĩa, chỉ cần có một ngày, cả gia đình ngồi sum vầy bên mâm cơm, bố ôm mẹ nhìn những đứa con tranh nhau miếng ăn ngon, để vang lên những tiếng cười giòn giã. Ấy mới thực sự là Tết…
Tên: Lại Phương Trúc
Địa chỉ: TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
SĐT: 0827524789
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.