Kỳ vọng giúp nhiều nông dân xứ Nghệ làm giàu

Cảnh Thắng – Nguyễn Tình Thứ sáu, ngày 19/08/2022 17:15 PM (GMT+7)
Sáng 12/8, tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi tập huấn, chuyển giao mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học.
Bình luận 0

Với việc nông dân được tập huấn, nắm chắc kỹ thuật, lại còn được hỗ trợ con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh vật, Dự án xây dựng mô hình "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)" kỳ vọng sẽ giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gà.

Thua lỗ, bỏ trống chuồng vì nuôi gà kiểu cũ…

Sáng 12/8, tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi tập huấn, chuyển giao mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học. Dự án sẽ hỗ trợ cho 10 hộ tham gia với 4.200 con gà giống đạt chuẩn, người dân đối ứng 2.400 con. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, ngoài được hỗ trợ con giống còn được hỗ trợ thức ăn, chế phẩm sinh học trong quá trình chăn nuôi.

Kỳ vọng giúp nhiều nông dân xứ Nghệ làm giàu - Ảnh 1.

Dự án tổ chức bàn giao gà giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh cho các hộ tham gia mô hình. Ảnh: NGUYỄN TÌNH

"Tôi hy vọng sẽ thành công với mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học và từ đó mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn hơn, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu cho gia đình mình".

Anh Lý Văn Thanh – hộ dân tham gia dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, từ trước đến nay người dân ở xã Quỳnh Bá vẫn chủ yếu nuôi gà theo hướng truyền thống nên hiệu quả thấp, rủi ro cao. Trong đó, bà con chưa chú trọng về chất lượng con giống, vệ sinh, công tác phòng chống dịch bệnh… nên chất lượng gà thịt thấp, hiệu quả kinh tế không cao, đặc biệt là khi xảy ra dịch bệnh thì rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó, người nuôi còn phải chịu tác động từ giá vật tư đầu vào để chăn nuôi không ổn định, thị trường tiêu thụ nhiều biến động… Do đó, thời gian qua đã có nhiều hộ dừng việc chăn nuôi, bỏ trống chuồng trại trong thời gian dài.

Anh Lý Văn Thanh (trú tại xóm 1, xã Quỳnh Bá) chia sẻ: "Gia đình tôi theo nghề nuôi gà hơn 10 năm nay. Trước đây tôi nuôi giống gà siêu đẻ, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt nhiều do chất lượng con giống không tốt, mình lại không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên gà dễ bị bệnh lại đẻ không đều. Càng nuôi càng lỗ nên thời gian qua gia đình tôi phải bỏ chuồng trống".

Kỳ vọng giúp nhiều nông dân xứ Nghệ làm giàu - Ảnh 3.

Gà giống mà một hộ dân tham gia dự án vừa được bàn giao. Ảnh: N.T

Tập huấn quy trình chăn nuôi trước khi bàn giao con giống, thức ăn…

Ông Trần Văn Đức - Phó Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: "Dự án Xây dựng mô hình "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu)" có 10 hộ dân tham gia, tổng quy mô 6.600 con gà giống. Trong đó, phía dự án hỗ trợ cho các hộ 4.200 con gà giống đạt chuẩn, các hộ dân đối ứng 2.400 con. Việc người dân đối ứng số lượng gà giống này nhằm để tăng tính trách nhiệm khi tham gia dự án. Quá trình tham gia dự án, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ thêm gần 2 tấn thức ăn cho gà, chế phẩm vi sinh. Trước khi bàn giao gà giống và thức ăn, chế phẩm vi sinh, phía dự án đã tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học cho 10 hộ .

Bỏ ra số tiền lớn để đầu tư hệ thống chuồng trại, nhưng suốt 2 năm qua gia đình anh Nguyễn Hữu Cường (trú tại xã Quỳnh Bá) cũng phải nuốt nước mắt để trống chuồng trại. Theo anh Cường chia sẻ, trước đó gia đình cũng nuôi giống gà siêu đẻ để lấy trứng, tuy nhiên vì không có kinh nghiệm, gà chết nhiều nên mỗi đợt nuôi đều lỗ nặng. Bởi vậy từ năm 2020 đến nay, toàn bộ hệ thống chuồng trại với diện tích cả ngàn m2 của gia đình anh đang bỏ không.

Gỡ khó, mở hướng làm ăn cho nông dân

Dự án ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại xã Quỳnh Bá được triển khai với hy vọng hỗ trợ để khôi phục lại phong trào chăn nuôi gà thịt trên địa bàn xã Quỳnh Bá cũng như huyện Quỳnh Lưu nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Đồng thời, qua triển khai dự án sẽ giúp các hộ liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, củng cố và hỗ trợ chi hội nông dân về nghề nghiệp đi vào hoạt động ổn định.

Theo đại diện Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, dự án chú trọng việc sử dụng gà giống của công ty có uy tín, thức ăn chất lượng, sử dụng chế phẩm vi sinh học; có đệm lót sinh học, chuồng trại được xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, phun độc khử trùng theo đúng quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Hiện nay việc xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng chung của ngành chăn nuôi ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Kỳ vọng giúp nhiều nông dân xứ Nghệ làm giàu - Ảnh 5.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học được kỳ vọng giúp các hộ dân làm giàu. Ảnh: N.T

Qua khảo sát, dự án đã chọn 10 hộ gia đình có điều kiện chuồng trại đạt quy chuẩn, phù hợp để triển khai dự án tại xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu. "Hội Nông dân, chính quyền địa phương và các hộ dân tham gia mô hình đều kỳ vọng mô hình này thành công, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn để bà con nông dân vượt qua khó khăn trong hoạt động chăn nuôi, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình" - ông Trần Văn Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân Nghệ An chia sẻ.

Ngoài việc tổ chức tập huấn cho bà con về quy trình chăm sóc gà theo hướng an toàn sinh học, cán bộ kỹ thuật của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An còn tận tình hướng dẫn về quy trình phun tiêu độc khử trùng, định kỳ tiêm vaccine phòng bệnh cho gà. Đặc biệt là hướng dẫn quy trình làm đệm lót sinh học giúp đảm bảo vệ sinh chuồng trại và an toàn với môi trường. Theo đó, đệm lót sinh học có độ dày tối thiểu 5cm được làm từ mùn cưa hoặc trấu khô, sau đó ủ chế phẩm vi sinh học rồi trải đều. Khi phân gà rơi xuống đẹm lót sẽ tự hủy, qua đó tránh được các yếu tố gây mầm bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Gà giống được hỗ trợ cho nông dân tham gia mô hình lần này là gà giống Dabaco của Công ty TNHH Dabaco Miền Trung. Đại diện công ty cho biết, đây là giống gà được lai tạo từ giống gà ri của Việt Nam và gà của Pháp, vì thế đảm bảo chất lượng thịt ngon, trọng lượng gà lớn, gà phát triển nhanh, khỏe, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam.

"Được tập huấn nắm vững kỹ thuật, lại còn được hỗ trợ con giống, thức ăn cho gà, tôi hi vọng sẽ thành công với mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học và từ đó mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn hơn, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu cho gia đình mình" - anh Lý Văn Thanh bày tỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem