Cây cách rất dễ sống, trồng ở vườn nhà chỉ cần giâm cành non xuống đất, dù đất phèn hay đất thịt pha cát, dù nắng hay mưa, cây cách cũng tươi tốt rất nhanh.
Ăn lá cách phải ăn sống mới tận hưởng hết hương vị đặc trưng của loại lá này. Lá ngon nhất của cây cách là những lá còn non có màu xanh nhạt, mùi ít nồng hơn lá già. Kể cũng lạ, cái mùi hăng hắc của lá cách, khi nấu chung với những sản vật của ruộng đồng, không những “bán” hết mùi tanh mà còn quyện vào làm món ăn thơm phức đậm đà.
Lá cách.
Lá cách xào với rắn, ếch sẽ tuyệt ngon
Lá cách có thể xào với ếch, rắn, chuột nhưng người sành ăn cho là xào với thịt rắn mà là rắn trun thì ngon nhất.
Rắn trun con to lắm chỉ bằng ngón chân cái người lớn; con bé thì cỡ ngón tay trỏ. Chế biến món rắn trun xào lá cách cũng đơn giản. Đầu tiên đập đầu cho rắn chết, dùng nước sôi cạo sạch (hoặc thui), móc ruột, cắt bỏ đầu, rồi băm nhuyễn thịt, thịt rắn bằm nhuyễn, ướp gia vị, nhất thiết không thể thiếu ớt và sả, đem xào săn, cuối cùng mới cho lá cách cắt nhuyễn vào, khi ăn xúc với bánh tráng, làm món lai rai thì không chê vào đâu được.
Lá cách xào rắn.
Vào mùa mưa, người ta thường rủ nhau dùng đèn đi soi cóc hoặc ếch để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Ếch xào lá cách được chế biến khá đơn giản, vì người nội trợ có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có quanh nhà.
Để món ăn được thơm ngon, sau khi làm ếch xong, rửa sạch, để ráo nước, trong khi ướp gia vị, có người cho thêm 1 ít bột nghệ để món ăn có màu vàng ánh, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, khi chế biến món ăn này, nét đặc trưng nhất là không thể thiếu nước cốt dừa.
Ăn bánh xèo không thể thiếu lá cách
Bánh xèo là món đặc trưng của miền quê Nam bộ. Người ta có thể ăn bánh xèo với nhiều loại rau khác nhau, thứ nào cũng tươi ngon, nhưng với nhiều người, ăn bánh xèo mà thiếu lá cách thì cảm thấy không ngon vì thiếu lá cách họ không cảm nhận được vị thơm lạ, đăng đắng dễ ghiền.
Thưởng thức bánh xèo cuốn lá cách ta sẽ cảm nhận được hương thơm giòn của bánh, vị ngọt của tôm, hến, vị nồng cay, đậm đà của của nước mắm tỏi ớt, vị đăng đắng của lá cách, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng và quen thuộc không lẫn vào đâu được của miền sông nước miền Tây.
Món lươn um lá cách, ngon có một không hai
Ai đã một lần ăn món lươn um lá cách thì khó mà quên được vì sự hòa trộn hài hòa mùi vị của món ngon nơi miền thôn dã.
Lá cách um lươn.
Món ăn này được xem là “độc chiêu” của người dân Nam Bộ. Chọn lươn phải chọn lươn ngon nhất là loại lươn đồng vàng ươm, đem ngâm giấm, cạo sach nhớt, rửa sạch rồi đem ướp gia vị và sả ớt, để nửa giờ cho thấm. Lót một lớp lá cách xuống đáy nồi, để lươn vào rồi lại phủ thêm một lớp lá bên trên.
Bắt lên bếp cho lửa lớn chừng mười phút là lươn đã chín. Lúc này mới cho nước cốt dừa vào (nước cốt vắt ra đợt thứ nhất) và nhắc xuống. Người ta gắp rau trải đều trên dĩa, đặt lươn nằm khoanh bên trên, rồi mới rắc đậu phộng rang đâm sơ lên. Khi ăn, dùng đũa bẻ lươn gãy thành khúc, chấm nước mắm sả ớt pha chút nước cốt dừa, mới đậm đà làm sao!
Lá cách – loại lá vườn hoang dại, không cần phân thuốc được mọi người biết đến ngoài công dụng như bài thuốc tốt cho gan, giúp giải nhiệt cơ thể thì người dân miền Tây đã kết hợp lá cách với những sản vật từ đồng ruộng sáng tạo ra nhiều món ăn chân quê làm cho bữa ăn của họ tuy giản đơn mà ngon miệng, ấm áp nghĩa tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.