Lạ đời một nơi ở Hòa Bình, quán chả có người bán thì người mua trả tiền kiểu gì?

Thứ hai, ngày 04/12/2023 18:47 PM (GMT+7)
Mô hình "quán tự giác" - quán bán hàng không có người trông coi hay thu tiền của người Mường Ao Tá ở xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã trở thành nét đặc sắc, mời gọi và níu chân du khách đến với bản làng xinh đẹp này.
Bình luận 0

Theo người dân xóm Đá Bia, thôn Đức Phong, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, gọi là “quán tự giác” vì không có người bán hàng, khách muốn mua gì chỉ cần bỏ tiền vào cái giỏ không nắp rồi xách đồ đi, các giao dịch hoàn toàn dựa trên lòng tin giữa người mua và người bán. 

Lạ đời một nơi ở Hòa Bình, quán chả có người bán thì người mua trả tiền kiểu gì? - Ảnh 1.

“Quán tự giác” được coi là siêu thị đầu tiên của người Mường Ao Tá, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc ở tỉnh Hòa Bình.

Hình thức kinh doanh độc đáo này đã xuất hiện ở đây từ khoảng 20 năm nay, nhưng dần bị mai một. Khoảng 5 năm gần đây, khi địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, người dân đã khôi phục trở lại những mô hình quán tự giác đầy thú vị, độc đáo này. 

“Quán tự giác” được coi là siêu thị đầu tiên của người Mường Ao Tá ở Hòa Bình. Hàng ngày, hàng hóa được bày bán từ sáng sớm, trước khi đến giờ đi làm đồng áng, nương rẫy và dọn hàng, kiểm hàng khi trời nhá nhem. 

Bà Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc Nhềm, xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho biết, với đặc tính tự túc tự cấp, mỗi gia đình người Mường đều có thể sống khỏe mà không bị phụ thuộc vào chợ hay siêu thị... 

Rau củ, lúa gạo trồng ra, gà, vịt nuôi lớn chủ yếu để nhà dùng, thừa chút ít mới mang bán, người mua tự định giá và để lại tiền. 

Tương truyền, nếu ai gian, không trả tiền mà cứ lấy hàng về sẽ không ra được khỏi xóm. Vì thế, người dân rất tự giác trả tiền.

Lạ đời một nơi ở Hòa Bình, quán chả có người bán thì người mua trả tiền kiểu gì? - Ảnh 2.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các quán tự giác đã phát huy hết công dụng của mình khi vẫn duy trì được việc lưu thông hàng hóa (trong đó có các mặt hàng thủy sản nướng như tôm nướng, cá nướng) mà lại giảm thiểu sự tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh.

Quán tự giác được dựng lên bằng tre nứa, lợp rơm rạ hoặc mái lá, nhìn giống như một chiếc chòi nhỏ đơn sơ ven đường, bên trong bày biện hết sức đơn giản. 

Quán tự giác chủ yếu bán những đồ nông sản, sản vật của người dân tự trồng trọt, sản xuất ra như rau củ quả, trái cây trong vườn như ổi, bưởi, khế, mía, khoai, măng tươi, măng ngâm, măng khô, cá khô, giỏ, quạt đan, rổ rá, sản phẩm thủ công mĩ nghệ…

Mỗi món hàng đều có “bảng giá” viết tay trên miếng giấy xé nhỏ, mùa nào thức nấy, giá dao động từ chừng 10.000 - 200.000 đồng mỗi món, tuỳ trọng lượng, kích thước.

Người mua cần gì cứ đến lấy hàng, rồi thả tiền vào giỏ, hoàn toàn tự giác. Cuối ngày, chủ hàng chỉ việc đến dốc giỏ thu tiền về.

Quán không chỉ của một người, chứa các mặt hàng của một chủ mà nhiều người đều có thể đặt hàng vào trong quán, cuối ngày ra xem món nào bán hết thì nhặt đúng từng đấy tiền về, không phải cộng trừ gì. Người mua và người bán cũng đều là dân trong xóm, mua bán theo nhu cầu nhưng cũng là niềm vui nho nhỏ của mỗi người.

Lạ đời một nơi ở Hòa Bình, quán chả có người bán thì người mua trả tiền kiểu gì? - Ảnh 3.

Quán tự giác không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân mà còn thể hiện sự thiện chí, và mang ý nghĩa giáo dục sự trung thực cho cộng đồng.

Một điều thú vị nữa là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các quán tự giác đã phát huy hết công dụng của mình khi vẫn duy trì được việc lưu thông hàng hóa mà lại giảm thiểu sự tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh.

Chị Nguyễn Mai Anh, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đến đây vì tò mò về quán tự giác. Người dân nơi đây rất thân thiện, thật thà, nấu ăn rất ngon, cảnh đẹp, không khí trong lành. Và những câu chuyện về người Mường Ao Tá sống trên núi cũng rất hấp dẫn. Chúng tôi sẽ còn trở lại đây thêm nhiều lần nữa”.

Thích thú khám phá những gian hàng tự giác, chị anh Phạm Văn Khoa, du khách đến từ TP.HCM cho biết: "Mô hình này rất hay và thú vị, đặt sự tin tưởng lên trên lợi nhuận khiến người mua hàng cũng thấy được tin tưởng và tôn trọng. 

Mặc dù tiền và hàng không có người trông nhưng cũng không ai dám tự ý lấy hàng mà không trả tiền. Quán tự giác không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân mà còn thể hiện sự thiện chí, và mang ý nghĩa giáo dục sự trung thực cho cộng đồng”.

Chị Lò Thị Trang, người dân xóm Đá Bia cho biết, quán tự giác là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, sau một thời gian bị mai một nay đã được khôi phục trở lại. 

Từ ngày những gian quán tự giác này được lập nên, người dân trong xóm rất vui, vì không những quán giúp tiêu thụ sản vật mà còn đem lại niềm vui trao đổi trên cơ sở tự giác và tôn trọng lẫn nhau, và mô hình này được du khách đến đây tham quan rất thích thú.

Lạ đời một nơi ở Hòa Bình, quán chả có người bán thì người mua trả tiền kiểu gì? - Ảnh 4.

Kể từ khi có các dự án du lịch cộng đồng, hình ảnh các Quán tự giác ở Đá Bia đã được du khách đem đi rất xa để giới thiệu như một nét văn hóa độc đáo của người Mường Ao Tá.

Ở Đá Bia, người dân chủ yếu làm nông, trồng trọt và nuôi, đánh bắt thủy sản trên hồ. Vài năm gần đây, khi du lịch cộng đồng phát triển hơn, các hộ dân trong xóm đã tham gia làm dịch vụ du lịch hoặc cung cấp thực phẩm phục vụ du khách…

Quán tự giác còn là nơi người dân giao lưu, trò chuyện với khách du lịch. Đoàn khách nào từ xa đến cũng ngạc nhiên và rất thích thú khi tìm hiểu mô hình quán. 

Kể từ khi có các dự án du lịch cộng đồng, hình ảnh các Quán tự giác ở Đá Bia đã được du khách đem đi rất xa để giới thiệu như một nét văn hóa độc đáo của người Mường Ao Tá. 

Quán tự giác đã trở thành hình ảnh của lòng tin, tinh thần tôn trọng lẫn nhau và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Khách du lịch tìm đến với Đá Bia vì một xóm nhỏ ven núi rất đẹp, đậm chất văn hóa Mường, và vì những quán bán hàng độc đáo này.

Xóm Đá Bia nằm cạnh sông Đà, người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nhận thấy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa phong phú của nơi này phù hợp với hình thức du lịch cộng đồng, năm 2014, tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã chọn nơi đây để phát triển dự án “Du lịch cộng đồng”.

Nhờ được huấn luyện làm du lịch nên người Mường Ao Tá ít nhiều đều có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh với khách nước ngoài. Họ cũng thường xuyên bổ sung những sáng kiến và làm du lịch theo cách xanh và bền vững khiến du khách bất ngờ. 

Hạnh Phúc (Báo Đầu tư)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem