Lạ mà hay: Cà na ơi! Trước là cây dại giờ lại “hái” ra tiền!

Phan Thị Anh Thư Thứ bảy, ngày 23/09/2017 13:30 PM (GMT+7)
Ông Tiêu Văn Hải, 80 tuổi ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Cây cà na có mặt tại đây cả trăm năm rồi. Nhà tui có 5 cây cà na đã 70 năm tuổi. Lúc trước bán hết chỉ được 20 triệu đồng mỗi năm. Năm nay tui bán được 40 triệu vì cà na tăng giá bất thường, không đủ bán. Thế nên có người kêu: cà na ơi, trước là cây dại giờ lại hái ra tiền... ”.
Bình luận 0

Thật không quá lời khi nói rằng, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là nơi đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long có mặt cây cà na. Cây cà na ở đây chủ yếu mọc theo các mương, rạch, sông để chống sạt lỡ đất. Sau đó nhiều người dân phát hiện loại trái cây này có thể chế biến thành những món ăn rất thơm ngon, dân dã mà hấp dẫn nên đã có một số người bắt đầu trồng trong ruộng, rẫy của gia đình để có thêm thu nhập. Vì vậy ca dao đã có câu “Long Thắng là xứ quê mùa. Về thăm quê vợ, lấy “dùa” cà na” hay là “ Long Thắng xứ sở quê mùa. Đi thăm cháu nội đem “dùa” cà na”…

img

Trái cà na thu hái từ các bờ kênh, ruộng, rẫy được các chị lựa và chế biến thành những món ăn dân giã mà hấp dẫn. Ảnh: Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp).

Ông Tiêu Văn Hải, 80 tuổi ngụ xã Long Thắng kể : “ Cây cà na có mặt tại đây cả trăm năm rồi nhưng nhà có nhiều nhất cũng chỉ 20 cây trở lại vì chúng rất mau lớn, tàng lá to, thân vươn cao hàng chục mét. Nhà tui có 5 cây đã 70 năm tuổi. Lúc trước vào mùa tui bán hết chỉ thu được khoảng 20 triệu mỗi đồng. Năm nay, nhà tui hái cà na bán được 40 triệu đồng vì cà na tăng giá bất thường, không đủ bán”. Ông Hải cho biết, toàn xã Long Thắng có gần 100 hộ trồng cà na trên đường bộ lẫn mé bờ dưới sông, bờ kênh rạch. Giá bán cà na ngay tại cây hiện nay là 30.000 đồng đối với cà na tròn; 25.000 đồng với cà na dẹp, tăng 100% so với năm trước.

img

Nhà ông Tiêu Văn Hải, xã Long Thắng, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có 5 cây cà na cổ thụ 70 tuổi năm nay bán trái được 40 triệu đồng. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.

Bà Tăng Thị Huệ, thương lái đến từ An Giang cho biết: “Năm nay giá mua tăng là do nhiều người mua về làm mứt hay chế biến món ăn cà na ngâm nước muối chanh đường bán lẻ khắp nơi. Cạnh đó, một số thương lái thu mua về bán cho các cơ sở chế biến rượu cà na tại An Giang nên rất hút hàng”. Bà Huệ kể thêm, hiện nay cây cà na có mặt ở nhiều địa phương như Châu Đốc ( An Giang); Phong Điền, Thới Lai ( TP.Cần Thơ); huyện Vị Thủy (Hậu Giang)…nhưng về chất lượng thì không đâu sánh kịp với cà na Long Thắng của huyện Lai Vung (Đồng Tháp).

img

Cà na trồng ở xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là có chất lượng tốt nhất. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.

Theo nhiều người dân trồng cà na lâu năm tại xã Long Thắng cho biết, cà na thường xuất hiện “ rộ” từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, mỗi năm chỉ có trái 1 lần. Cây cà na không phải chăm sóc bằng bất kỳ phân thuốc nào. Giá bán cà na ngâm nước chanh đường hiện nay từ 50-60.000 đồng/ký; cà na làm mứt có giá 90-100.000 đồng/ký. Cách thu hoạch cà na là dùng những thanh tre dài rung lắc cho chúng rơi xuống rồi mang rửa sạch cân cho thương lái. Nếu như những năm trước đây, cà na chỉ dùng để chế biến các món ăn dân dã cho gia đình thì hiện nay, cà na đã và đang trở thành cây cho thu nhập khá nếu hộ nào trồng được nhiều.

img

img

Mùa nước nổi cũng là mùa nhiều hộ dân xã Long Thắng, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bắt tay vào hái, chế biến cà na. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.

Hiện nay xã Long Thắng đã có trên 20 hộ dân đang trồng thử nghiệm loại cà na “ Thái Lan” với đặc điểm có trái sau 30 đến 36 tháng; trái to, bóng, vị ngon; sản lượng rất cao…Tuy nhiên đây chỉ là những thông tin ban đầu vì phải chờ khi thu hoạch trái thì mới biết kết quả chính xác. Tuy vậy có rất nhiều nông dân vẫn giữ quan điểm trung thành với cây cà na truyền thống vốn có tại đây hàng trăm năm qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem