LẠ: Thương binh 40 năm "luyện" ong rừng làm mật ở Vân Đồn

Hà Phong Thứ hai, ngày 29/07/2019 06:15 AM (GMT+7)
Để lại một phần xương máu ở chiến trường, trở về đời thường, người thương binh Lê Thế Hùng (thôn 2, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) tập trung phát triển nghề nuôi ong, cho thu nhập cao, đồng thời còn truyền nghề giúp đỡ được nhiều thương binh, người dân trong vùng. Điều đặc biệt, loài ong ông Hùng nuôi vốn được thuần hóa từ ong rừng và được công nhận là một trong những đàn ong bản địa quý.
Bình luận 0

Tới thôn 2, xã Hạ Long, chúng tôi được giới thiệu gặp ông Lê Thế Hùng, một thương binh làm kinh tế giỏi, hay giúp đỡ đồng đội, người dân. Nhiều người trong nghề yêu mến vẫn gọi ông là ông Hùng "ong". Bên chén trà nóng, câu chuyện của người lính kiên cường năm xưa cứ thế theo mạch tuôn chảy.

"Việc gì cũng chuyên tâm, cần mẫn làm thì đều có kết quả tốt đẹp. Đối với tôi, quãng thời gian nhập ngũ chiến đấu vì Tổ quốc và lao động bằng chính sức mình bây giờ là những điều làm tôi cảm thấy tự hào và vui nhất" - ông Hùng tâm sự.

img

Ông Hùng kiểm tra quá trình sinh trưởng của đàn ong.

Sinh năm 1941, lớn lên khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, chia cắt, vốn con nhà giáo, nhà nho, ông Hùng vẫn quyết xếp bút lên đường chiến đấu. Dòng máu yêu nước chảy trong huyết quản của chàng trai yêu nước đã thôi thúc ông nhiều lần viết đơn xin nhập ngũ mặc dù ông là con liệt sĩ, nằm trong diện không phải nhập ngũ.

Nguyện vọng của ông đã được thỏa nguyện khi năm 1962, ông được gọi nhập ngũ. Sau một thời gian học tập, ông được cử vào Sư đoàn 312, Trung đoàn 209, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Lào ác liệt nhất. Cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, bị thương nhiều lần, ông được chuyển ra Bắc năm 1968 và giải ngũ năm 1972 với quân hàm Trung úy, thương binh hạng 4/4.

Với tinh thần "thương binh tàn nhưng không phế", mặc dù sức khỏe không tốt, nhiều vết thương hành hạ nhưng ông vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Ông Hùng đến với nghề nuôi ong như một cái duyên. Vốn giỏi nghề đi rừng, ông đã thuần hóa ong rừng về nuôi như một thú vui từ năm 1979.

Từ 1 tổ ong rừng ban đầu, đàn ong đã nhanh chóng chia tổ, nhân đàn thành 10 tổ. Ông còn mua sách về tìm hiểu, tự tìm tòi đúc kết kinh nghiệm nuôi ong. "Nuôi ong phải cần mẫn, chú tâm, ngoài đọc sách, học hỏi kinh nghiệm, tôi còn ngồi theo dõi sinh hoạt của đàn ong cả ngày, không ngại thức cả đêm để theo dõi tổ ong, ong chúa, quá trình phân đàn, chia tổ" - ông Hùng chia sẻ.

img

Ông Hùng "ong" sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ người dân, đồng đội có chung niềm đam mê nuôi ong.

Nhờ đó, ông hiểu quy luật sinh hoạt của đàn ong, càng tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm nuôi ong. Cho tới năm 1998-1999, ông đã nắm vững kỹ thuật nuôi ong, kỹ thuật cấy chúa, phân đàn, chia tổ. Ông còn tìm kiếm các khu vực rừng núi có nhiều hoa, cây cối tự nhiên, tránh xa khu vực canh tác nông nghiệp... để đặt tổ ong.

"Cùng thời điểm này, tôi được tiếp đoàn cán bộ chuyên nghiên cứu về ong của Trại giống cây trồng Trung ương ở Ba Vì (Hà Nội) về làm việc, cung cấp thêm thông tin về đàn ong quý tôi đang nuôi. Đàn ong của tôi được đánh giá là giống ong bản địa, có sức sống bền bỉ, cho chất lượng mật tốt, có nhiều dược tính. Đặc biệt là giống ong này có thể sinh trưởng mạnh kể cả vào mùa đông, mà không phải di dời như các giống ong khác. Vì thế tôi càng thêm quý, có động lực phát triển đàn ong" - ông Hùng cho biết.

Đến nay, ông Hùng đã nhân đàn lên tới 80 tổ, cho thu hoạch ổn định trên 4-5 tạ mật/vụ, thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Điều đáng quý là ông Hùng luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với người dân, đồng đội có cùng niềm say mê nuôi ong. Thậm chí ông còn cho nhiều tổ, đàn ong giống để người dân, các thương binh có điều kiện phát triển nhân đàn, cải thiện kinh tế gia đình. Ông là một tấm gương sáng về người thương binh cần mẫn, hay giúp đỡ đồng đội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem