dd/mm/yyyy

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng liên kết hiệu quả cao

Từ các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh Lai Châu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã tích cực chuyển đổi sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Lai Châu có nhiều mô hình mới cho năng suất và thu nhập cao

Những ngày này, mô hình nho Hạ Đen do xã Hua Nà phối hợp với Huyện đoàn Than Uyên (Lai Châu) thực hiện đã đón tiếp rất nhiều các đoàn khách đến tham quan, học hỏi. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy không phải mô hình đầu tiên nhưng lại là cây trồng rất mới và rất khó triển khai trên địa bàn. Vậy nên, với mùa vụ thắng lợi, đã khẳng định nông dân Than Uyên hoàn toàn có thể nhân rộng và phát triển bền vững mô hình này. 

Lai Châu: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Ảnh 1.

Mô hình trồng nho hạ đen của nông dân huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) bắt đầu cho thu hoạch sau 2 năm vun trồng. Ảnh: Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/ Trang trại Việt điện tử, bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hua Nà (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết: Nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị sản xuất, thời gian qua, xã đã triển khai thành công các mô hình thí điểm một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: lúa séng cù, dưa bao tử, dưa hoàng kim… Trong đó nổi bật là giống nho hạ đen, mô hình được triển khai vào cuối năm 2020 gồm 450 gốc đến thời điểm này cho thu hoạch và xuất bán ra thị trường.

"Theo tính toán, năng suất trung bình của nho hạ đen tại vườn khoảng 1,6 tấn/1.000m2, so với trồng lúa 1 vụ, giá trị kinh tế cao gấp 6 - 8 lần. Hướng thời gian tới, xã sẽ triển khai đến Nhân dân trồng trên diện rộng", bà Hạnh hồ hởi cho biết.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài tập trung phát triển vùng sản xuất chè, chanh leo, quế… theo hướng bền vững, vừa qua, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) triển khai trồng 6,3ha bí đao xanh, tập trung tại 3 xã Mường Kim, Phúc Than và Mường Than. Đây cũng là mô hình sản xuất công nghệ cao, được triển khai lần đầu tiên với sự tham gia liên kết của một số doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài huyện.

Lai Châu: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Ảnh 3.

Mô hình trồng thí điểm dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên, thị trấn Tân Uyên, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) sau nhiều vụ vẫn duy trì năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Bảo Anh

Với huyện Tân Uyên, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên (thị trấn Tân Uyên) sau nhiều vụ sản xuất vẫn duy trì năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai năm 2020 và trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công.

Với giá bán dao động từ 50 - 60.000 đồng/kg, vụ dưa này, cùng với bán lẻ, bán buôn cho một số đại lý thì anh Tuyên ký kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hải Minh (Hà Nội) - đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm khoảng 7 tấn dưa/năm. Theo anh Tuyên, trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với trồng cây nông nghiệp thông thường.

Lai Châu tạo điều kiện giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

Chủ trương phát triển mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực đầu tư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tìm đầu mối và tạo cơ chế mở để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia đầu tư, liên kết sản xuất.

Lai Châu: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Ảnh 4.

Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật xã Mường Than, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) hướng dẫn kỹ thuật tỉa ngọn bí đao xanh cho các hộ sản xuất. Ảnh: Vinh Duy

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đã chủ động phối hợp với các Bộ Ban ngành liên quan như bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ ngoại giao… tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, tìm thị trường xuất khẩu đầu ra cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Cùng với đẩy mạnh tạo các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lai Châu chú trọng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích, thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; dành ngân sách, nguồn lực thỏa đáng cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại cho nông nghiệp.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, định hướng đúng, quy hoạch vùng phù hợp, ngành Nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Điển hình như: diện tích lúa gieo cấy toàn tỉnh đạt 32.695ha, trong đó diện tích lúa hàng hóa đạt 3.492ha với lúa đặc sản địa phương như: séng cù, tẻ râu, nếp tan co giàng…

Sản lượng lương thực có hạt tăng nhanh từ 206.700 tấn (năm 2016) lên 224.000 tấn (năm 2021). Cây chè được mở rộng theo hướng gắn với các nhà máy chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại cao. Ngoài ra, còn có trên 7.400ha quế, 2.060ha sơn tra, 5.595ha cây mắc ca, 12.951ha cây cao su và 8.563ha cây ăn quả; thể tích lồng nuôi trồng thủy sản đạt 163.568m3

Lai Châu: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Ảnh 5.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Bạch Ngọc Quang, bản Hưng Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Vinh Duy

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV đề ra 4 chương trình trọng điểm; trong đó có 2 chương trình về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững đang được ngành Nông nghiệp tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thực hiện. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Với các chính sách hỗ trợ rất thiết thực, đến nay Lai Châu đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thâm canh theo hướng hàng hóa về lúa, chè, quế, sơn tra, cây ăn quả ôn đới. Những sản phẩm này bước đầu thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, liên kết. Từ đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, các chính sách nông nghiệp bước đầu tạo chuyển biến trong chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng có kiểm soát; người dân chủ động hơn trong sản xuất, giảm sự trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung".

Vinh Duy – Bảo Anh