Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 20% có đáng lo?

18/11/2019 10:13 GMT+7
Mức lãi suất lên đến 20%/năm được coi là kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại không hẳn ở con số, mà theo giới chuyên gia, điều cần quan tâm nhất là tính minh bạch của thị trường.

Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng vừa công bố hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá hơn 1.402 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, bên mua là nhà đầu tư nước ngoài. Điểm đáng chú ý là số trái phiếu này có lãi suất lên đến 20%/năm, mức lãi suất được coi là kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Về mức lãi suất này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV bình luận: “Hiện tại, không ít doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ với mức lãi suất 14 - 15%. Có thể mức này hoặc mức 20% được coi là cao trên thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư trái phiếu muốn có lợi nhuận, còn với  doanh nghiệp, có những thời điểm doanh nghiệp cực kỳ cần vốn cho một dự án dở dang và cân đối các nguồn huy động thì chấp nhận mức lãi suất cao. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần tính toán mức lãi suất phù hợp với năng lực tài chính của mình và không phá vỡ mặt bằng lãi suất của thị trưởng”.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 20% có đáng lo? - Ảnh 1.

Mức lãi suất 20%/năm được coi là kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: Lê Tiên

Cùng quan điểm về điều này, một chuyên gia về trái phiếu doanh nghiệp phân tích: “Theo lý thuyết đầu tư tài chính, khoản đầu tư có lời cần có mức lợi suất nội ròng (internal rate of return - IRR) ở mức bằng hoặc cao hơn 20%. Mức lãi suất của doanh nghiệp nêu trên đảm bảo IRR 20% cho 5 năm. Thực tế, trước đây đã có những đợt phát hành tương tự nhưng không được công bố. Giờ đây, thị trường biết đến thông tin là do có yêu cầu từ Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp”.

Vị chuyên gia này cho rằng, giới đầu tư cũng như nhà quản lý không nên quá lo ngại và nhìn nhận tiêu cực về thị trường, bởi chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường, tức là thuận mua vừa bán, miễn là không có gian lận, lừa dối hoặc gây hại cho cộng đồng.

Trong khi đó, nhìn từ góc độ khác, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở mức lãi suất rất cao, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, cũng cần xem xét từ nhiều khía cạnh.

“Nhiều trường hợp, trái phiếu doanh nghiệp được đổi thành hợp đồng quyền mua bất động sản. Trong đó, có những điều khoản được in chữ nhỏ li ti với quá nhiều nội dung, quá nhiều điểm, nhiều phụ lục và không dễ xác định rõ quyền lợi ràng buộc với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, cần cẩn trọng để tránh tình trạng lừa đảo trên thị trường”, ông Hòe nói.

Mặt khác, theo ông Hòe, khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp được đẩy lên mức cao, các ngân hàng cũng có thể có động thái gia tăng lãi suất huy động. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt thị trường thì rất dễ xảy ra cuộc đua lãi suất và rủi ro gia tăng.

“Khi đánh giá rủi ro nói chung cần cái nhìn tổng thể đối với nền kinh tế và toàn thị trường, không cắt khúc từng thị trường để cho rằng chưa đáng quan ngại”, ông Hòe nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Cấn Văn Lực, điều quan trọng nhất với thị trường hiện nay là tính minh bạch để bảo đảm nhà đầu tư có thể đánh giá đúng - đủ các rủi ro, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Bên cạnh đó, cần có cơ quan đầu mối quản lý và giám sát thị trường. Việc này nên giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để cơ quan này có thể theo dõi và nhắc nhở khi cần thiết, tránh để tình trạng đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao khi nhà đầu tư không đánh giá được hết rủi ro. Về lâu dài, cần tiếp tục tạo điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.

“Cần cân bằng giữa quản lý rủi ro và phát triển thị trường, không còn cách nào khác là vừa tăng cường giám sát vừa thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp định mức tín nhiệm trên thị tường”, ông Lực nhấn mạnh.

Xuân Yến/Baodauthau
Cùng chuyên mục