Lãi vay cao, "chồng" thêm tài sản thế chấp: Doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư

06/02/2023 21:49 GMT+7
Các doanh nghiệp phản ánh, nhu cầu vốn luôn "nóng bỏng" và hết sức quan trọng. Tuy nhiên, lãi vay cao, buộc phải "chồng" thêm tài sản thế chấp,… đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

Quan ngại lãi vay cao, phải "chồng" thêm tài sản thế chấp để vay vốn

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức chiều nay (6/2), ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) nêu ra các vấn đề gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Thứ nhất là vấn đề lãi vay. Ông Hòa cho biết, nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư. Chính vì vậy, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại kéo lãi suất dài hạn xuống.

"Nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư. Chúng ta cũng biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi ngân hàng, cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp", ông Hòa nhấn mạnh.

Lãi vay cao, "chồng" thêm tài sản thế chấp: Doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA). - Ảnh: NLD

Hai là, hiện doanh nghiệp đang sử dụng tài sản bất động sản (BĐS) làm tài sản thế chấp để vay vốn. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, trong bối cảnh giá BĐS giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị BĐS giảm, do đó nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp.

Trong hoàn cảnh đó, buộc các doanh nghiệp phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp – theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM.

Từ thực tế kể trên, vị Chủ tịch này cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước Nhà nước và các ngân hàng thương cần có giải pháp tiếp cận nguồn vốn rõ ràng hơn, để tạo cú hích cho các doanh nghiệp đột phá.

Cũng liên quan đến vốn, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) khẳng định, nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn "nóng bỏng" và hết sức quan trọng. 

Lãi vay cao, "chồng" thêm tài sản thế chấp: Doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư - Ảnh 2.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)

Ông cho biết, ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15/3/2022, các doanh nghiệp, trong đó có Saigontourist Group đã trở lại ngay lập tức, kéo theo các chi phí hoạt động, nhân công, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh kết nối thị trường truyền thống và thị trường mới,… 

Đồng thời, như một số doanh nghiệp BĐS, Saigontourist Group cũng có các dự án đầu tư ở các tỉnh thành và trước dịch cũng có vốn vay ngân hàng nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên doanh thu, lợi nhuận còn khó khăn. Hiện tại, doanh thu đã tăng trở lại, song thực tế khách hàng chi tiêu ít hơn nên tổng doanh thu của doanh nghiệp và của ngành lại giảm, trong khi đó chi phí đầu vào như lãi suất vay lại tăng cao.

Do đó, Saigontourist Group mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi giữ nguyên nhóm nợ. Bởi hiện nay theo thông báo của các ngân hàng, không ít doanh nghiệp bị hạ nhóm nợ sau khi hết chính sách hỗ trợ.

Trách nhiệm không chỉ ở Ngân hàng Nhà nước

Trước những phản ánh của doanh nghiệp ông Trần Anh Quý - Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các kiến nghị từ phía doanh nghiệp tại tọa đàm đã được Ngân hàng Nhà nước tiếp thu trong quá trình nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ngay khi CP ban hành Nghị quyết 01, ngành ngân hàng lập tức ban hành Chỉ thị 01 ngày 17/1/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Triển khai thực hiện Chỉ thị này, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, dẫn ý kiến ví von cho rằng, ngành ngân hàng là "người bơm nước từ hồ vào thửa ruộng khô cằn", ông Quý thừa nhận, việc "dẫn nước từ hồ vào thửa ruộng" không chỉ trách nhiệm riêng của ngân hàng mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Lãi vay cao, "chồng" thêm tài sản thế chấp: Doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư - Ảnh 3.

Ông Trương Đình Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Về phía ngân hàng thương mại, ông Trương Đình Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhấn mạnh, trong năm nay OCB mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo đó, ngân hàng sẽ giảm lãi suất ưu đãi hơn so với thông thường từ 1,5-2 điểm % và ngay từ đầu năm gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai với quy mô khoảng 25.000 tỷ đồng. Và mục tiêu là khách hàng phải tiếp cận được vốn.

"Về khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn chúng tôi cũng hiểu được, bản thân OCB cũng là doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc thù và cũng chịu chung khó khăn trong nền kinh tế. Do đó, để triển khai dòng vốn tín dụng hiệu quả hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, OCB đã định hướng tập trung tìm kiếm khách hàng tốt thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, phòng thương mại - phòng kinh tế quận huyện…", ông Trương Đình Long cho hay.

Về lãi suất, Phó Tổng Giám đốc OCB cho biết, hiện OCB có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp từ 8-12%/năm và khách hàng cá nhân tối đa khoảng 12%, giảm từ 1,5-2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để hiệu quả, tới được tay khách hàng.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.

NHNN chi nhánh TP HCM sẽ triển khai 3 nhiệm vụ chính, gồm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục tổ chức tốt hoạt động kết nối NH và DN; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối với HUBA và các quận, huyện, với nội hàm gắn với gói 2% lãi suất và gắn với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển trong năm 2023.

Cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn.

Chúng tôi cũng đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỉ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, qua các chương trình kết nối NH và DN sẽ là tuyên truyền chính sách, triển khai chính sách, hỗ trợ khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM


H.Anh
Cùng chuyên mục