Làm ăn với EU không nên “sáng nắng, chiều mưa”

08/10/2020 07:40 GMT+7
Thị trường EU rất phát triển nên người EU không chấp nhận những mặt hàng “sáng nắng, chiều mưa” vì thế doanh nghiệp Việt cần chú ý: Chào mặt hàng gì thì phải bán đúng như vậy.

Theo các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường hơn 600 triệu dân của EU. Tuy nhiên làm thế nào để tiếp cận thị trường này hiệu quả đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU với các doanh nghiệp tại Tọa đàm “Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA” tổ chức mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho biết: Hiện tại các nhà xuất khẩu của Việt Nam biết đến Hiệp định EVFTA còn ít và doanh nghiệp nhân thời điểm này cần tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu qua EU nhiều hơn. Bởi lẽ độ mở của Hiệp định này lớn, không chỉ là cơ hội với thủy sản, dệt may mà còn nhiều mặt hàng khác.

Song để kinh doanh tại EU, doanh nghiệp phải lưu ý rằng, tại Việt Nam có tình trạng “dễ dàng tha thứ cho nhau” khi sản phẩm không đúng như chào hàng nhưng ở EU hoàn toàn khác. Cụ thể, EU rất phát triển, người EU không chấp nhận những mặt hàng “sáng nắng chiều mưa” nên ta chào gì thì phải bán đúng như vậy hoặc tốt hơn. Đặc biệt, khi làm ăn với họ chúng ta không nên tùy tiện tăng giá và doanh nghiệp cũng cần cho họ thấy trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và chính người lao động của doanh nghiệp.

Làm ăn với EU không nên “sáng nắng, chiều mưa” | Báo Công Thương - Ảnh 2.

Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều theo cam kết EVFTA

Đồng tình với quan điểm này, ông Oliver Regner - Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, thương mại không chỉ là giá cả, thuế, hải quan mà phải thực hiện rất nhiều vấn đề liên quan và với nhà nhập khẩu EU, khi nhập hàng hóa từ Việt Nam sẽ quan tâm tới vấn đề lao động, bình đẳng giới mà doanh nghiệp sản xuất đó có thực hiện hay không.

Ngoài các vấn đề trên, để làm ăn với EU, ông Oliver Regner cho biết, theo cam kết EVFTA hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chỉ cần có nguyên liệu từ các nước đã có FTA với EU sẽ vẫn được giảm thuế - Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đa dạng hóa nguồn cung trong chuỗi cung ứng. Dù vậy cơ hội hiện mới tới cho các ngành như thủy sản, dệt may, da giày song một số ngành khác như dược phẩm, điện tử… sẽ phải cạnh tranh hơn.

Các chuyên gia đến từ EU cũng đánh giá rằng, Chính phủ Việt Nam hiện đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để khai thác lợi thế của EVFTA trong thời gian tới. Lý do, hiện hoạt động chuỗi cung ứng bị gián đoạn nhiều do dịch bệnh và Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào cung của nước ngoài nên Việt Nam cần có thời gian để đẩy mạnh gia tăng sản xuất nội địa.

Trong bối cảnh hiện tại, theo EuroCham, hiệp hội này hiện có 1.200 thành viên, phần lớn là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam và đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại EuroCham đang cân nhắc mở phòng thương mại không chỉ cho các doanh nghiệp EU mà cả các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với EU. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, từ đó cải tiến hoạt động sản xuất, thương mại để tiếp cận thị trường EU được tốt hơn.

“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và EuroCham sẽ có hoạt động để tiếp tục theo dõi vấn đề triển khai EVFTA. Bất cứ ai quan tâm tới thương mại với EU thì nên đọc kỹ thì mới triển khai tốt”, ông Oliver Regner lưu ý.

Trong tiếp cận thị trường EU để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết EVFTA thì các vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ, quy định về hoàn thuế được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Chẳng hạn như ưu đãi của GSP có gì khác biệt so với EVFTA và nếu doanh nghiệp chọn ưu đãi theo EVFTA thì có cần phải xin cấp mã số REX nữa hay không. Bên cạnh đó, trước đây giữa các FTA có quy định về việc cấp C/O giáp lưng (C/O back to back), nhưng trong EVFTA không có quy định về điều này...

Xuất khẩu cá tra sang Mexico giảm gần 60%

Theo Mai Ca/Công thương
Cùng chuyên mục