Làm báo thời công nghệ 4.0, “sống chung” với mạng xã hội

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 21/06/2021 10:00 AM (GMT+7)
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, với sự phát triển công nghệ truyền thông mới, báo chí cũng không đứng ngoài cuộc. Điều này tạo ra những thuận lợi cũng như thách thức cho các cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam.
Bình luận 0

Ứng dụng công nghệ tạo sản phẩm báo chí chất lượng cao

Ứng dụng đa phương tiện trong báo chí truyền thông đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trên báo điện tử. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau như: Văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt.

Các hình thức thể hiện rất phổ biến trên báo điện tử hiện nay như long-form hay e-magazine, kiểu bài viết chuyên sâu về nội dung, được đầu tư cao về mặt hình ảnh đồ họa, được trình bày theo một kiểu giao diện riêng biệt, tập trung cao nhất cho trải nghiệm của độc giả.

Làm báo thời công nghệ 4.0, “sống chung” với mạng xã hội - Ảnh 1.

Một buổi toạ đàm của Truyền hình Dân Việt được phát trực tiếp trên Youtube và Fanpage Dân Việt.

Để làm được điều này, ngoài sự đầu tư về hạ tầng công nghệ của tòa soạn báo, nhà báo cần phải thay đổi tư duy trong cách kể chuyện so với kiểu truyền thống trên văn bản sang cách kể chuyện bằng hình ảnh, đồ họa, từng bước tiếp cận với xu hướng của báo chí hiện đại.

Trên báo điện tử Dân Việt, bên cạnh các thông tin được cập nhật liên tục, báo cũng đã sản xuất các video clip bám sát các vấn đề đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm, tương tác của bạn đọc, nhất là trên mạng xã hội Facebook.

Với sự lan tỏa thông tin trên nền tảng mạng xã hội, đã có những phóng sự truyền hình thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, những lợi thế về công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trong thời điểm này.

Ví như khi thực hiện phóng sự về tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua, để kịp thời mang thông tin đến độc giả trong hoàn cảnh không thể tiếp cận trực tiếp bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi đang cách ly, những người thực hiện phóng sự đã tiến hành phỏng vấn bệnh nhân Covid-19 và những người tuyến đầu qua ứng dụng video call.

Trong khi đó livestream đang được ví như "cơn lốc" tiện ích dành cho báo chí hiện đại. Anh Nhật Minh – Trưởng ban Văn học Nghệ thuật VOV6 (Đài tiếng nói Việt Nam) cho hay, kênh đã đưa kĩ thuật livestream trên fanpage khoảng 2 năm nay và tạo được tương tác rất tích cực với độc giả.

Làm báo thời công nghệ 4.0, “sống chung” với mạng xã hội - Ảnh 2.

Kênh VOV6 trong 2 năm qua thường xuyên phát trực tiếp trên Fanpage về các cuộc trò chuyện khách mời.

Cuộc trò chuyện giữa biên tập viên và khách mời sẽ được phát trực tiếp trên Facebook với sự tương tác, đặt câu hỏi giao lưu, kết nối thông qua phần bình luận. Đây cũng là cách thức để chương trình phát thanh đến với nhiều đối tượng người nghe hơn, bên cạnh các hình thức phổ biến hiện nay như nghe đài trên ô tô, trên mobile và các trang web. 

Thế mạnh của phát thanh không chỉ ở tin tức nhanh, trực tiếp mà thông qua lời nói, âm nhạc và tiếng động giúp người nghe cảm nhận đầy đủ, rõ nét hơn về sự kiện, nhân vật. "Ứng dụng hình thức phát trực tiếp trên mạng xã hội đã giúp chương trình phát thanh phát huy được thế mạnh của mình trước các hình thức truyền thông mới", anh Nhật Minh nói.

Với các chương trình truyền hình, từ yêu cầu ngày càng cao của khán giả, công nghệ đã giúp các chương trình truyền hình hấp dẫn hơn rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất chương trình rất được quan tâm nhằm chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh, phát sóng…

Anh Phạm Ngọc Phức, một quay phim lâu năm của chương trình Chuyển động 24h (Đài truyền hình Việt Nam) chia sẻ, các thiết bị phục vụ sản xuất chương trình truyền hình ngày càng hiện đại, trong đó có các thiết bị ghi hình như flycam, steadicam và spidercam…

Làm báo thời công nghệ 4.0, “sống chung” với mạng xã hội - Ảnh 3.

Anh Phạm Ngọc Phức, quay phim của chương trình Chuyển động 24h (VTV).

Cùng với việc đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại thì anh Phức cho rằng đội ngũ vận hành cũng cần được đào tạo về kỹ thuật để có thể ứng dụng một cách hiệu quả.

Khi báo chí "sống chung" với mạng xã hội 

Kể từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển bùng nổ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây tại Việt Nam, điển hình là: Facebook, YouTube, Twitter…, báo chí đã chịu những tác động mạnh mẽ, từ việc thua thiệt trong thông tin ban đầu, sự chậm trễ trong đưa tin, thậm chí bị mạng xã hội "dắt mũi" đưa tin sai lệch, không kiểm chứng đến bị chia sẻ thị phần quảng cáo một cách đáng báo động…

Tuy nhiên thay vì đối đầu với mạng xã hội, một số cơ quan báo chí đã tìm cách "sống chung", tận dụng những lợi thế mà mạng xã hội đem lại. Theo đó, các cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng trang Facebook, cập nhật thông tin báo chí lên nền tảng này nhằm gia tăng sự tương tác với công chúng.

Những thay đổi về công nghệ và thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng cũng đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của báo chí từ sản xuất đến phát hành. Điều này cũng tạo áp lực buộc các cơ quan báo chí, nhà báo phải đổi mới tư duy, cách thức làm việc trong hoạt động báo chí để đưa đến công chúng những tác phẩm báo chí hấp dẫn và chính xác nhất thông qua môi trường mạng.

Báo chí tập trung coi trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin nhiều giải pháp khác nhau để đem đến bạn đọc, công chúng những thông tin đa dạng, phong phú, sâu sắc, khách quan cần thiết, nhiều người quan tâm, có hàm lượng tri thức cao, phù hợp với đông đảo bạn đọc, có chức năng giáo dục, thẩm mĩ, định hướng chuẩn mực.

Làm báo thời công nghệ 4.0, “sống chung” với mạng xã hội - Ảnh 4.

Nhà báo Nguyễn Chương tác nghiệp vụ xả thải ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh).

Báo chí tích cực, thường xuyên lắng nghe những dư luận trên mạng, phân tích, thẩm định, sàng lọc thông tin để từ đó có những kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho việc tổ chức thông tin một cách khoa học, đa chiều, mang tính lý lẽ, luận giải để phản biện, chống lại cái sai, cái lệch lạc và chứng minh, ủng hộ sự thật khách quan, đúng đắn… báo chí cần là lực lượng chính yếu trong việc chống lại các thế lực thù địch, những phần tử chống phá các quan điểm, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, bền vững của Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau… một cách kịp thời, cương quyết, thuyết phục…

Đồng thời báo chí cần cân bằng dung lượng thông tin về các mặt tích cực và tiêu cực, về cái đẹp và cái xấu…, thông tin có trách nhiệm, mang tính nhân văn trên tất cả các lĩnh vực khác nhau để giúp bức tranh về tình hình đất nước luôn đúng mực, khách quan, chính xác hơn, tạo niềm tin cần thiết, có lợi cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc… 

Nhà báo Nguyễn Dương (báo điện tử Dân Trí) cho rằng, mạng xã hội - nơi chứa đựng lượng thông tin khổng lồ được cập nhật nhanh nhạy là môi trường để các nhà báo khai thác thông tin, đề tài. Thông qua mạng xã hội có thể quảng bá, lan truyền thông tin báo chí một cách nhanh chóng và rộng rãi hơn nhờ số lượng người dùng lớn. Tuy nhiên, việc chắt lọc, kiểm chứng những nguồn thông tin trên mạng xã hội cũng là thách thức, đòi hòi đặt ra đối với mỗi nhà báo.

 Ở góc nhìn của mình, nhà báo Thế Long (báo Tổ quốc) khẳng định, trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thì trách nhiệm, đạo đức của nhà báo rất quan trọng. Bởi tác phẩm báo chí không chỉ được khẳng định nhờ yếu tố công nghệ mà còn hội tụ tri thức, nhiệt huyết và bản lĩnh của mỗi nhà báo. 

Nhà báo Mạnh Trường (Báo NTNN/Dân Việt): Livestream dễ mà khó

Hiện nay, mọi người thường nói vui rằng "ai cũng có thể làm báo" trên mạng xã hội. Và dường như, đó không chỉ còn là câu chuyện vui nữa mà đã trở thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay, khi mà cuộc cách mạng 4.0 đi sâu vào cuộc sống từ thành thị đến nông thôn.

Tuy nhiên để làm được một sản phẩm livestream là rất công phu và cẩn trọng. Việc đầu tiên, phóng viên phải nhận diện, phân tích, sàng lọc sự kiện có nên livestream không? Có những vấn đề nhạy cảm khi livestream sẽ phản tác dụng, khi đó, hình ảnh, âm thanh của thông tin sẽ mang lại hiệu quả không tốt tới truyền thông. Còn những vấn đề nóng, có giá trị nên khuyến khích livestream để cung cấp thông tin cho độc giả như: thiên tai, cháy nổ, các tiết mục biểu diễn văn hóa nghệ thuật...

Phóng viên Ngọc Tú (Báo Kinh tế đô thị): Ưu tiên smartphone cho những "tin nóng"

Đối với nhiều vụ việc "nóng", bản thân tôi đã tác nghiệp tại hiện trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tác nghiệp bằng smartphone (điện thoại thông minh) đã được tôi ưu tiên nhằm kịp thời chuyển tải thông tin và hình ảnh nhanh nhất về tòa soạn. Theo tôi, với nhiều sự kiện "nóng" thì điện thoại thông minh chính là giải pháp tối ưu thay cho máy quay phim, máy chụp hình và máy tính xách tay...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem