Trao đổi với báo chí, ông Lê Hùng Dũng phủ nhận thông tin cho rằng ông rút lui khỏi danh sách ứng cử vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII.
“Thời gian qua, báo chí có thông tin về việc tôi xin rút, không tham gia ứng cử vị trí Chủ tịch VFF. Nhưng tôi không biết thông tin đó từ đâu ra và tôi chưa có phát biểu nào về chuyện này cả", ông Dũng nói.
|
Ông Lê Hùng Dũng tự tin sẽ giúp BĐVN "vượt vũ môn" nếu được ngồi vào ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII (2013-2017) |
Hơn thế, ông Dũng còn bày tỏ mong muốn cuộc đua tới chiếc ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới sẽ diễn ra công bằng, "không có sự can thiệp từ bên ngoài VFF": "Tôi nhớ năm 2005, Đại hội nhiệm kỳ V diễn ra tại Hà Nội, có 2 ứng viên Chủ tịch VFF là anh Nguyễn Trọng Hỷ và anh Dương Nghiệp Chí. Khi đó, Đại hội VFF được truyền hình trực tiếp tới người hâm mộ cả nước. Về sau, nhiều người đánh giá đây là Đại hội dân chủ, công khai, cũng như đề nghị tất cả Đại hội VFF sau này nên diễn ra theo mô hình đó.
Phải tới phút cuối khi kiểm phiếu mới biết ai là người trúng cử. Quyền lực nằm trong tay đại biểu chứ không phải một cá nhân, cơ quan nào khác bên ngoài Đại hội. Tôi cho đó là tinh thần tốt, nếu Đại hội VII diễn ra theo tinh thần đó, tôi sẽ ứng cử. Còn nếu có sự can thiệp từ bên ngoài, tôi sẽ xem xét lại quyết định của mình”.
Ông Lê Hùng Dũng: “Năm 2003, khi tôi về làm Chủ tịch SJC khi đó vốn điều lệ chỉ có 80 tỷ đồng, ai cũng nghĩ tôi không có nghề trong lĩnh vực vàng, bạc. Vậy mà năm 2013, vốn điều lệ đã lên tới 1358 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần. Tôi cũng đâu có nghề ngân hàng đâu nhưng từ tháng 4.2010 khi tôi được bầu làm Chủ tịch HĐQT đến cuối năm 2010, tổng tài sản của Eximbank từ 63 nghìn tỷ đồng (20 năm mới gầy dựng được) đã tăng lên 133 nghìn tỷ đồng. Nghĩa là tôi làm 6 tháng = 20 năm. Năm 2011 tổng tài sản của Eximbank là 183 nghìn tỷ đồng, hay nói cách khác trong 1,5 năm, tôi làm được 3 Eximbank. Làm gì cũng phải quyết liệt, mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng thì làm. Còn làm chủ để giữ chức thì đừng làm”.
Trước câu hỏi khá “xoáy” của phóng viên dẫn lời ông Dương Nghiệp Chí khẳng định từ trước khi Đại hội V năm 2005 diễn ra, ông Chí đã biết mình là “quân xanh”, ông Dũng đáp: “Việc anh Chí nói tôi chỉ ghi nhận thôi. Rất tiếc nếu trước hoặc ngay sau Đại hội V, anh Chí nói vậy thì tốt, còn giờ không có giá trị”.
Ông Dũng có lo ngại nếu ứng cử Chủ tịch VFF không thành, sẽ mất luôn cơ hội giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết: “Nếu chấp nhận cuộc chơi thì phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với tất cả. Đề án phát triển bóng đá Việt luôn trong đầu tôi.
Theo tôi, nếu làm Chủ tịch VFF kiểu "tàng tàng" thì bất kỳ ai trong ban chấp hành VFF cũng làm được. Quan trọng nhất là người đó phải giúp bóng đá Việt tạo ra cú vượt vũ môn, trong 3-5 năm tới có thể thoát khỏi “ao làng”, lọt tốp 10 châu Á mới khó”.
Theo ông Dũng, nếu mình là Chủ tịch VFF thì sẽ không có chuyện làm việc tàng tàng, tròn vai mà sẽ có sự đột phá: “Nếu ham giữ chức, tôi cứ làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính cho xong. Tôi tự hào là trong lịch sử bóng đá Việt chưa có ai làm tài chính giỏi như mình và có thể sắp tới cũng vậy.
Nếu tôi không trúng cử vị trí Chủ tịch, những người còn lại, trừ anh Đoàn Nguyên Đức, tôi tin không ai làm được như tôi. Hiện có ứng viên cho vị trí tân Phó Chủ tịch phụ trách tài chính còn nợ VFF 5-7 tỷ đồng cả chục năm không trả thì ứng viên gì?
Ông trả không nổi nợ của ông làm sao lo cho liên đoàn được. Tôi không lo chuyện giữ vị trí Chủ tịch hay Phó Chủ tịch VFF. Quan trọng là có thể làm tốt hơn không? Nếu ứng viên khác làm tốt hơn, tôi “ok” ngay”, ông Dũng bày tỏ.
Xung quanh “chiếc ghế” Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới, trao đổi với Dân Việt chiều 9.5, ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF, Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội, cho biết: “Chúng tôi được biết Bộ VH-TT-DL đã gửi văn bản chính thức đề cử đại diện tham gia tranh cử vị trí Chủ tịch VFF qua đường… bưu điện trong ngày 9.5.
Nhiều khả năng người được Bộ giới thiệu là ông Lê Khánh Hải-Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, và có thể ngày 10.5, tiểu ban nhân sự sẽ công bố chính thức. Chắc chắn Đại hội VFF sẽ diễn ra đúng ngày 5.6 và không có chuyện Bộ giới thiệu 2 người vào cùng 1 chức danh”.
Theo kế hoạch, ngày 14.5, Thường trực VFF sẽ nhóm họp. Sáng ngày 15.5, Ban chấp hành VFF sẽ tiếp tục họp để chốt lại mọi vấn đề liên quan tới Đại hội, đặc biệt là vấn đề nhân sự: “Tại Đại hội, không có chuyện đề cử thêm mà chỉ ai đó xin rút mà thôi”, ông Hỷ chốt lại.
Họ đã nói xung quanh "chiếc ghế" Chủ tịch VFF:
- Ông Dương Nghiệp Chí - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Chủ tịch VFF, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, từng ứng cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ V (2004-2009): “Quan điểm của tôi là ủng hộ người của Nhà nước vào vị trí cao nhất ở VFF. Vì sao? Thực tế, hoạt động bóng đá và kinh doanh dịch vụ bóng đá ở Việt Nam vẫn dựa rất nhiều vào nhà nước, chứ không như các nước có nền bóng đá phát triển ở châu Âu, họ có những tập đoàn và doanh nghiệp làm chủ tất cả mọi hoạt động của mình. Thử hỏi, một doanh nghiệp ở Việt Nam có mặn mà tài trợ cho bóng đá hay không nếu không được các tỉnh thành tạo cơ chế về nhiều mặt để họ kinh doanh, phát triển?
Ở góc độ khác, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, một doanh nhân làm Chủ tịch VFF sẽ khiến tổ chức này trở nên rất bấp bênh. Doanh nhân phải lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp đã rất mệt mỏi, vậy thì thật khó để họ đầu tư tâm huyết cho bóng đá. VPF khi ra đời, được đặt rất nhiều kỳ vọng đó thôi, nhưng tới giờ, thử hỏi VPF đã làm được gì “ra tấm ra miếng” cho BĐVN, ngoài những lời hứa? Nói chung, BĐVN còn một thời gian dài nữa mới có thể doanh nghiệp hóa hoàn toàn. Và khi đó, mới có thể bàn đến chuyện một doanh nhân làm Chủ tịch VFF".
- Ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội T&T: “Thực lòng, tôi luôn mong muốn một người thật am hiểu bóng đá, có khả năng vận động tài trợ, mang về nhiều tiền cho BĐVN làm Chủ tịch VFF. CLB nào cũng vậy thôi, luôn mong muốn đến lúc nào đó, tham dự giải mà không phải đóng lệ phí, được chia sẻ tiền bản quyền truyền hình… Chứ như hiện nay thì khó khăn lắm.
Nhưng cũng phải thừa nhận rõ ràng là BĐVN hiện nay chưa thể thoát ra khỏi nhà nước được. Tổ chức VFF không chỉ liên quan tới các CLB mà còn các đội tuyển quốc gia... nữa nên không thể tách khỏi vai trò chỉ đạo của nhà nước.
Tuệ Minh (ghi)
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.