Lâm Đồng: Cơ hội lớn phát triển nuôi cá nước lạnh

Thứ hai, ngày 16/07/2012 07:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại thôn Klong Klanh thuộc xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương, nhóm nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) vừa cho ấp nở 10 cá thể giống cá tầm - giống cá nước lạnh có nguồn gốc từ nước ngoài.
Bình luận 0

Trên thế giới, việc sinh sản nhân tạo giống cá này là vô cùng khó khăn. Từ trước đến nay, toàn bộ giống cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi) được nuôi từ Sa Pa đến Lâm Đồng (và gần đây ở nhiều địa phương khác) đều phải nhập về từ nước ngoài.

img
Hiện nay giống cá nước lạnh đều phải nhập từ nước ngoài.

Theo Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung, nhân giống thành công cá nước lạnh là tin vui bước đầu; tuy nhiên cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình kỹ thuật và sau đó chuyển giao cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh để sản xuất đồng loạt thì mới mong có được nguồn con giống cung cấp cho thị trường Việt Nam.

“Hy vọng Bộ KHCN tiếp tục cho chúng tôi theo đuổi đề tài này, nhất là hoàn thiện quy trình kỹ thuật để trong tương lai có thể sản xuất hàng loạt con giống nhằm cung cấp cho thị trường đang rất “khát”, và đặc biệt là không phải tiếp tục nhập con giống từ nước ngoài về như bấy lâu nay!” – đại diện nhóm nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung bày tỏ.

Việc sinh sản nhân tạo giống cá nước lạnh tại Lâm Đồng càng có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi hiện tại, tỉnh này đang triển khai “Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 – 2020”.

Theo khảo sát của Sở NNPTNT, tuy là địa phương đi đầu trong phát triển nghề nuôi cá nước lạnh trong vài năm qua, nhưng nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chỉ chiếm 0,7% trong tổng GDP của tỉnh. Mặc dầu số liệu khảo sát cho thấy, giá trị sản xuất cá nước lạnh mỗi năm trên 1ha mặt nước lên đến trên dưới 5 tỷ đồng, nhưng bình quân chung 1ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh cũng chỉ mới đạt 60 triệu đồng (giá trị bình quân chung 1ha đất nông nghiệp của Lâm Đồng là 80 triệu đồng).

Việc sinh sản nhân tạo giống cá nước lạnh cùng với hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thả và tạo điều kiện về vốn cho nông dân sẽ là những khâu quan trọng trong việc “xã hội hóa” nghề này trong tương lai tại Lâm Đồng.

Hầu hết diện tích nuôi cá nước lạnh cho doanh thu vài tỷ đồng mỗi năm/ha đều thuộc về các doanh nghiệp cũng là điều đáng quan tâm tại Lâm Đồng hiện nay. Theo kết quả khảo sát của Sở NNPTNT Lâm Đồng, diện tích mặt nước nuôi cá nước sạch hiện chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng diện tích đã nuôi trồng thủy sản (chưa đến 200ha trong gần 3.000ha) và càng nhỏ gấp nhiều lần so với diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản của tỉnh (khoảng 20.000ha).

Cũng theo khảo sát này, trong tổng diện tích 20.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản của Lâm Đồng thì diện tích mặt nước hội đủ điều kiện để nuôi cá nước lạnh là còn rất lớn; bên cạnh đó, ngay trong diện tích đã nuôi trồng thủy sản thì diện tích có điều kiện để chuyển sang nuôi cá tầm hoặc cá hồi cũng không phải là ít. Tuy nhiên, điều kiện để người nông dân đầu tư nuôi mới hoặc chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá nước lạnh lại là điều không dễ thực hiện, nhất là điều kiện về vốn và kỹ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem