Lâm Đồng: Làm nông nghiệp công nghệ cao để hút khách du lịch

Văn Long Thứ hai, ngày 03/02/2020 19:14 PM (GMT+7)
Lâm Đồng là địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển nên các cá nhân, tổ chức cũng chú trọng đầu tư phát triển du lịch canh nông dựa trên nền tảng sẵn có. Không những thế, chính quyền địa phương đã tạo nhiều điều kiện để phát triển du lịch đúng với lợi thế của tỉnh nhà.
Bình luận 0

“Trăm hoa đua nở…”

Trong những năm qua, nền nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đã và đang phát triển rất mạnh, chính vì vậy kéo theo du lịch canh nông cũng nở rộ. Hiện nay, tại Lâm Đồng có khoảng 4.500ha diện tích nhà kính ứng dụng công nghệ cao, trong đó riêng TP.Đà Lạt khoảng hơn 2.800ha (chiếm 60% diện tích nhà kính toàn tỉnh), đây là một tiền đề để ngành du lịch địa phương phát triển.

img

Du khách tham quan mô hình trồng cà chua tại điểm du lịch canh công của ông Trần Huy Đường. Ảnh: V.L

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”. Qua đó, địa phương đã công nhận 32 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Huy Đường - chủ trang trại Du lịch canh nông Green Box (Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP.Đà Lạt) chia sẻ: “Trang trại thu nhỏ của tôi ra đời với mong muốn mang đến cho du khách những cảm nhận và trải nghiệm về công việc hàng ngày của người nông dân cùng với việc thưởng thức hương vị tươi ngon của rau trái mới thu hoạch. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm cùng người nông dân làm đất, trồng cây, thu hoạch và thưởng thức tại trang trại”.

Cũng là một mô hình du lịch canh nông, nhưng anh Nguyễn Định lại có một cách làm khác. Tại khu vườn mang tên Định Farm của mình tại (đường vòng Lâm Viên, phường 8, TP.Đà Lạt), anh Định trồng các loại nông sản lạ mắt độc đáo như dưa pepino tím, vàng, các loại cà chua, dưa leo Hà Lan... Khi đến tham quan, du khách có thể tự hái và thưởng thức các loại rau, củ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngay tại vườn, mua với giá ưu đãi.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của du lịch canh nông là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xứng tầm. Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định: “Nếu du khách đến một điểm du lịch mà xe không thể đón đưa khách, đường bùn lầy lội hay không có chỗ để xe, không có nhà vệ sinh… thì chắc chắn họ chỉ tới đó một lần và không quay trở lại. Chính vì vậy chúng ta cần xây dựng khu du lịch của mình hoàn thiện về cơ sở hạ tầng để khách muốn quay lại tham quan”.

“Chuẩn hóa” du lịch canh nông

Hiện nay, trên khắp các phường của TP.Đà Lạt đều thấy bóng dáng của các mô hình du lịch canh nông. Tại các điểm du lịch như: Làng hoa Vạn Thành, nông trại Cún - Puppy farm (Măng Lin, phường 7), đồi hoa cẩm tú cầu (Trại Mát, phường 11), trang trại rau thủy canh Đức Tiến (Đa Thiện, phường 8), khu vườn bí ngô khổng lồ (đường Hồ Xuân Hương, phường 12) hầu như luôn tấp nập khách tham quan  đến trải nghiệm.

Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, nhận định: “Du lịch canh nông là một lợi thế của Đà Lạt. Địa phương đã khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình này. Ngoài việc du khách được trải nghiệm công việc của người nông dân, qua đây còn quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Để “chuẩn hóa” du lịch canh nông, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”. Sau khi kiểm tra, rà soát và đánh giá các điểm du lịch, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã công nhận 32 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá những mô hình mới để công nhận và quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để làm du lịch canh nông, lợi thế lớn nhất của tỉnh là đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều mô hình vẫn còn mang tính chất tự phát và chưa có chiến lược phát triển lâu dài, chưa thu hút sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương. Kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch của người dân tổ chức du lịch nông nghiệp còn hạn chế.

Chính vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch canh nông của địa phương, Sở VHTTDL cần tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn nhằm đào tạo nguồn nhân lực (bao gồm cán bộ quản lý ngành, các chủ trang trại, nhà vườn, nông dân). Bên cạnh đó, Sở có thể xây dựng đề án để đưa lãnh đạo, người dân đi tham quan tại nước ngoài, nâng cao trình độ, khả năng thuyết trình giới thiệu sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem