Lâm Đồng: Thêm một mùa hồng thất bát

Thứ tư, ngày 28/09/2011 10:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa năm nào giá trái hồng - một trong những loại quả đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng), lại rớt giá thê thảm như năm nay.
Bình luận 0

Nếu so với 10 năm trước, hiện giá hồng trái ở xứ sở Nam Tây Nguyên chỉ bằng 1/8, thậm chí là 1/10. Nhiều hộ trồng hồng ở Đà Lạt, Đơn Dương… đã đốn bỏ hàng loạt gốc hồng để trồng loại cây khác.

Chặt bỏ cây hồng

Vùng đất Nam Tây Nguyên được xem là mảnh đất màu mỡ của cây hồng ăn trái. Hồng ăn trái ở Lâm Đồng được trồng tập trung tại hai địa bàn TP.Đà Lạt và huyện Đơn Dương với diện tích có lúc lên đến trên 2.500ha; trong đó, Đà Lạt gần 1.000ha và Đơn Dương hơn 1.500ha.

img
Nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng đang đối mặt với một mùa hồng vừa mất mùa, vừa rớt giá.

Nếu như 10 năm trước, tư thương vào tận vườn hồng để thu mua với giá 18.000 – 20.000 đồng/kg thì vụ hồng năm nay, nhà vườn trồng hồng ở Đà Lạt, Đơn Dương năn nỉ mãi cũng chỉ bán được với giá không quá 2.500 đồng/kg.

“Liên tục mấy năm vừa rồi hồng giảm giá đến thê thảm. Bà con chúng tôi buộc phải chặt bỏ những gốc hồng vài mươi năm tuổi để trồng cà phê, trồng tiêu…” – ông Nguyễn Tiến Hồng ở thị trấn Dran (huyện Đơn Dương) nói.

Gia đình ông Hồng không phải là “điển hình” về trồng hồng ở thị trấn Dran, nhưng 30 gốc hồng của ông vào 10 năm trước cho thu nhập không dưới 60 triệu đồng/vụ. Còn nay, nói như ông, “cả vườn thu không đến 2 triệu đồng”.

Cũng tại thị trấn Dran, gia đình ông Văn Tiến Thành là một trong những gia đình nổi tiếng về trồng hồng của địa phương. Ông Thành ngậm ngùi: “Giá 1kg hồng đẹp nhất vào thời điểm cao giá nhất của vụ này cũng chỉ không quá 5.000 đồng; tính ra, chăm cả năm mà 1ha hồng cho tổng thu nhập không đến 30 triệu đồng; trừ công cán, phân tro, thuốc bảo vệ thực vật… cũng hết hơn 20 triệu thì lợi nhuận thu được chẳng bõ bèn gì!”.

Bởi lý do này nên nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng “mạnh tay” chặt bỏ hàng loạt gốc hồng cũng là chuyện không quá khó hiểu. Bà Đặng Thị Thu Hường ở xã Xuân Thọ (TP.Đà Lạt) cho biết, vườn hồng 100 gốc trước đây của gia đình bà hiện đã được “thu hẹp” chỉ còn không đến 70 gốc.

Còn theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, khoảng 600ha hồng trước đây của hai xã Xuân Trường và Trạm Hành – vùng hồng tập trung của thành phố – hiện chỉ còn không quá 300ha. Tại Đơn Dương, vùng hồng lớn nhất của Lâm Đồng, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo ước tính của một cán bộ chuyên môn thì diện tích hồng của cả huyện cũng đã giảm ít nhất 1/3.

Tìm cách gỡ gạc

Trước thực trạng hồng trái khi vào vụ thu hoạch (khoảng cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 hàng năm) giảm giá mạnh, một số nhà vườn đưa ra sáng kiến “neo giữ quả” cho hồng chín muộn vào dịp gần Tết Nguyên đán (khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 hàng năm). Hai năm gần đây, ông Võ Văn Cường ở thị trấn Dran (Đơn Dương) “gỡ gạc” đôi chút bằng cách làm này.

Từ cách làm của ông Cường, một số bà con trong vùng đã học làm theo nhưng theo ý kiến của nhiều người thì cách làm “neo giữ quả” như thế chẳng dễ chút nào.

Theo ông Phạm Văn Án, tỉnh Lâm Đồng đang rất cần các cơ sở chế biến hồng trái để góp phần giải quyết đầu ra cho loại nông sản đặc trưng này của tỉnh.

“Khi mà vườn hồng theo đúng mùa vụ đã qua kỳ nghỉ đông và trở lại nảy lộc trong tiết xuân thì việc giữ cho trái còn xanh trên cành không phải là chuyện dễ. Đặc biệt, trong tình hình giá hồng giảm mạnh như mấy năm vừa rồi thì việc đầu tư tiền của vào vườn cây để “neo quả” sao cho hồng chín vào cận Tết cứ như là chuyện không tưởng vậy” - ông Thái Bá Linh ở thị trấn Dran nói.

“Cận Tết, giá hồng có thể lên cao gấp vài lần, thậm chí cao hơn 5 đến 6 giá so với giá hồng chính vụ, tuy so với cách nay 10 năm vẫn không bằng nhưng đây có thể sẽ là một cách làm mới để kéo dài vụ thu hoạch hồng trái ở Lâm Đồng” – ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem