dd/mm/yyyy

Làm lúa hữu cơ, nhà nông không chỉ bán lúa giá cao mà còn bắt được nhiều tôm cá

Những năm vừa qua, tỉnh Quảng Trị theo đuổi phát triển nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, thương hiệu lúa hữu cơ Quảng Trị là một trong những minh chứng rõ nét nhất.

Lúa gạo hữu cơ được dán nhãn OCOP

Ông Nguyễn Giang - Giám đốc HTX Phước Thị (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, HTX của ông có 23ha trồng lúa hữu cơ, ngoài việc lúa phát triển tốt còn có rất nhiều cá trên đồng ruộng. Đã có hộ làm 1,7ha lúa thu hoạch 1,5 tạ cá và 1 hộ làm 8 sào lúa cũng thu được 67kg cá. Nếu thu hoạch toàn bộ 23ha lúa, số cá sẽ rất lớn.

Theo ông Giang, trước đây bà con trồng lúa theo cách truyền thống, phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân hóa học khiến cá tự nhiên không sống nổi. Thu hoạch lúa xong nông dân phải phơi khô mới bán được, lại bị thương lái ép giá... 

Tuy nhiên, 4 năm nay, người dân trồng lúa hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, lúa tốt, năng suất cao, bán lúa tươi nhận tiền ngay tại ruộng mà giá cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa truyền thống.

Quảng Trị tăng tốc làm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Quảng Trị tăng tốc làm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (ảnh chụp lúc đang làm Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị) bắt cá đồng trên ruộng lúa hữu cơ. Ảnh: Ngọc Vũ

Năm 2019, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 2 HTX, 6 công ty TNHH và 4 hộ kinh doanh tham gia thực hiện Chương trình OCOP với 19 sản phẩm được công nhận (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao) như: Dầu lạc nguyên chất super green, dầu mè nguyên chất super green, gạo sạch Quảng Trị, tinh bột sắn, bơ đậu phụng super green, hạt tiêu đen, cao cà gai leo, cao chè vằng, bún Vạn Ninh, rượu men lá Ba Nang...

Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn, gắn với các sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp, tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 3,7%, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Ước mơ "thủ phủ" nông nghiệp hữu cơ

Ông Hoè cũng cho biết, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, điển hình nhất là mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn. Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam, Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã ký hợp đồng với 6 HTX, tổ hợp tác thuộc 4 huyện để xây dựng vùng sản xuất gạo hữu cơ với tổng diện tích gần 800ha trong 7 vụ (từ vụ hè thu năm 2017 đến vụ hè thu 2020), sản lượng lúa tươi thu được hơn 5.000 tấn.

Mô hình hoàn toàn không sử dụng yếu tố hóa học trong quá trình sản xuất nhưng vẫn cho năng suất ngang và cao hơn sản xuất truyền thống. Đặc biệt, đối với các vùng đất sản xuất liên tục, năng suất ngày càng cao dù lượng phân bón vụ sau giảm 100kg/ha so với vụ trước. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt hiệu quả trên 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Quảng Trị tăng tốc làm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 4.

Gạo hữu cơ Quảng Trị đã được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: N.V

Công ty bao tiêu toàn bộ lúa tươi và trả tiền ngay tại ruộng với năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, nơi cao đạt 80 tạ/ha; cho thu nhập bình quân 36 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 48 triệu đồng/ha. 

Trừ chi phí, diện tích lúa hữu cơ cho lợi nhuận bình quân 26 - 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 8 - 20 triệu đồng/ha. Với 2 vụ/năm, mỗi ha trồng lúa hữu cơ, nông dân lãi 52 - 76 triệu đồng, cao hơn 1,5 - 2 lần so với trồng lúa đại trà.

Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường, nhưng thương hiệu lúa hữu cơ Quảng Trị đã trở thành thương hiệu mạnh, được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc như 7Eleven, US Mart, Queenslan… Đặc biệt, ngoài bán lúa cho công ty, mỗi ha lúa hữu cơ nông dân còn thu hoạch thêm khoảng 50 - 80kg cá nên tăng thêm thu nhập.

"Ngoài trồng lúa hữu cơ, ở Quảng Trị còn có các mô hình canh tác hữu cơ như trồng cam, rau, thanh long ruột đỏ, cà phê hữu cơ sinh thái… Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ đạt 5.000 - 10.000ha" - ông Hòe cho hay.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh theo đuổi ước mơ trở thành "thủ phủ" nông nghiệp hữu cơ. Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, an toàn; đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Để đạt mục tiêu đó, Quảng Trị sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. 

Ngọc Vũ - Bùi Quảng Trung