Làm nông trong... khu công nghiệp: Khó giải bài toán lãng phí đất

Thứ năm, ngày 28/06/2012 12:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện trạng khu công nghiệp (KCN) bỏ hoang ở các tỉnh vùng ĐBSCL đang là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng. Hàng chục nghìn ha đất đang bị bỏ hoang trong khi nông dân nghèo thiếu đất sản xuất đã gây bất bình trong dân.
Bình luận 0

Lãng phí hàng nghìn ha đất

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, toàn vùng ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645ha nhưng mới chỉ cho thuê được hơn 810ha, đạt tỉ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700ha đất, đạt tỉ lệ 4,5%.

img
Đất ở KCN Bình Minh (Vĩnh Long) bị bỏ hoang cho cỏ mọc và trâu bò vào ăn.

Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các khu, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ đã và đang dần được thay thế bằng những KCN bỏ hoang, trong khi dân thiếu đất sản xuất.

Nếu tính trung bình mỗi ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm thì ít nhất cũng đạt năng suất 15 tấn/ha. Toàn bộ 17.600ha đất bỏ hoang ở các khu, cụm công nghiệp thì mỗi năm vùng ĐBSCL đã mất đi 264.000 tấn lúa. Nếu tính giá lúa trung bình 5.000 đồng/kg thì xã hội cũng mất đi 1.320 tỷ đồng. Với nhiều KCN hàng chục năm chưa thu hút được nhà đầu tư để xây dựng nhà máy, xí nghiệp thì sự lãng phí đó cũng tăng bằng cấp số nhân.

Tuy nhiên, nhiều khu, cụm công nghiệp dọc theo sông Hậu là vùng trồng cây ăn trái đặc sản như: Bưởi Năm roi, cam sành, quýt, măng cụt… thì sự lãng phí lớn gấp rất nhiều lần so với đất lúa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bích Nhiên có 4,8 công đất trồng bưởi Năm roi và căn nhà bị giải tỏa để xây dựng KCN Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), được bồi thường tiền đất với giá 35.000 đồng/m2 cộng với 120 gốc bưởi đang cho trái và cả căn nhà cấp 4 chỉ được hơn 200 triệu đồng. Do mức bồi thường quá thấp nên đã 8 năm qua gia đình bà Nhiên không nhận tiền mà vẫn đi khiếu nại.

Bà Nhiên cho biết: “Lúc đó mỗi mét vuông đất được bồi thường chỉ bằng nửa ký thịt heo nên gia đình tôi kiên quyết không chịu nhận. Trong khi đất ở đây rất tốt, người dân từ lâu đời đã sinh sống bằng nghề trồng bưởi Năm roi thu nhập rất khá. Không nhận tiền nhưng người ta đã bơm cát xung quanh nên vườn bưởi cũng chết, căn nhà cũng ngập nên gia đình tôi đã chuyển ra ngoài rìa KCN để dựng nhà ở tạm”.

Điều bà đau đớn nhất trong 8 năm qua là vườn bưởi của gia đình đã bị xóa sổ nhưng hiện nay đất thì lại bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm dành cho trâu, bò sinh sống. Theo bà Nhiên, bây giờ giá đất trồng bưởi Năm roi ở giáp ranh KCN lên đến vài ba trăm triệu đồng/công. Vì vậy, toàn bộ số tiền mà gia đình được bồi thường ra ngoài mua không được 1 công đất trồng bưởi. Gia đình bà đang dựng nhà ở tạm, buôn bán lặt vặt trong KCN nhưng không đủ sống và lo 3 đứa con đang đi học.

Cần quy hoạch lại

Các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL không thể thu hút đầu tư trong điều kiện khủng hoảng kinh tế từ nhiều năm qua. Đây thật sự là bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương. TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Ở ĐBSCL có hàng trăm khu, cụm công nghiệp na ná nhau nên cũng kêu gọi đầu tư giống nhau, vô tình tạo sự canh tranh giữa các địa phương. Từ đó, nhiều địa phương không thu hút đươc nhà đầu tư nên lãng phí đất đai rất lớn”.

“Thời gian qua hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng ồ ạt quy hoạch, xây dựng khu, cụm công nghiệp. Đến nay có rất nhiều KCN chưa lấp đầy và nông dân vẫn quay lại sản xuất. Đây là sự lãng phí rất lớn. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế như hiện nay thì việc thu hút đầu tư là vấn đề rất nan giải”.

Cuộc sống người dân trồng lúa đã gặp rất nhiều khó khăn, khi quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp dẫn đến mất đất lúa thì lại càng khó khăn hơn.

TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Hiện tại người sản xuất lúa ở ĐBSCL trung bình có 1ha đất, nếu làm lúa 3 vụ/năm, năng suất cao, giá cả ổn định thì mỗi năm cả gia đình thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Trung bình mỗi gia đình có 4 nhân khẩu thì tính ra mỗi nhân khẩu chỉ có thu nhập hơn 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng mức cận nghèo. Nếu diện tích đất càng giảm nhường chỗ cho KCN, đô thị thì người nông dân là người chịu thiệt thòi nhất và càng nghèo thêm”.

Theo TS Bảnh, việc phát triển khu, cụm công nghiệp là cần thiết nhưng phải được quy hoạch, tính toán thật kỹ lưỡng. Vì vậy, các địa phương trong khu vực cần phải quy hoạch lại dựa trên thế mạnh của từng vùng, từng loại đất để hạn chế tối đa lấy đất trồng lúa để làm khu, cụm công nghiệp. Từ đó, tránh tình trạng quy hoạch đất lúa làm KCN rồi lại bỏ hoang như thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem