Đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình: Huyện Vũ Thư nói gì trước ý kiến người dân về bồi thường tái định cư?

Thế Anh - Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 13/03/2025 18:21 PM (GMT+7)
Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình với tổng mức đầu tư dự án gần 1.039 tỷ đồng gặp vướng mắc trong công tác bồi thường tái định cư, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án.
Bình luận 0


Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình cần làm rõ vướng mắc bồi thường tái định cư

Người dân không đồng thuận bồi thường tái định cư

Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình, có tổng chiều dài 8,37km, điểm đầu giao với Quốc lộ 10 tại Km 59+950, thuộc địa phận xã Tự Tân (huyện Vũ Thư) đi qua địa phận xã Song An; điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

Tuyến đường được thiết kế là đường phố chính đô thị chủ yếu; Vận tốc thiết kế 80km/h và bề rộng mặt đường xe chạy 20,5m. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.039 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đến nay, dự án đã có nhiều đoạn được trải thảm nhựa, hoàn thành lắp đặt dải phân cách cứng ở giữa. Tuy nhiên, gói thầu đi qua địa bàn xã Song An vẫn chưa hoàn thành, thi công cách đoạn ảnh hưởng chung tới tiến độ của dự án.

Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình cần làm rõ vướng mắc bồi thường tái định cư - Ảnh 1.

Khu vực các hộ dân trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình. Ảnh: Thái Nguyễn

Không đồng ý với phương án bồi thường, gần 10 hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh Phương án cho phù hợp với quy định của pháp luật vì cho rằng: "Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa rõ ràng, chưa đảm bảo quyền và lợi ích tương xứng của người dân".

Thứ nhất, phương án bồi thường bằng đất ở trong khu vực đất quy hoạch tại địa phương được người dân cho biết, khu vực tái định cư do UBND huyện bố trí là đất nghĩa trang cũ có từ lâu đời và bên cạnh đó còn có một nghĩa trang hung táng tại của xã Song An.

Các hộ dân cho biết: Căn cứ Mục 2.13 Thông tư số 01/2021/TT-BXD QCVN 01:2021/BXD đã quy định: "Công trình nhà ở tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung cần có khoảng cách tối thiểu 1.000 m đối với khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng và 100m đối với khu huyệt một nghĩa trang cát tang". Trong khi khu đất được sắp xếp bồi thường tái định cư nêu trên chưa đáp ứng về khoảng cách tối thiểu được quy định. Ngoài ra, một số hộ dân lo ngại dưới nền đất tái định cư còn rất nhiều mồ mả chưa được dọn đi.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Thái Văn Hùng (xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, khu đất tái định cư do UBND huyện Vũ Thư bố trí bồi thường tái định cư là khu vực nghĩa trang cổ có rất nhiều mồ mả. Ông cho biết, ông đã sinh sống ở khu vực này gần 40 năm nên hiểu rất rõ khu vực này.

"Trong quá trình thực hiện san lấp mặt bằng tái định cư, các cơ quan chức năng không có hoạt động tìm kiếm, di dời các ngôi mộ mà chỉ san lấp đất, làm rất ẩu nên tôi lo ngại nếu tái định cư trên khu đất đó ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và đời sống tâm linh, thờ cúng", ông Hùng nói.

Thứ hai, các hộ dân kiến nghị điều chỉnh lại giá đất bồi thường, với mức đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 22,5 triệu đồng/m2 là quá thấp so với giá đất thực tế tại khu vực xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (các hộ dân cho biết khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2).

Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình cần làm rõ vướng mắc bồi thường tái định cư - Ảnh 2.

Khu đất tái định cư nằm ngay sát với nghĩa trang. Ảnh: Thái Nguyễn

Các hộ dân đều cho rằng, việc bồi thường thấp dẫn tới hệ quả là người dân rơi vào tình cảnh hoặc là phải ra sinh sống tại khu vực tái định cư sát nghĩa trang hung táng (như nêu trên - PV), hoặc người dân phải mua đất ở khu vực khác để sinh sống và "ôm" một món nợ vô cùng lớn, do tiền bồi thường không thể đủ để mua đất với giá thị trường hiện tại.

Thứ ba, các hộ dân phản ánh, từ năm 2022 họ đã nhiều lần gửi đơn thư kêu cứu, kiến nghị, khiếu nại lên các cấp chính quyền về việc điều chỉnh phương án đền bù, nhưng đều không có hồi âm hoặc bị xử lý trái quy định của pháp luật.

Được biết thêm, ngày 20/1/2025, những hộ dân này nhận được thông báo (đề ngày 17/01/2025) về việc công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng công trình: Tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, địa phận xã Song An, huyện Vũ Thư của Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Vũ Thư. Nội dung thông báo nêu: "Thời gian gửi đóng góp ý kiến trước ngày 21/01/2025, sau ngày này các hộ gia đình, cá nhân không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đã đồng thuận với bản dự thảo phương án đã công khai".

Các hộ dân cho rằng, điều này không đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024 và cũng không để các hộ dân có được tối thiểu 30 ngày để kiểm tra, rà soát hồ sơ và đưa ý kiến.

Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình cần làm rõ vướng mắc bồi thường tái định cư - Ảnh 3.

PV Dân Việt ghi nhận những kiến nghị của các hộ dân bị thu hồi đất. Ảnh: Thái Nguyễn

Ông Lương Văn Duân (71 tuổi, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, ngày 8/3 vừa qua, mặc dù các hộ dân trong diện bị thu hồi đất chưa được đền bù, cũng như chưa có chỗ ở, nhưng lãnh đạo huyện Vũ Thư đã thông báo "miệng" sẽ tiến hành cưỡng chế vào thời gian ngày 17 – 25/3 tới.

"Các vướng mắc về phương án đền bù giải phóng mặt bằng chưa giải quyết xong cho chúng tôi, nhưng vào ngày 8/3 vừa qua, lãnh đạo huyện Vũ Thư đã thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế đối với các hộ dân từ ngày 17 - 25/3. Điều này khiến chúng tôi mất nhà cửa, chưa có chỗ ở mới và sẽ không biết phải sinh sống ra sao", ông Duân ngậm ngùi chia sẻ.

Lo lắng về chỗ ở sau khi nhường đất cho dự án, song ông Trần Văn Dự (xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vẫn khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chủ trương chính sách của Nhà nước về đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội".

Ông Dự mong muốn các cấp chính quyền xem xét cho người dân được tái định cư trên cùng trục đường 463 để người dân tiếp tục có nơi kinh doanh, buôn bán để đảm bảo thu nhập.

"Chúng tôi sinh sống lâu năm ở đây nên biết khu đất tái định cư mà UBND muốn bố trí cho chúng tôi là nghĩa trang cổ và nằm sát nghĩa trang hung tang nên không thể chấp thuận chủ trương về đền bù tái định cư này", ông Dự cho hay.

Huyện Vũ Thư phản hồi vướng mắc của người dân về bồi thường tái định cư

Từ những thông tin người dân cung cấp, PV Dân Việt trực tiếp khảo sát và nhận thấy khu vực tái định cư do UBND huyện Vũ Thư bố trí cho người dân nằm sát một nghĩa trang. Khoảng cách giữa khu tái định cư và nghĩa trang là một kênh mương nước thủy lợi. Nghĩa trang này chưa được xây dựng tường rào đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan xung quanh.

Để xác minh làm rõ các thông tin, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Phạm Thành Đô – Chánh văn phòng UBND huyện Vũ Thư; ông Trần Thanh Hải – Trưởng phòng Nông nghiệp môi trường huyện Vũ Thư.

Tại buổi làm việc ông Đô cho biết, hiện nay, dự án vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận về phương án bồi thường tái định cư.

"Trong quá trình thực hiện dự án, không tránh khỏi những phát sinh có người dân không đồng thuận. Với cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có trách nhiệm điều chuyển người dân tới khu tái định cư theo đúng quy định của pháp luật", ông Đô chia sẻ.

Dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình cần làm rõ vướng mắc bồi thường tái định cư - Ảnh 4.

PV Dân Việt đã có buổi làm việc với UBND huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để làm rõ thông tin khiếu nại từ người dân. Ảnh: Thái Nguyễn

Thông tin về khu vực bố trí tái định cư, ông Hải cho biết, khu vực bố trí tái định cư nằm trong quy hoạch sử dụng đất làm khu dân cư thương mại. Khi triển khai dự án đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình khu đất được điều chỉnh thành tái định cư.

"UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định giao đất cho huyện Vũ Thư bố trí tái định cư cho dự án, trong đó, còn có phần diện tích đất để đấu giá", ông Hải thông tin.

Đối với phản ánh của người dân về khu tái định cư nằm trên nghĩa trang cổ và sát với nghĩa trang hiện hữu, ông Hải lý giải rằng, "chúng tôi rà soát trên các bản đồ, hồ sơ khu vực bố trí tái định cư không phải nghĩa trang".

Ông Hải cho biết, khu vực này có một số ngôi mộ và nằm cạnh nghĩa trang. Những ngôi mộ nổi đã được di dời, tuy nhiên, việc có mồ mả nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất hay không thì đơn vị chưa thể phát hiện hết.

"Quá trình quy hoạch thực hiện khu tái định cư, những vị trí có mộ được bố trí là đường giao thông và không bố trí đất ở cho người dân vào vị trí phát hiện ra mộ", ông Hải khẳng định.

Đối với nghĩa trang bên cạnh khu tái định cư, ông Hải cho hay, sau này có thể sẽ xây dựng tường bao quanh nghĩa trang hoặc trồng dải cây xanh để phù hợp các quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem