Làm sao để chặn tình trạng bond run - nhà đầu tư rút tiền trái phiếu hàng loạt?

06/11/2022 08:21 GMT+7
Để chặn tình trạng bond run, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần đặc biệt xác định rõ, đây là kênh đầu tư, không phải là sản phẩm tiết kiệm như ngân hàng.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiết kiệm ngân hàng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 5 năm trở lại đây đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân tốt nhưng quy mô còn khá nhỏ, chỉ khoảng 15% GDP, trong khi Malaysia 56% GDP, Singapore 38% GDP, Thailand 25% GDP. Những con số trên, đặc biệt khi quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam ở top đầu ASEAN, cho thấy còn nhiều dư địa và yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng.

Một trong những điều đang xảy trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hiện tượng bond run (nhà đầu tư rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức). Vậy phải làm sao để tránh tình trạng bond run?

Tại Talkshow mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện tượng bond run là đặc điểm khá phổ biến với thị trường tài chính. Bên cạnh bond run còn có cụm từ khác tương tự như bank run.

Làm sao để chặn bond run? - Ảnh 1.

"Nếu để tránh bank run, chúng ta có NHNN, có cả hệ thống để làm sao có thể ngăn chặn tác động tiêu cực từ tin đồn, gây ra sự rút vốn ồ ạt tại một ngân hàng nào đó. Thực tế chục năm qua chúng ta cũng thấy một số trường hợp mà cơ quan nhà nước đã đứng ra ngăn chặn tác động tiêu cực liên quan tới tin đồn có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động, thanh khoản của một số tổ chức tín dụng", ông Ánh nói.

Tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành riêng lẻ khi đối mặt với một số vấn đề, thậm chí là các tin đồn vô căn cứ, ứng xử của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cần nhất là tránh hiệu ứng đám đông. Bản thân nhà đầu tư phải tự nâng được trình độ, năng lực phân tích thị trường để tránh được hiệu ứng đám đông, đặc biệt là khi có các tin đồn vô căn cứ.

Ông Ánh nhấn mạnh, điều đầu tiên với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt cần lưu ý, đây là một kênh đầu tư, không phải kênh tiết kiệm. Việc chưa có sự phân biệt rõ ràng khiến cho không ít nhà đầu tư trong thời gian qua đã hành xử với trái phiếu doanh nghiệp tương tự như với khoản tiết kiệm ngân hàng. 

"Tôi cho rằng đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, cần giúp nhà đầu tư nhận biết rõ họ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đi kèm lợi ích là rủi ro có liên quan. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn khác với gửi tiết kiệm ngân hàng", ông Ánh bày tỏ.

Làm sao để tranh bond run?

Để tránh tình trạng bond run, ông Ánh khuyên nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phân tích, đánh giá thông tin trước những tin đồn mang tính tiêu cực. Vì cơ bản các tin đồn không có căn cứ và gây rất nhiều thiệt hại, và thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư hoạt động theo tin đồn hoặc theo hiệu ứng đám đông sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nhà phát hành, cũng như các nhà phân phối. Vô hình chung, khi tình hình chưa căng thẳng, chúng ta lại đẩy nó vào căng thẳng, gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức có uy tín để thông tin tới các nhà đầu tư, giúp họ ra quyết định một cách phù hợp và đảm bảo lợi ích.

Với cơ quan chức năng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm chống bank run. Đối với thị trường trái phiếu, chúng ta muốn nâng cao trình độ của nhà đầu tư nhưng không phải lúc nào nhà đầu tư cũng đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là tin thật, tin giả, trong khi tâm lý là một yếu tố rất quan trọng trên thị trường tài chính.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi cho rằng đã đến lúc cần có các cơ quan tương tự như với thị trường tín dụng, ngân hàng để chống lại bond run. Có hệ thống quản lý như vậy, cộng với pháp lý, chúng ta mới có cơ sở, căn cứ để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường và đặc biệt để đối phó rủi ro mang yếu tố tâm lý, hay hiệu ứng đám đông mà nhà đầu tư phải đối mặt. 

"Ví dụ như bàn về bảo lãnh phát hành hành, bảo lãnh thanh toán, tôi cũng thấy hao hao giống bảo hiểm tiền gửi với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, đó không phải toàn bộ vấn đề. Các tin đồn có thể tác động lớn hơn rất nhiều, cần hệ thống để giúp nhà đầu tư có niềm tin, để niềm tin có căn cứ, các cơ quan quản lý Nhà nước với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần đặt ra thể chế, bao gồm quy định pháp lý, bộ máy, cũng như biện pháp chống lại hiện tượng bond run", ông Ánh nói.

Thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều có rủi ro. Theo ông Ánh, để tránh điều này, cần biện pháp tạo dòng tiền xử lý các vấn đề liên quan, chẳng hạn xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nó gặp các vấn đề liên quan tới thanh khoản, không phải vấn đề căn cốt liên quan tới sức khoẻ tài chính của nhà phát hành hay các sai phạm. Cần một cái thể chế, định chế như vậy để giúp cho sự ổn định của thị trường.

Vấn đề thứ hai là khi gần đây xuất hiện những tin đồn, có hiệu ứng đám đông xuất phát từ câu chuyện của các nhà phát hành, đặc biệt khi chúng ta chưa khắc phục được vấn đề công khai minh bạch, một số hiện tượng chưa rõ ràng, ví dụ nhà phát hành trái phiếu thật sự là ai, việc quản lý mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con, hay là công ty cháu chưa rõ ràng, thì vấn đề uy tín của nhà phát hành sẽ phải xử lý ngay trong ngắn hạn.

Phải làm rõ câu chuyện quy định, nếu thực hiện trung gian là các đơn vị bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán, thì phân biệt rõ rệt và sự rõ ràng của nhà đầu tư gắn với rủi ro, lợi nhuận. Tránh tâm lý chi phối, khi thời gian vừa qua người ta chỉ tập trung vào vấn đề lãi suất, lãi suất càng cao thì càng tốt, bỏ qua nhiều yếu tố liên quan tới rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 65 theo hướng siết chặt yêu cầu với cả phát hành, phân phối, trung gian, cũng như các yêu cầu với nhà đầu tư. Điều này có ý nghĩa nhiều trong trung và dài hạn nhưng lai gây khó khi đối mặt với vấn đề trước mắt tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi mà quy mô đã lên đến 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022, sang năm 2023, hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Đặc biệt, liên quan tới cả hiện tượng, tuy chưa phổ biến nhưng đã xảy ra là bond run với một số loại trái phiếu doanh nghiệp.

Tóm lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường cực kỳ phức tạp ngay cả với tổ chức chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp.


An Vũ
Cùng chuyên mục