Làm sao để từ chức trở thành văn hóa của quan chức?

Thành An Thứ sáu, ngày 01/11/2019 09:26 AM (GMT+7)
“Từ chức” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên truyền thông và ngay tại nghị trường Quốc hội. Cứ mỗi khi có vấn đề nóng, liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, vấn đề “từ chức” lại được đặt ra. Tuy nhiên, văn hóa “từ chức” vẫn còn rất xa xỉ. Gần đây vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Có thể nói đây là điểm khởi đầu để cán bộ, đảng viên xây dựng văn hóa từ chức.
Bình luận 0

Kỳ 1: Khi văn hóa từ chức vẫn rất xa xỉ 

Hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các Dự thảo, các quy định xây dựng “văn hóa từ chức” vẫn chưa đồng nhất, vẫn chưa thể trở thành một văn bản nhất định. Đây vẫn đang còn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, một văn hóa rất xa xỉ đối với quan chức.

"Từ chức" vẫn chỉ là phạm trù văn hóa

Hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 giải thích: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Trong Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009, của Bộ Chính trị, về “Việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”, ghi rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. 

Đáng chú ý, Điều 6 Quy định số 260-QĐ/TW đưa ra các căn cứ xem xét việc từ chức của cán bộ như sau: Cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe; cán bộ xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; cán bộ xin từ chức vì lý do cá nhân khác. 

img

Cần xây dựng văn hóa từ chức trong cơ quan chính quyền nhà nước. (ảnh minh họa - nguồn I.T)

Điều 7 Quy định này cũng ghi rõ các trường hợp không được từ chức bao gồm: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do bản thân cán bộ đã thực hiện; nếu cán bộ từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao; đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hay như Điều 30, Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các trường hợp miễn nhiệm hoặc từ chức đối với cán bộ, công chức, như không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ;...

Thực tế, đề cập đến vấn đề từ chức,những năm qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…

Có thể thấy, theo các quy định của Đảng và Nhà nước, từ chức là một hành động hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo. Như vậy, từ chức rõ ràng thuộc phạm trù văn hóa: Văn hóa từ chức.

Văn hóa "không nhúc nhích"

Nhìn lại lịch sử thời phong kiến Việt Nam, chúng ta rất ấn tượng với những hình ảnh đầy dũng khí “treo ấn, từ quan”, “cáo lão về quê” khi đang ở ngôi cao, chức trọng, điển hình như các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm… - những bậc sĩ phu, đại thần, trí-dũng-nhân, khẳng khái, tiêu biểu, tinh khiết nhất thời đó.

Trong lịch sử của Đảng ta đã có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp của Đảng xin rút khỏi các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý. Điển hình năm 1956, sau những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất được kết luận, ông Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, ông Hồ Viết Thắng xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, ông Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng...

img

Việc cán bộ từ chức là rất xa xỉ. (ảnh minh họa - nguồn I.T)

Thời gian gần đây cũng có một số quan chức, lãnh đạo xin từ chức, như ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (năm 2004); ông Trần Đăng Tuấn - Phó Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (năm 2010). Năm 2015, ông Nguyễn Sự đã quyết định thôi làm Bí thư Thành ủy Hội An dù còn hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, với lý do rất đời - để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. Mới đây, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn (năm 2019) cũng đã xin từ chức… 

Nhưng khách quan thì số cán bộ có tự trọng, đạo đức chủ động xin từ chức khi thấy mình làm không tốt chưa nhiều. Không ít cán bộ tham quyền cố vị, không xứng đáng với cương vị được giao, dù năng lực kém nhưng không biết mình kém, vẫn nghĩ mình giỏi, luôn ngụy biện: Là đảng viên, Đảng giao nhiệm vụ thì phải làm. Không làm là phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm! 

Thậm chí có người “dính chàm” vẫn tìm mọi phương kế để giữ khư khư cái ghế quyền lực của mình, đẻ ra thứ “văn hóa không nhúc nhích”, gây bức xúc trong Đảng, trong nhân dân. Điều này có thể cắt nghĩa quyền hành đi đôi với quyền lợi nên họ cố giữ ghế để trục lợi cá nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, bị Nhân dân lên án.

Có thể nói, hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các Dự thảo, các quy định xây dựng “văn hóa từ chức” vẫn chưa đồng nhất, vẫn chưa thể trở thành một văn bản nhất định. Đây vẫn đang còn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Và Thủ tướng chỉ đạo: Chính là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”. Điều này cho thấy, đây là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng nền tảng cho “văn hóa từ chức” trong tương lai không xa. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem