Làm thế nào để biến 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp thành tiền?

Nghĩa Lê Thứ năm, ngày 05/12/2024 11:13 AM (GMT+7)
Sáng ngày 4/12, UBND tỉnh Thái Bình cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề: "Sử dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp". Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm, góp phần hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Bình luận 0

Phế phụ phẩm là 1 vấn đề lớn, cần phải kiên trì đến cùng...

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Nghĩa Lê

Theo Tổng cục Thống kê, tổng lượng phế phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam ước tính lên đến gần 160 triệu tấn, trong đó khoảng 90 triệu tấn là phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 62 triệu tấn từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 10,6%). Nếu được khai thác và sử dụng hiệu quả, nguồn tài nguyên này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 2.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình Trần Minh Hưng cho biết, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng nấm sử dụng hiệu quả nguồn "phế phụ phẩm" từ rơm rạ sau thu hoạch và ứng dụng hệ thống tưới thông minh trong mô hình trồng nấm. Ảnh: Nghĩa Lê

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh: "Thái Bình là tỉnh ven biển với diện tích tự nhiên trên 158.461ha và dân số đạt 2 triệu người. Vùng đất này chủ yếu hình thành từ phù sa các con sông, có đất đai màu mỡ và người dân cần cù, chịu khó. Công cuộc đê điều và khai hoang lấn biển đã được thực hiện qua nhiều thế hệ, khẳng định tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp của Thái Bình".

Tại Thái Bình, các mô hình liên kết phát triển sinh thái và kinh tế tuần hoàn đơn giản, như vườn - ao - chuồng (VAC), những năm gần đây đã được cải tiến để phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Điển hình là mô hình VAC-biogas.

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định rằng phải tạo được một chu trình khép kín gắn liền với nông nghiệp tuần hoàn từ đó mới tận dụng triệt để được nguồn phế phụ phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế cao và giảm khí phát thải. Ảnh: Nghĩa Lê

"Cây lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích hơn 150.000ha và sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, diện tích cây màu hàng năm vào khoảng 80.000 ha, tạo ra 3,1 triệu tấn phế phụ phẩm. Chăn nuôi tại Thái Bình chủ yếu theo mô hình trang trại liên kết và áp dụng quy trình chăn nuôi tốt, phát triển chuỗi giá trị. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60.000 con trâu bò, 710.000 con lợn, 14 triệu con gia cầm, với tổng sản lượng chất thải rắn 8,7 triệu tấn và chất thải lỏng 6,7 triệu tấn. Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 đạt 291.000 tấn, thải ra khoảng 150 tấn phế phụ phẩm", bà Nga cho biết thêm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có hơn 18.000 công trình biogas xử lý chất thải. Nhiều trang trại đã sử dụng các công trình biogas loại lớn hoặc xây dựng hồ khí sinh học. Từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 9 mô hình và dự án xử lý môi trường chăn nuôi quy mô nông hộ, sử dụng đệm lót sinh học.

Đặc biệt, những năm gần đây, Thái Bình đã áp dụng nhiều công nghệ và xây dựng các mô hình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Một giải pháp đột phá nhằm phát triển nông nghiệp bền vững là phát triển kinh tế tuần hoàn, kết hợp với công nghiệp chế biến và nông nghiệp tái tạo, tạo ra chu trình sản xuất khép kín.

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 4.

Các chế phẩm sinh học phục vụ cho xử lý chất thải, phụ phẩm trong nông nghiệp được trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh: Nghĩa Lê

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của phế phụ phẩm, chúng ta cần xây dựng một chiến lược tổng thể và kiên trì trong việc áp dụng các công nghệ mới. Đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, tăng cường đào tạo cho nông dân, nâng cao cơ sở hạ tầng là những yếu tố then chốt. Hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng là điều cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi, giúp tối ưu hóa giá trị của phế phụ phẩm.

Mặc dù vậy, việc sử dụng và chế biến phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn thiếu tính đồng bộ và chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng lãng phí và giá trị gia tăng chưa được phát huy. Hơn nữa thương hiệu của các sản phẩm từ phế phụ phẩm vẫn chưa được khẳng định trên thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành và địa phương để tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho các HTX và hộ nông dân, giúp họ áp dụng thành công các phương pháp này.

Đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp... 

ThS. Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp - Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Đầu tiên, cần phải thừa nhận rằng, phế phụ phẩm không phải là chất thải vô giá trị mà là những nguồn tài nguyên đang bị bỏ quên. Các phụ phẩm như rơm rạ, vỏ hạt cà phê, vỏ trái cây, hay chất thải từ chăn nuôi,... đều có tiềm năng lớn nếu được xử lý và tái sử dụng đúng cách. Việc sử dụng công nghệ sinh học để biến đổi các phế phụ phẩm này thành phân bón hữu cơ, nhiên liệu sinh học, hay chế phẩm vi sinh không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn gia tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp".

Theo bà, công nghệ sinh học chính là chìa khóa để biến những phế phụ phẩm này thành các sản phẩm có giá trị kinh tế, đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Chúng ta có thể tận dụng các chất thải nông nghiệp, như rơm rạ, phân chuồng, phụ phẩm thủy sản và lâm nghiệp, để sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh hay thậm chí là nhiên liệu sinh học", bà Hà khẳng định.

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 5.

Biến phế phụ phẩm thành nguyên liệu tuần hoàn là mấu chốt tạo ra kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp khép kín, tạo ra vòng lập tuần hoàn gia tăng giá trị kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường, bà Hà chia sẻ. Ảnh: Nghĩa Lê

Bà Hà cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ sinh học không chỉ là yếu tố giúp nâng cao năng suất mà còn tạo ra những hướng đi bền vững, đặc biệt là trong việc tạo ra giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh. Một trong những điểm đặc biệt mà bà Hà chỉ ra là việc phát triển và áp dụng các chế phẩm vi sinh, không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cây trồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đất, nâng cao khả năng sinh trưởng của cây trồng, và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Đặc biệt, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nếu được nhân rộng, sẽ có tác động tích cực không chỉ đối với người nông dân mà còn đối với môi trường. Khi phế phụ phẩm được xử lý và tái sử dụng đúng cách, chúng sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, giúp tiết kiệm chi phí cho nông dân, bảo vệ môi trường và tăng cường năng suất. Những sản phẩm từ phế phụ phẩm như phân bón hữu cơ hay chất xử lý sinh học không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất mà còn nâng cao sức khỏe của cây trồng, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, bà Hà cũng chia sẻ sự lo ngại về những thách thức lớn trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý phế phụ phẩm. Cụ thể, hiện nay, công nghệ này vẫn đang gặp phải một số hạn chế, trong đó thiếu kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất không đồng bộ và sự thiếu nhận thức từ người dân và các cán bộ quản lý là những yếu tố cản trở tiến trình phát triển.

"Bởi vậy, để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ sinh học, chúng ta cần có một chiến lược tổng thể, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời tăng cường đầu tư từ cả chính phủ và các doanh nghiệp. Khi đó, phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ là chất thải mà sẽ trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo mang lại giá trị cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững", bà Hà khẳng định.

Đốt rơm là đốt tiền, nguyên do tại sao lại như vậy? - Ảnh 6.

Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều câu hỏi từ diễn giả bên cạnh đấy giải quyết được một số thắc mắc còn ứ đọng. Ảnh: Nghĩa Lê

Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong nông nghiệp sẽ được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem