Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ là hai thành phố đầu tiên thực thiện thí điểm việc cấp giấy phép lái xe quốc tế. Hiện tại, các trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế ở hai thành phố này đã sẵn sàng.
Giấy phép lái xe quốc tế giống như hộ chiếu, gồm nhiều trang được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (Ảnh minh họa)
Bắt đầu cấp GPLX quốc tế từ giữa tháng 10
“Chúng tôi dự kiến đến khoảng ngày 15.10, sẽ bắt đầu thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit - IDP) cho người dân có nhu cầu. Người dân chỉ cần mang giấy phép lái xe bản gốc và làm một tờ đơn (điền theo mẫu) đến Tổng cục đường bộ Việt Nam hoặc sở Giao thông vận tải để làm thủ tục cấp đổi. Trường hợp không cấp giấy phép cho người dân, đơn vị thực hiện cấp đổi sẽ trả lời và nêu rõ lý do”, ông Huyện nói.
Ông Huyện cho biết thêm, chậm nhất 5 ngày, người dân sẽ lấy được giấy phép lái xe quốc tế. Giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn không quá 3 năm và được sử dụng để lái xe tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna).
“Hiện nay chúng tôi đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt mức kinh phí khi cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế nên chưa có con số cụ. Tuy nhiên, chi phí cấp đổi loại giấy phép lái xe này sẽ không cao”, ông Huyện nói thêm.
Người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, người được cấp giấy phép lái xe quốc tế là người Việt Nam; người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng. Hạng xe được phép điều khiển của giấy phép lái xe quốc tế tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp.
Lái xe ở nước ngoài phải mang 2 GPLX
Giấy phép lái xe quốc tế là một quyển sổ có kích thước A6 (148 x 105cm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, những trang giấy bên trong màu trắng. Quyển sổ gồm 9 trang.
Trang 1 (trang bìa) ghi thông tin cơ bản của giấy phép lái xe quốc tế được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Các trang bên trong ghi thông tin cơ bản của người được cấp, phạm vi sử dụng. Phần khai về người lái xe và phân hạng xe được in bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha để người được cấp có thể sử dụng ở các quốc gia tham gia Công ước Vienna.
Ông Huyện cho hay, người có giấy phép lái xe do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước ngoài bắt buộc phải mang cả 2 giấy phép lái xe đi, một giấy phép lái xe do Việt Nam cấp và một giấy phép lái xe quốc tế.
Việc bắt buộc lái xe phải có hai giấy phép lái xe khi ra nước ngoài nhằm mục đích chống làm giả giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Huyện, quy định chung của Công ước quốc tế 1986 về giao thông, không chấp nhận có 1 giấy phép lái xe nên Việt Nam không thể nghiên cứu ghép 2 giấy phép lái xe thành một chiếc và để song ngữ được một (loại GPLX thông thường và GPLX quốc tế). Các nước trên thế giới tham gia công ước cũng đều phải thực hiện quy định, cấp thêm một loại giấy phép lái xe quốc tế cho người dân có nhu cầu.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 29.2015 quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế. Theo đó, giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước viên cấp theo một mẫu thống nhất. Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, viết tắt là IDP.
Thông tư cũng quy định, người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển. Người điều khiển xe phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.