Lần đầu tiên có dự án số hóa các tác phẩm văn hóa phi vật thể giới thiệu ra thế giới
Lần đầu tiên có dự án số hóa các tác phẩm văn hóa phi vật thể giới thiệu ra thế giới
M.T
Thứ năm, ngày 08/04/2021 08:27 AM (GMT+7)
Mong muốn đem những giá trị văn hóa Việt ra thế giới, kết nối với các nền văn hóa theo xu hướng công nghệ 4.0, dự án Cổng trời do một nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, các giám tuyển mỹ thuật cùng các kỹ thuật viên lập ra nhằm giải quyết vấn đề số hóa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật.
Ngày 3/4, dự án Cổng trời số hóa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật và định danh chủ sở hữu bằng công nghệ NFT đã được ra mắt tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Theo đó, Cổng trời (website congtroi.org) trở thành dự án cung cấp nền tảng xác nhận quyền sở hữu số đối với tất cả các thể loại tác phẩm nghệ thuật như văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh… cũng như các sản phẩm văn hoá vật thể, phi vật thể của người Việt.
Đây là nơi hội tụ đông đảo nhất các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được số hoá theo công nghệ Non Fungible Token (NFT), đưa các tác phẩm nghệ thuật từ đời thực qua "Cổng trời" bước vào thế giới digital, trở thành tác phẩm kỹ thuật số với tính xác thực và quyền sở hữu duy nhất trên nền tảng blockchain của KardiaChain.
Với NFT, một nhà sưu tập ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể tiếp cận, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật NFT của Việt Nam với sự đảm bảo 100% về quyền sở hữu, tính độc bản, khả năng chia sẻ và đảm bảo giá trị chuyển nhượng toàn cầu.
Những người làm dự án cho biết, các phương thức kết nối truyền thống thông qua mạng xã hội, website, triển lãm, rạp chiếu phim... đã không còn bắt kịp yêu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Vấn nạn tác phẩm nhái, tranh chấp trong thanh toán, vi phạm tác quyền… và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ngăn các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại.
Cổng trời sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT. Thông qua Cổng trời, nhóm nghiên cứu muốn hoàn thiện hóa con đường phổ cập nghệ thuật cho đại chúng để nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới.
Không riêng mỹ thuật, số lượng các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học… của Việt Nam đã lên đến con số hàng triệu với nhiều tác phẩm thành công vươn tầm thế giới. Số lượng nghệ sĩ có ảnh hưởng trên mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bất kỳ nghệ sĩ Việt Nam nào NFT hóa tác phẩm của mình, cũng như chưa khai thác được tiềm năng giá trị từ nguồn tài nguyên rộng lớn này.
Chỉ tính riêng Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có gần 2.000 hội viên, Hội Mỹ thuật TP.HCM có gần 700 hội viên, chưa kể đến số hội viên của 63 tỉnh thành còn lại. Mỗi họa sĩ sở hữu bình quân hàng trăm tác phẩm hội họa. Rất nhiều người trong số đó có thu nhập cao từ việc bán tranh theo cách truyền thống.
Các họa sĩ có tổng thu nhập triệu USD hàng năm có thể kể đến như: Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Luận, Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Lê Kinh Tài, Lê Thanh Sơn… Các bức tranh Việt Nam cũng khẳng định được giá trị trên các sàn đấu giá quốc tế như: Lê Phổ với "Khỏa thân" (1,4 triệu USD), "Đời sống gia đình" (1,17 triệu USD), Tô Ngọc Vân với "Vỡ mộng" (1,16 triệu USD)…
Tương tự, số lượng hội viên của các Hội Nhà văn TP.HCM (khoảng trên 400 hội viên), Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (khoảng 500 hội viên), Hội Kiến trúc TP.HCM (khoảng 1.000 hội viên), Hội Cổ vật TP.HCM (hơn 70 hội viên)… đang sở hữu số lượng tác phẩm lên đến con số hàng trăm ngàn. Trong đó có nhiều tác giả đạt các giải thưởng lớn trong và ngoài nước.
Dự án Cổng trời dự kiến sẽ phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam, Viện IDECAF (Viện Trao đổi Văn hoá với Pháp tại TP.HCM), Trung tâm Vân Sơn và nhiều cá nhân tổ chức khác để triển khai trong thời gian sắp tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.