Trung Quốc bất ngờ
Với tư cách là một người Việt đang sống xa quê hương, một lòng ngóng trông hướng về Tổ quốc đang đứng trước những nguy cơ mất chủ quyền biển đảo của ông cha ta để lại, tôi viết bài này không nhằm đi sâu về những cơ sở lịch sử và pháp lý của Việt Nam mà chỉ chú trọng đến sức mạnh mềm của Việt Nam- đó là lòng yêu nước- thứ vũ khí mà Trung Quốc phải chùn chân.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã thẳng tay xé bỏ 2 bản thoả thuận do lãnh đạo 2 bên ký kết năm 2011 và 2013, cam kết giải quyết hoà bình các vấn đề khó khăn giữa 2 nước. Tệ hơn nữa, Bắc Kinh đã 3 lần bác bỏ lời yêu cầu khẩn cấp của Việt Nam về một cuộc gặp gỡ để giải quyết hoà bình vụ giàn khoan Hải Dương 981. Châm ngôn “16 chữ” và “4 tốt” thể hiện tình đồng chí bền chặt giữa 2 đảng anh em được ca tụng hơn 20 năm bỗng nhiên bị quăng vào sọt rác. Hành động trở mặt tàn nhẫn và tráo trở bất ngờ của Trung Quốc đối với Việt Nam đang gây sự bức xúc, căm phẫn không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn với cả nhân dân ở nhiều nước trên thế giới.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng bị bất ngờ trước khí thế yêu nước bùng dậy mãnh liệt từ phía nhân dân Việt Nam, một dân tộc không bao giờ chịu quỳ gối, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc. Những chiến thắng Bạch Đằng, Đông Đô, Chi Lăng, Điện Biên Phủ… vẫn còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam và là một bài học nhãn tiền cho bất kỳ kẻ nào dã tâm xâm phạm chủ quyền của đất nước.
Thật đáng tiếc là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cậy mình quá giàu và quá mạnh nên không chịu tìm hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam để biết rằng truyền thống chống Trung Quốc xâm lược vốn nằm sẵn trong từng mạch máu, từng thớ thịt của dòng giống Việt từ ngày lập quốc. Bởi vậy, mỗi người Việt Nam không kể già trẻ, gái trai, ở trong nước hay ở nước ngoài, vẫn kiên quyết đấu tranh cho độc lập và chủ quyền của quê cha đất tổ.
Dân tộc Việt Nam luôn khoan dung, nhân hậu, luôn mong muốn chung sống hữu nghị, hòa bình với Trung Quốc, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, và không thể làm ngơ trước việc ngày 1.5.2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu vũ trang và máy bay hộ tống vào khu vực Hoàng Sa, hạ đặt giàn khoan này ngay trên thềm lục địa và trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu hộ tống giàn khoan đã tấn công các tàu công vụ và dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và một số người bị thương vong.
Hành động phi pháp và thái độ hống hách của cường quyền Bắc Kinh làm bùng dậy lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra ở trong và ngoài nước với số lượng đông đảo.
Với hào khí “Diên hồng”, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn thử thách nếu có một tổng lực dân tộc do sự kết hợp của cả 3 thành phần: Chính quyền, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng tổng lực dân tộc này chỉ có thể thành thành tựu nếu mỗi thành phần đều có những hành động đột phá hướng về hai mục tiêu chung: Bảo vệ Tổ quốc và tiếp tục đường lối cải cách kinh tế, xã hội.
Ngôn ngữ chung của lòng yêu nước
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Dù ở xa quê hương hay sinh trưởng ở nước ngoài, dù còn có những chính kiến khác nhau, nhưng hầu hết mọi người đều vẫn gắn bó tình cảm với nguồn gốc của mình ở những mức độ khác nhau và luôn một lòng hướng về Tổ quốc. Tổng số người Việt hải ngoại tính đến nay khoảng trên 4 triệu, riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 2 triệu. Trong thời gian qua, bà con ta ở nước ngoài đã tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng vai trò làm cầu nối tuyên truyền về đất nước và con người Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, tích cực thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và bạn bè năm châu, bốn bể.
Dã tâm muốn làm bá chủ của Trung Quốc hiện vẫn chưa dừng lại. Trước hiểm họa này, bà con ta cần tiếp tục ủng hộ những quyết sách của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam.
Trong thời điểm Trung Quốc đang có những hành động trắng trợn xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta, bà con ta ở khắp mọi nơi trên thế giới đã tổ chức biểu tình trước các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở sở tại. Những hình ảnh mọi người không kể già trẻ, gái trai, tiểu thương hay các nhà trí thức, giàu hay nghèo, đều giương cao cờ đỏ sao vàng, mặc áo đỏ in hỉnh Tổ quốc Việt Nam thân yêu cùng với những băng rôn bằng nhiều thứ tiếng phản đối hành động xấu xa của nhà cầm quyền Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải nhanh chóng rút giàn khoan về nước, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, "lời nói đi đôi với việc làm”, không làm những hành động tráo trở, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, những thỏa thuận giữa 2 nhà nước trước đây... Những hành động và phát biểu của bà con ta đã và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều điều kiện hơn người trong nước trong việc tiếp cận các cơ quan chính quyền, quốc hội, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế để vận động cho các chính sách có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.