Làng lụa Hà Đông

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 06:12 AM (GMT+7)
Bạn tôi lớn lên ở làng lụa Hà Đông, từ bé đã gắn bó với khung dệt và những sắc màu rực rỡ của lụa tơ tằm. Lớn lên, tuy học sư phạm nhưng lại thích làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch.
Bình luận 0
Hỏi sao lại làm trái nghề, bạn cười bảo đơn giản vì mỗi lần dẫn đoàn khách du lịch về thăm làng lụa quê mình bạn luôn cảm thấy vui và tự hào, vì đã đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của quê hương.

Khách của bạn chủ yếu là người nước ngoài và kiều bào đến thăm quan và chọn mua vải lụa. Để chuẩn bị cho những chuyến dẫn tour như thế, bao giờ bạn cũng mang theo băng nhạc có bài "Áo lụa Hà Đông” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa. Trong đó có những câu hát đủ làm lưu luyến lòng người: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”…

Làng lụa Hà Đông - hay còn gọi là Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 10km). Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước với những đường nét tinh tế, nhiều mẫu hoa văn đẹp nên được du khách khắp nơi ưa chuộng.
img
Du khách về với làng nghề Vạn Phúc hôm nay, tai nghe thấy tiếng dệt lụa rộn ràng, mắt chạm vào từng xấp vải nhiều màu sắc trong các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặt ngay ở đầu làng. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, chạm tay vào đã thấy mềm mại, nhẹ nhàng. Để tạo ra được các sản phẩm tơ lụa đặc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của người dân Vạn Phúc. Trong số đó có nhiều nghệ nhân đã dành cả cuộc đời mình để giữ lửa cho nghề tồn tại và phát triển qua bao nhiêu thăng trầm khiến làng lụa bao phen điêu đứng.

Các sản phẩm lụa Hà Đông chủ yếu được dệt từ tơ tằm. Nơi đây đã từng làm ra tới 70 thứ hàng the, lụa, gấm, vóc, sa, đũi, kỳ cầu... Nhiều du khách khi đến đây đã dành thời gian tìm hiểu quy trình kỹ thuật phức tạp để tạo ra những sản phẩm tơ lụa đầy tinh tế.

Nhìn những dải lụa dài phơi rực rỡ dưới ánh nắng vàng ít ai biết người làm nghề đã phải cần mẫn qua nhiều công đoạn như khâu tơ, khâu hồ sợi, khâu dệt, khâu nhuộm. Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những quy định khá nghiêm ngặt. Lụa Hà Đông được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia...

Chẳng thế mà bà con kiều bào khi về đây bao giờ cũng mua vài mảnh lụa làm quà. Có người mua vải may áo dài, lại có người mua khăn lụa quàng cho ấm áp những tháng ngày biền biệt xa quê hương xứ sở. Tôi cũng mua một mảnh vải làm quà cho một người bạn phương xa…
Tạp chí Quê hương (Theo Tạp chí Quê hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem