Lạng Sơn: Ông Kời rời nhà lên rừng "ở ẩn" trồng toàn cây thơm nức

Chang Liễu Thứ hai, ngày 26/08/2019 14:47 PM (GMT+7)
Là người tiên phong “bỏ nhà” lên rừng khai phá đất trồng rừng, đến nay ông Lăng Văn Kời (thôn Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) sở hữu hơn 20ha đồi rừng trồng nhiều loại cây như hồi, sở, keo, bạch đàn, mỡ, thông… cho ông thu nhập hơn nửa tỷ mỗi năm. Với sự cố gắng, nỗ lực đó, ông Kời vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Bình luận 0

Clip: Lão nông xứ Lạng  Lăng Văn Kời với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

“Bỏ nhà” lên rừng ở

Phóng viên Dân Việt đến thăm gia đình ông Kời trong một ngày mưa tầm tã giữa tháng 8 khi ông đang tất bật với công việc sửa máy phát cỏ đợi trời tạnh để lên rừng. Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông sinh năm 1957 này là giọng nói trầm vang, quyết đoán cùng những góc cạnh của sự từng trải và cương trực.

Sau chén nước, dăm ba câu làm quen, giới thiệu, chúng tôi được ông đưa đi thăm mô hình trồng rừng rộng bát ngát, mênh mông trên chiếc xe máy “đi rừng” chuyên dụng. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông rắn chắc, khỏe khoắn, nhanh nhẹn không kém mấy thanh niên trai tráng. Tiếp xúc với ông, chúng tôi rất ấn tượng bởi ngoài việc hiếu khách thì ông còn có điệu cười hào sảng và khuôn mặt rất thân thiện.

img

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Kời rắn chắc, khỏe khoắn, nhanh nhẹn không kém mấy thanh niên trai tráng.

Vượt qua hơn 3km đường đồi rừng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi khung cảnh thênh thang, xanh mướt của hồi, sở, thông...sau cơn mưa vừa ngớt. Chỉ tay về phía vạt rừng xanh mướt, ông Kời giới thiệu, nếu 35 năm trước nơi đây là đất cằn, cỏ dại thì giờ đây đã được phủ xanh bằng sắc xanh của hơn 1 vạn gốc hồi, 4ha keo, thông…Đây toàn là những cây có tinh dầu, nên có thời điểm cả cánh rừng nhà ông thơm nức mùi hoa hồi. Ngoài ra, diện tích đất còn lại của gia đình ông hiện cũng được phủ kín bằng màu xanh của các loại cây như: mỡ, bạch đàn, sở… sắp cho thu hoạch.

Dừng chân tại một ngôi nhà sàn được dùng làm lán cho người lao động ăn nghỉ, sinh hoạt, chúng tôi choáng ngợp bởi khung cảnh nên thơ nơi đây. Phía trước nhà sàn là vườn chè dưới tán hồi đang vươn những chồi xanh mơn mởn, còn phía tay phải là rừng thông thơ mộng. Tâm sự về cuộc đời mình, ông Kời kể: Ông sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) nên công việc tay chân, vườn tược luôn là điều gì đó bình dị đối với ông. Và lâu dần công việc làm vườn rừng trở thành niềm đam mê trong ông.

img

Từ trên ngọn đồi này của gia đình ông có thể ngắm được toàn cảnh khu rừng 20ha của gia đình.

Ông nhớ lại: Năm đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, chàng thanh niên Lăng Văn Kời trở về quê hương sau 3 năm đi lính. Năm 1981, ông về công tác tại UBND xã Hồng Thái, tuy nhiên thời đó điều kiện gia đình khó khăn nên ông đã quyết định nghỉ việc “về vườn” lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm sống và nung nấu ý tưởng làm kinh tế từ những vạt rừng của quê hương.

“Thời đó đời sống kinh tế gia đình tôi rất khó khăn nên vợ chồng tôi đã bàn bạc cùng các con quyết định vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội với số tiền là 30 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp được mạnh dạn đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế”, ông Kời nói.

Vừa dẫn chúng tôi vượt qua những quả đồi trồng đủ thứ của gia đình, ông vừa kể: “Ngày mới vào rừng, tôi “ăn nằm” ở đây 4 năm liền. Hồi đó đường rừng đi lại vất vả nên tôi đã làm 1 lán nhỏ ngay lưng chừng đồi để ngủ nghỉ tại đây. Sáng đi phát rừng, trưa về xuống khe gánh nước vất vả lắm chứ. Dù cực khổ, đồi dốc và bụi gai nhiều, cả khi mưa trút nước hay nắng cháy tôi cũng không nản," ông nói.

img

Hàng ngày ông "khăn gói quả mướp" lên rừng từ 6-7h sáng đến chiều muộn mới về.

Dưới cái nắng gắt sau cơn mưa rào, chúng tôi ngồi nghỉ lại trong chòi canh sau khi “đã chân” khám phá khu rừng. Lão nông dân chiêu đãi chúng tôi bằng những hoa trái trong vườn nhà cùng nhâm nhi với ấm trà xanh tán hồi sạch thơm ngay giữa lưng chừng đồi thơ mộng.

Việc đi lại quanh khu rừng cả những ngày nắng lẫn mùa mưa khiến da ông Kời đen nhánh, rắn chắc. Đều đặn mỗi ngày ông "khăn gói quả mướp" lên rừng từ 7h sáng đến 5h chiều phát bụi rậm chống cháy, phát quang cỏ, chăm sóc vườn cây.

Có chí thì nên, có gan làm giàu

Tháng 8, sau thu hoạch, rừng hồi đang dần thay lá để lộ ra những chồi búp non màu đỏ đậm. Nhiều cây được lột xác, thay tấm áo mới. Bên ngoài trời nắng như thiêu đốt nhưng bên dưới tán lá mát lạnh như có điều hòa nhiệt độ. “Khu rừng này là nơi cư trú của nhiều loài chim như sáo, chào mào, chích chòe… Đứng giữa rừng ta sẽ cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng của hương hồi. Hít một hơi thật sâu sẽ có cảm giác sảng khoái, thư thái từ thiên nhiên”, ông Kời cười đùa.

img

Vườn hồi nhà ông Kời sau khi thu hoạch xong đã lại bắt đầu có thêm những lứa hoa mới.

Ông cho biết: Tổng diện tích trồng rừng của ông hiện đã lên đến trên 20ha trong đó có 10ha hồi, 2ha thông, 2ha keo, còn lại ông trồng cây mỡ, bạch đàn và trồng sở… “Năm hồi sai nhiều, gia đình thường xuyên phải thuê công nhân trèo hái. Có thời điểm phải thuê 7 - 8 người thu hái trong 1 - 2 tháng mới xong”, ông nói.

Ngoài phát triển mô hình trồng rừng, ông Kời còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm như: lợn thịt, gà, dúi... và vườn cây ăn quả cạnh nhà. “Gia đình tôi nuôi thêm lợn nái gây giống để giảm chi phí mua lợn giống. Tận dụng bống rượu, ngô, khoai, sắn và các loại rau xanh ngoài vườn tăng gia được để làm thức ăn cho chăn nuôi. Tuy nhiên thời điểm gần đây, do dịch bệnh nên gia đình tôi hiện đã chuyển sang nuôi gà và dúi sinh sản”, ông Kời cho hay.

Về phần kinh doanh, hiện gia đình ông có mở một cửa hàng tạp hóa với giá trị mặt hàng là trên 300 triệu đồng. Có thời điểm, gia đình ông còn mạnh dạn đầu tư xe khách chạy tuyến Bắc – Nam, tuyến Bắc Sơn – Bắc Ninh tuy nhiên do muốn tập trung phát triển đồi rừng nên ông đã tạm dừng kinh doanh dịch vụ này.

img

Gia đình ông thường xuyên phải thuê công nhân phát quang, trồng cay và thu hái hồi hàng năm.

Trồng đủ thứ, chăm đủ con vất vả là thế, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, vào giá cả thị trường,... Tuy nhiên, gia đình ông mỗi năm cũng có thu nhập ít nhất từ 500 - 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Kời cho biết bản thân ông luôn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo ở xã, ở thôn để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, ông Kời bảo: "Hiện gia đình đang thu hoạch hồi, 2ha thông và 2ha cây keo cũng đang trong độ tuổi khai thác. Thời gian tới ông sẽ quy hoạch lại khu đất trồng thử nghiệm thêm cây mắc ca, cây thạch đen vừa tận dụng đất đai, vừa có thêm thu nhập."

Với thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi của mình trong nhiều lĩnh vực, ông Lăng Văn Kời ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn được Trung ương và địa phương khen thưởng. Vừa qua, ông Lăng Văn K ời là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được Hội đồng chung khảo bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem