dd/mm/yyyy

Làng thạc sĩ, đại học trên đất cù lao

4 tiến sĩ, 46 thạc sĩ và gần 400 học sinh đỗ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là những con số ấn tượng trên bảng vàng ghi danh tại một làng quê Việt nằm ven bờ sông Hậu, trên Cù lao Ông Chưởng hiền hòa.

Từ năm 2012 đến nay, gần tới ngày khai giảng, Hội Khuyến học (HKH) xã Nhơn Mỹ đều long trọng tổ chức lễ vinh danh, tuyên dương thạc sĩ, tiến sĩ và học sinh thi đỗ ĐH, CĐ. Cha mẹ tự hào đóng góp một phần thành tích vào truyền thống hiếu học của xã, được lưu tên vào bảng vàng. Lễ vinh danh là tâm huyết của ông Cao Phước Đông, nguyên Hiệu trưởng một trường tiểu học trong xã đã nghỉ hưu, làm Chủ tịch HKH xã Nhơn Mỹ từ năm 2009. Từ đó đến nay, ông Đông xây dựng được 23 “Dòng họ học tập”, gần 3.000 gia đình học tập ở xã.

Ở vùng quê ấp Mỹ Thuận, người dân không lạ gì tấm gương người mẹ trẻ đơn thân nuôi con học thạc sĩ. Đó là bà Phan Thị Kim Liên, chồng bị điện giật chết đúng ngày 2 đứa con gái nhận giấy báo trúng tuyển ĐH. Bà Liên vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và đi học. Bà chia sẻ: “Cú sốc quá lớn khiến tôi và các con khó vượt qua, nhưng bằng nghị lực và ý chí, tôi nuôi các con khôn lớn. Con gái Nguyễn Thị Hồng Nga, thạc sĩ ngành bảo vệ thực vật, 2 đứa tốt nghiệp cử nhân, con trai út đang là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ”.

Tìm về ấp Nhơn Lợi, tôi đến nhà ông Trần Văn Sĩ, giáo viên Trường THCS Phan Thành Long có 3 con đều là thạc sĩ. Con lớn Trần Nguyễn Khái Hưng tốt nghiệp thạc sĩ Toán Trường ĐH Cần Thơ, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh; Trần Nguyễn Hòa Hưng, BS CKI Bệnh viện Tim mạch An Giang; Trần Nguyễn Thu Thảo, tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế Trường ĐH Cần Thơ năm 2017. Cả 3 con dâu, rể cũng là thạc sĩ. Gia đình ông Sĩ trở thành tấm gương hiếu học ở địa phương. Ông Sĩ cho biết: “2 vợ chồng là giáo viên, đồng lương “3 cọc, 3 đồng”. Có lúc không có lương, ở tạm mái hiên đình, nhà xiêu vẹo, 2 vợ chồng vượt qua biết bao khó khăn để nuôi con ăn học. Thời bao cấp, tôi chỉ có duy nhất 1 bộ đồ mặc đi dạy, chiều về giặt, hôm sau mặc tiếp. Một buổi đi dạy, một buổi mò cua, bắt ốc, vợ bán xôi cải thiện cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ các con có ý chí ham học, vươn lên nên mới có được kết quả như hôm nay”.

Ghé Trường THCS Phan Thành Long, thầy Võ Tấn Tới, Hiệu trưởng vui mừng: “Trường rất vinh dự khi có được 1 giáo viên là thạc sĩ”. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nhựt, giáo viên của trường cho biết: “Là cựu học sinh của trường trở về đây dạy học, tôi muốn nâng cao kiến thức để vận dụng truyền đạt cho các em. Cha mẹ là nông dân, hồi nhỏ vất vả lắm tôi mới được đi học. Anh thứ 3 dù học rất giỏi, nhưng phải nghỉ học, đi làm kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Ra trường có việc làm, có điều kiện, tôi mới dám thực hiện ước mơ học cao học của mình”.

Có đi học, thành tài mới thoát nghèo, đó là tâm sự của em Lê Phước Trí (Trường ĐH Cần Thơ). Trí bày tỏ: “Nhà chỉ 2 công ruộng, nhưng có đến 5 nhân khẩu, cha mẹ làm thuê. 12 năm liền, em đều đạt loại giỏi. Thấy em đậu ĐH, cha mẹ vay ngân hàng 10 triệu đồng để em học tập. Em sẽ cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ”. Em Nguyễn Trọng Thanh (Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Nhà nghèo, mồ côi cha, mẹ vất vả cho em được đi học. Vào ĐH, cả gánh nặng oằn trên đôi vai của mẹ. May thay, em được nhận học bổng Doãn Tới 14 triệu đồng trong 4 năm học, tiếp sức giúp em hoàn thành ĐH, tìm được việc làm nuôi mẹ, nuôi thân. Sự giúp đỡ của xã hội giúp em thêm nghị lực, ước mơ trở thành thạc sĩ, góp phần rạng danh quê hương”.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng khẳng định: “Chợ Mới có 97 “Dòng họ học tập”, gần 36.000 “Gia đình hiếu học”, đứng nhất tỉnh. Các xã: Nhơn Mỹ, Long Giang, Tấn Mỹ có số lượng “Dòng họ học tập” cao. Nhơn Mỹ là xã đầu tiên thành lập “Dòng họ hiếu học” Lương Văn Cù và một Chi hội KH doanh nghiệp tư nhân dòng họ đầu tiên, 12 Chi hội KH tôn giáo. Nhờ sự quan tâm của dòng họ, số học sinh tốt nghiệp ĐH, CĐ và học thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm tăng dần.

Hạnh Châu