“Làng Việt Nam” trong lòng nước Pháp

Hạ Anh Thứ tư, ngày 07/05/2014 08:15 AM (GMT+7)
Ngay trong lòng nước Pháp, cách thành phố Bordeaux 100km, khu vực Sainte-Livrade-sur-Lot được biết đến như “làng Việt Nam”, nơi hiện còn lưu giữ những dư âm một thời về Điện Biên Phủ, về Việt Nam, về Đông Dương...
Bình luận 0
Sainte-Livrade-sur-Lot vốn là một trại tị nạn dành cho những người vợ góa gốc Việt và con của những người lính Pháp đã chết ở Đông Dương. Khu trại này từng là một nhà máy hóa chất trước đây, được tu sửa vào năm 1956 làm nơi cư trú cho 1.600 người tị nạn từ cuộc “phiêu lưu” của Pháp ở Đông Dương.

Tháng 4.1956, vùng Sainte-Livrade, một xã nông nghiệp của Pháp với số dân 3.500 người, đã tiếp nhận 1.160 kiều dân hồi hương từ Đông Dương, trong đó khoảng 2/3 là trẻ con (khoảng 740 trẻ). Phần đông họ là những cặp vợ chồng Pháp-Việt. Nhưng cũng có nhiều người là góa phụ, những người vợ bé của các binh sĩ Pháp.

Hai phụ nữ gốc Việt trong  Sainte-Livrade-sur-Lot.
Hai phụ nữ gốc Việt trong Sainte-Livrade-sur-Lot.

Thật ra Sainte-Livrade là một trong số các trung tâm tiếp nhận do nước Pháp dựng lên sau khi bại trận ở Điện Biên Phủ và sau khi ký kết Hiệp định Geneve. Sau một thời gian dài bị Chính phủ Pháp bỏ bê, khu trại này nằm trong kế hoạch bị phá bỏ và nhiều người trong số họ đã qua đời, một số ít hồi hương, về nhà, nay chỉ còn lại 120 gia đình còn lưu lại Sainte-Livrade-sur-Lot.

Tại Sainte-Livrade-sur-Lot chỉ có 2 cửa hàng tạp hóa, một ngôi chùa và một nhà thờ vẫn còn mở cửa. Cuộc sống của các thành viên 120 gia đình chỉ gói gọn trong Sainte-Livrade-sur-Lot, nhưng đầy ắp ký ức về chiến tranh Đông Dương và sự kiện Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Francine Gerlach, 60 tuổi, con gái một người lính Pháp nói về cuộc sống của cô và những người cùng cảnh ngộ trong Sainte-Livrade-sur-Lot: “Cuộc chiến tranh ở Đông Dương rất không được lòng dân, nên Chính phủ sau này cũng không muốn bỏ nhiều tiền của cho chúng tôi. Chúng tôi đã phải sống rất khổ sở, bị cấm nói tiếng Việt, phải ngủ trên giường trại quân đội và bị cấm sở hữu xe đạp, xe hơi…”.

Francine Gerlach được sinh ra đúng vào thời điểm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang gây chấn động trên toàn thế giới. Gia đình bà đến nước Pháp với những nhức nhối từ sự thất bại thảm khốc tại Điện Biên Phủ đang đè nặng lên tâm trí của người cha. Cùng với Francine Gerlach, hàng trăm trẻ em khác được sinh ra và lớn lên trong trại Sainte-Livrade-sur-Lot với những ký ức đau thương của cha mẹ mình.

Không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất, những người bị lãng quên đó còn phải đối mặt với những cái nhìn kỳ thị từ người bản xứ và sự ghẻ lạnh của Chính phủ Pháp. Ông Robert Leroy, 68 tuổi, một công nhân về hưu nhớ lại: “Chúng tôi bị đối đãi rất lạnh nhạt. Đi đến đâu cũng bị miệt thị”.

Sau nhiều năm khu trại Sainte-Livrade-sur-Lot đã xuống cấp cần phải phá hủy và thay vào đó bằng kế hoạch tái định cư. Tuy nhiên, điều này lại không mang đến niềm vui cho những người Pháp Đông Dương.

Với họ, dù đã rất cũ nát, nhưng đó là nơi lưu giữ toàn bộ ký ức của họ về chiến tranh Đông Dương và họ chính là những nhân chứng sống nhắc nhớ mãi về sự thất bại của nước Pháp ở trận địa Điện Biên Phủ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem