Lãnh đạo toàn cầu trong phản ứng chống dịch Covid-19, Trung Quốc tham vọng củng cố quyền lực mềm

03/04/2020 17:47 GMT+7
Bắc Kinh đang nỗ lực củng cố quyền lực mềm thông qua việc đi đầu trong phản ứng toàn cầu chống lại khủng hoảng đại dịch Covid-19, tờ CNBC mới đây phân tích.
Lãnh đạo toàn cầu trong phản ứng chống dịch Covid-19, Trung Quốc tham vọng củng cố quyền lực mềm - Ảnh 1.

Khi Mỹ loay hoay kiểm soát dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Trung Quốc đảm nhiệm vị thế lãnh đạo toàn cầu trong phản ứng với dịch bệnh

Trong những tuần gần đây, khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh còn Trung Quốc thì thành công kiểm soát dịch bệnh, Chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch bùng phát.

Đây là cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên mà Trung Quốc hoạt động tích cực trên vai trò lãnh đạo toàn cầu, trong bối cảnh các chính khách Mỹ không ngừng chỉ trích Trung Quốc vì nguồn gốc của dịch bệnh. Trên các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh không ngừng đưa tin về những lô hàng viện trợ vật tư y tế đến các quốc gia Châu Âu và Châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trung Quốc cũng không ngừng tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa những chuyên gia y tế, nhà khoa học nước này với các đồng nghiệp trên thế giới trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp khống chế virus corona, từ vaccine đến thuốc điều trị. 

Trên cả các trang mạng xã hội như Twitter, những chính khách Bắc Kinh không ngừng ca ngợi sự thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên phạm vi cả nước, dù nhiều nguồn tin tỏ ra nghi ngờ vì tính chính xác của những số liệu ca nhiễm mà Bắc Kinh công bố. Thậm chí, đã có những thời điểm, chính quyền ông Tập Cận Bình bị chỉ trích nặng nề vì hành động chậm trễ khiến virus lan nhanh trong cộng đồng.

Keyu Jin, phó giáo sư kinh tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London LSE nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội thế kỷ để Trung Quốc xây dựng niềm tin với thế giới, xây dựng lại hình ảnh quốc tế với toàn cầu - điều luôn được đánh giá là khó khăn với một quốc gia đang trỗi dậy”. Bà Keyu Jin nói thêm, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là cơ hội “trăm năm có một” cho Trung Quốc củng cố vị thế cường quốc toàn cầu. 

Theo các cố vấn của Eurasia Group, Bắc Kinh khó mà thực hiện tham vọng đó một cách dễ dàng. Chẳng hạn như, hàng loạt quốc gia Châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng nghi ngờ chất lượng các lô hàng khẩu trang và kit xét nghiệm nhanh Covid-19 từ các công ty Trung Quốc. Nhưng trong chính Trung Quốc đại lục, sự lãnh đạo của quốc gia này trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của thế giới đã giúp Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn thành hai mục tiêu chính trị quan trọng. Một là dập tắt những chỉ trích trong nước về vai trò của chính phủ trong việc chậm trễ cảnh báo dịch bệnh cũng như các biện pháp tích cực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, khiến số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên tới 82.000 người. Hai là khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và tình yêu nước, khi nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với một năm ảm đạm, tăng trưởng GDP được dự đoán giảm xuống 2,3% trong năm 2020 từ mức 6,1% năm 2019.

“Nhưng những nỗ lực như vậy cũng phản ánh sự bất an của Trung Quốc”, theo hai nhà nghiên cứu Ryan Hass và Kevin Dong tại Viện Nghiên cứu Brookings. “Họ hành động như thể nhắc nhở lại những phản ứng chậm trễ ban đầu đã gây ra sự bùng phát dịch virus ở Vũ Hán ra sao… Các nhà tuyên truyền Trung Quốc đang cố gắng viết lại câu chuyện về dịch bệnh Covid-19 để đưa giới lãnh đạo nước này vào một vị trí thuận lợi hơn”. 

Trong bối cảnh ấy, các chính khách Mỹ đã không ngừng nhấn mạnh nguồn gốc dịch Covid-19 suốt một thời gian. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí nhiều lần gọi virus corona là virus từ Trung Quốc, một động thái khiến Bắc Kinh không mấy hài lòng. Cuộc chiến ngôn luận giữa hai cường quốc xoay quanh dịch Covid-19 cũng là sự cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh vị thế lãnh đạo toàn cầu đã gây ra căng thẳng từ lâu giữa hai nền kinh tế.

Nhưng không phải người Trung Quốc nào cũng hài lòng với vị thế lãnh đạo toàn cầu chống dịch Covid-19 của Bắc Kinh. Những khoản viện trợ hào phóng được tung ra cho quốc tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh làm căng thẳng thêm sự bất bình đẳng thu nhập tại chính Trung Quốc. Và các nước nhận viện trợ y tế như EU từ lâu đã cảnh giác với những nỗ lực xây dựng mối quan hệ và các chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại các nền kinh tế nhỏ trong khối đồng tiền chung Châu Âu hoặc các nước đang xem xét tư cách thành viên Liên minh Châu Âu như Hungary và Serbia...

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell nhận định: “Trung Quốc trong thời gian qua đã ráo riết đẩy mạnh thông điệp rằng không giống như Mỹ, họ là một đối tác trách nhiệm và đáng tin cậy. Chúng ta phải nhận thức được rằng có yếu tố địa chính trị trong cuộc đấu tranh tranh giành ảnh hưởng quốc tế bằng những khoản viện trợ hào phóng”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục