dd/mm/yyyy

Lào Cai: Nuôi loài cá được mệnh danh "cá tiến vua", một nữ nông dân thu lãi hàng tỷ đồng

Sau gần 20 năm đầu tư và phát triển, từ chỗ chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, đến nay bà Hoàng Thị Chắp, xã Cốc San (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã sở hữu trang trại rộng lớn nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống. Từ 2015 - 2019, tổng thu nhập qua các năm bình quân đạt 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm.

Trò chuyện cùng PV Báo Trangtraiviet, bà Chắp cho biết, trong những năm trước đây cuộc sống kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bản thân bà và gia đình luôn trăn trở suy nghĩ đi đâu, làm gì để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo đó, năm 1999, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, vợ chồng bà Chắp đã bàn bạc và thống nhất với quyết tâm phấn đấu vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương.

Lào Cai: Nuôi loài cá được mệnh danh "cá tiến vua", một nữ nông dân thu lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 1.

Từ 2015 - 2019, tổng thu nhập qua các năm từ trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình bà Chắp đạt 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm.

Bước đầu, bằng nguồn vốn tự có và điều kiện gia đình với 2,5 ha mặt nước, bà Chắp đã quyết định xây dựng trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản, cung cấp cá thịt và sản xuất cá giống các loại. Sau khi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trực tiếp ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, đồng thời cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó đã giúp bà Chắp trong việc lựa chọn giống cá, không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương mà còn phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ban đầu, bà Chắp nuôi thử nghiệm nhiều loại cá như: cá mè, trắm cỏ, chép, trôi, rô phi...Nhưng do kinh nghiệm còn hạn chế nên hiệu qua kinh tế mang lại không cao.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi bà Chắp đã nâng cao được kinh nghiệm, thuần thục trong việc sản xuất cá giống, đặc biệt là khi nghiên cứu về loại cá bỗng - là loại cá có sức kháng bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định nên bà Chắp quyết định đầu tư nuôi cá bỗng thương phẩm.

Được biết, cá bỗng là một trong những loài cá quý hiếm ở miền núi phía Bắc và được mệnh danh là "cá tiến vua" có thể thọ trên 50 năm.

Lào Cai: Nuôi loài cá được mệnh danh "cá tiến vua", một nữ nông dân thu lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Chắp (xã Cốc San, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) chia sẻ một số kinh nghiệm trong mô hình thâm canh nuôi cá thương phẩm và sản xuất cá giống tại Hội nghị Tổng kết Phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2020.

Bà Chắp cho hay, đối với cá bỗng là loài cá ăn tạp nên chi phí thức ăn nuôi thương phẩm khá thấp. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn tự chế với hàm lượng đạm từ 30 - 35%. Mật độ nuôi trong ao có thể 60 - 70 con/m3 và giảm dần theo từng giai đoạn phát triển của cá, mật độ nuôi ao từ 5 - 7 con/m2 là tốt nhất.

Để tận dụng diện tích mặt nước, bà Chắp nuôi ghép cá bỗng với một số loài cá khác trong ao như cá trắm đen, cá chép lai, rô phi đơn tính. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, nuôi 1 năm có đạt trọng lượng trung bình từ 1,2 - 1,5kg/con, sau 2 năm cá đạt trọng lượng 2,2 - 2,5kg/con.

"Cá bỗng giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa thích" - bà Chắp chia sẻ.

Hiện nay giá bán cá bỗng trên thị trường từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Thị trường chủ yếu trang trại của bà Chắp cung cấp là các nhà hàng đặc sản ở Lào Cai và các tỉnh lân cận như Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang.

Bà Chắp tiết lộ, riêng thu nhập từ nuôi cá bỗng sau khi đã trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình bà cũng đang nghiên cứu, học hỏi cách ươm giống để cung cấp ra thị trường.

Lào Cai: Nuôi loài cá được mệnh danh "cá tiến vua", một nữ nông dân thu lãi hàng tỷ đồng - Ảnh 3.

Hàng năm, gia đình bà Chắp còn giúp đỡ những hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: VOV.

Với những nỗ lực, quyết tâm, năng động của bản thân và gia đình, sau gần 20 năm đầu tư và phát triển từ chỗ nuôi trồng nhỏ lẻ, đến nay bà Chắp đã sở hữu một trang trại rộng lớn cho lãi thuần khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt, từ 2015 - 2019, tổng thu nhập qua các năm từ trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình bà Chắp đạt 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm (trung bình 7,5 triệu đồng/khẩu/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động tại địa phương, 40 - 50 lao động theo mùa vụ với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

"Hàng năm, gia đình tôi còn giúp đỡ những hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo" - bà Chắp chia sẻ với PV Báo Trangtraiviet.

Hiện nay, gia đình bà Chắp đã liên kết với 3 hộ trong xã nuôi, sản xuất cá giống cung ứng hầu hết cho các hộ trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Với những kết quả và thành công đã đạt được, gia đình bà Chắp đã đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương, được tặng nhiều giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai. Năm 2015, bà Chắp đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc của cả nước.

Minh Ngọc