Lao động 4 tỉnh miền Trung “rộng cửa” đi nước ngoài làm việc

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 05/08/2017 06:25 AM (GMT+7)
Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của nhiều người dân. Bộ LĐTBXH vẫn tiếp tục hỗ trợ, chuyển đổi việc làm qua kênh xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho lao động chịu ảnh hưởng sự cố này. Chương trình sẽ còn được kéo dài tới hết ngày 31.12.2018.
Bình luận 0

Gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung đã đi xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, từ ngày 1.6.2016 đến ngày 31.5.2017 đã có gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016) đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó nhiều nhất là thị trường Đài Loan với 10.255 lao động, sau đó là thị trường Nhật Bản với 4.498 lao động. Người lao động đi làm việc tại các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và tập trung ở các ngành nghề: Thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình.

img

Lao động Việt Nam đến sân bay Incheon, Hàn Quốc.  Ảnh: NHẬT ANH

Thống kê của Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã đưa được 68.949 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 65,66% kế hoạch năm 2017. 3 thị trường  thu hút nhiều lao động là: Đài Loan với 33.865 lao động, Nhật Bản: 27.743 lao động, Hàn Quốc: 3.195 lao động.

Ông Tống Hải Nam – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Hiện có 60 lao động thuộc 4 tỉnh trúng tuyển, trong đó có 57 lao động đã đi học theo Chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản thông qua Tổ chức IM. Đối với chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 5 (tổ chức thi tuyển vào tháng 11.2016), các ứng viên có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh trên được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển, tổng số đã có 81 lao động nộp hồ sơ xét tuyển và có 51 lao động trúng tuyển” – ông Nam thông tin thêm.

Ông Nam cũng cho biết thêm, Bộ LĐTBXH cũng đã làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp năm 2016 lên 1.800 lao động. Việt Nam cũng đề nghị phía bạn không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường dù các huyện vẫn đang có tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.

Năm 2016, Việt Nam đã tuyển chọn được 1.957 lao động của 22 huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có 266 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2017, Bộ làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong ngành ngư nghiệp theo Chương trình EPS với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường. Tính đến 31.5.2017, số lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc tại 4 tỉnh là 1.122 lao động.

Tiếp tục duy trì giải pháp hỗ trợ đồng bộ

Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ học nghề, đi XKLĐ, Bộ LĐTBXH còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm cho 4 tỉnh, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH tại 4 tỉnh tăng cường tần suất các phiên giao dịch việc làm. Cũng trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã ban hành Công văn 2687/LĐTBXH-VL hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị thiệt hại do sự cố môi trường biển thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Ông Diệp cho biết, công văn trên hướng tới đối tượng là người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển có đủ các điều kiện sẽ được hỗ trợ. Cụ thể là người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hợp đồng cá nhân với chủ sử dụng lao động trong thời gian từ đầu năm 2017 đến ngày 31.12.2018.

Những lao động có nhu cầu đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ các chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí khám sức khoẻ cho người lao động. Ngoài ra, lao động còn được hỗ trợ thêm các chi phí trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trước đó, theo ước tính sơ bộ của Bộ LĐTBXH có khoảng 263.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa gây ra. Trong đó, 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem