Lao động di cư: Giảm nghèo theo hộ gia đình

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 16/12/2015 06:43 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến của ông Đỗ Mạnh Hùng  - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN về giải pháp giúp giảm nghèo đa chiều trong nhóm lao động di cư.
Bình luận 0

img

Một buổi hỗ trợ thông tin cho lao động di cư (chụp tại phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt

Ông Hùng cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, với việc công bố chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam sẽ tăng cao, khoảng 12%, cao hơn so với trước đó là 4,5% (nghèo đơn chiều). Số hộ nghèo phát sinh mới chủ yếu nằm ở nhóm cận nghèo, hoặc nhóm dân cư chưa tiếp cận được với dịch vụ an sinh xã hội cơ bản hiện nay. Một bộ phận lớn trong nhóm này chính là người nghèo trong nhóm dân di cư tự do, nghèo đô thị.

Nghiên cứu mới đây của Oxfam cho thấy đa phần dân di cư tự do là hộ nghèo đa chiều. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này? 

- Việc Chính phủ chuyển đổi hướng tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều thể hiện một nỗ lực lớn của chúng ta trong hoạt động giảm nghèo. Tuy nhiên, sẽ có một bộ phận lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư vùng ven biển, hải đảo và đặc biệt là nhóm lao động di cư rơi vào nhóm nghèo đa chiều.

Nguyên nhân bởi đa phần trong số họ đều có những thiếu hụt về các dịch vụ cơ bản. Nhiều nhất phải kể tới các dịch vụ an sinh thiết yếu như: Bảo hiểm, y tế, giáo dục, nhà ở… Một bộ phận nhỏ được tiếp cận, nhưng chất lượng dịch vụ kém, chưa đảm bảo.

Nguyên nhân sâu xa là do các chính sách giảm nghèo của chúng ta thời gian qua còn trùng lặp, chồng chéo. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có những chính sách cụ thể hướng tới đối tượng này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo trong nhóm lao động di cư là do chúng ta chưa có những chính sách cụ thể dành riêng cho họ. Ông nghĩ sao?

- Di cư là xu hướng tất yếu trong bất kỳ xã hội nào. Luật cư trú của chúng ta cũng đã quy định về vấn đề tự do cư trú. Tự do cư trú cũng bao hàm ý nghĩa là tự do lựa chọn nơi cư trú của mình.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa di cư tự do và tự do di cư. Tự do di cư là một quyền, nhưng lao động phải đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Còn di cư tự do là hiện tượng lao động di cư tự phát theo nhu cầu riêng, không đảm bảo những quy định của pháp luật.

Đúng là trong thời gian qua, chúng ta chưa có thiết kế chính sách, tính tới nhu cầu của lao động di cư, bao gồm cả chính sách giảm nghèo cho đối tượng lao động này.

Qua thực tế giám sát, ông có tiếp cận với mô hình hỗ trợ giảm nghèo dành cho lao động di cư nào không? 

- Thực tế qua quá trình giám sát chúng tôi đã phát hiện nhiều mô hình tốt giúp dân di cư tự do thuộc đối tượng hộ nghèo được hưởng thụ chính sách ở nơi đến.

Cụ thể như ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho dân di cư tới tạm trú. Chính quyền thường đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đời sống từng cá nhân, từng hộ gia đình di cư. Đồng thời họ cũng thường xuyên thông tin, trao đổi rất chặt chẽ với địa phương quản lý hộ khẩu của người lao động di cư để phối hợp thực hiện chính sách. Nhờ vậy mà tránh được tình trạng cùng một người dân mà hưởng chính sách ở cả hai nơi. 

Theo ông, thời gian tới chúng ta cần làm gì để hoàn thiện chính sách giảm nghèo đa chiều, hỗ trợ tích cực hoạt động giảm nghèo trong nhóm lao động di cư?

- Theo tôi, trước hết cần tuyên truyền để người dân di cư đúng pháp luật (đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú), hạn chế di cư tự do. Thứ hai cũng cần bổ sung các chính sách có liên quan, cả quản lý hộ khẩu, hộ tịch, các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giáo dục, y tế... để chúng ta đảm bảo quyền của công dân, trong điều kiện công dân đó di cư tới nơi ở mới.

Một trong các giải pháp phù hợp, theo tôi là thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo theo hộ gia đình. Bởi vì mỗi hộ có nguyên nhân nghèo khác nhau. Nếu hộ nghèo chỉ có người già và trẻ em, chúng ta phải chuyển sang khung hỗ trợ an sinh; còn nếu nghèo do thiếu vốn thì cần có những giải pháp về tín dụng, dạy nghề để họ có công cụ thoát nghèo. Người lao động di cư thiếu hụt chiều an sinh nào ta có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo ở chiều an sinh đó.

Xin cảm ơn ông!

 Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, chính sách giảm nghèo cần có những thay đổi cụ thể: Thứ nhất, phải hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký đúng thủ tục di cư cần thiết mà Nhà nước quy định. Tạo điều kiện để người dân có đủ điều kiện pháp lý để cư trú, làm ăn, ổn định cuộc sống. Thứ hai,  phải đơn giản hóa các thủ tục để lao động di cư có điều kiện thuận lợi khi di cư, thay đổi nơi cư trú. Thứ ba, cần thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương chủ động trong thực hiện xử lý các vấn đề người di cư và giảm nghèo. 

  Kể cả các hộ gia đình khá giả, hoặc dân di cư có mức sống trung bình nhưng thiếu hụt từ một đến hai dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế... thì vẫn được tính là hộ nghèo đơn chiều.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

  Hiện tại, lao động di cư thuộc diện hộ nghèo chưa được hưởng thụ các chính sách ở nơi đến (nơi di cư tới), bởi luật pháp chưa có quy định cụ thể nào về trường hợp này. Cũng có một số tổ chức phi chính phủ kiến nghị cần có thay đổi về mặt chính sách để lao động di cư được tiếp cận với những chính sách giảm nghèo, tuy nhiên đây vẫn là một câu chuyện dài, không dễ thực hiện.

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH)

  Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, sẽ có một tỷ lệ lớn người lao động di cư thuộc hộ nghèo. Đánh giá thí điểm sử dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều của Oxfam, những hộ di cư tạm trú, bao gồm cả những người di cư có tạm trú từ 6 tháng trở lên, có tỷ lệ nghèo đa chiều gấp 3 lần so với hộ thường trú.

Bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc cấp cao Chương trình quản trị nhà nước của Oxfam

Tạ Nguyệt (ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem