Quyền lợi sát sườn của công nhân
Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho biết, năm 2019 có 4 thay đổi về tiền lương và BHXH mà người lao động (NLĐ) nên quan tâm. Đó là từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu vùng mới chính thức có hiệu lực. Cũng thời điểm này, doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức tăng và cũng tăng cả mức lương tính đóng BHXH bắt buộc.
“Nhiều NLĐ, thậm chí là chủ sử dụng lao động khi áp dụng các chính sách mới về tiền lương và BHXH, nếu không nghiên cứu, không hiểu thì sẽ không biết cách tính, tính sai dẫn đến thiệt thòi. Điều này gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa doanh nghiệp và NLĐ” – ông Hữu nói.
Công nhân đặt câu hỏi về chế độ lương, thưởng. (Ảnh: Minh Nguyệt)
Bà Nguyễn Thị Thủy – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực truyền thông nhưng việc hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định về chính sách tiền lương và BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với người lao động vẫn còn hạn chế. Nhất là việc thực hiện chính sách tiền lương và BHXH trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Theo ông Hữu, tiền lương và BHXH là những chế độ chính sách liên quan thiết thân nhất đến NLĐ, là mối quan tâm hàng đầu của mọi NLĐ.
Mặc dù Chính phủ, các cấp ngành, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp quan tâm cải thiện, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NLĐ, trong đó có chính sách tiền lương, BHXH nhưng cũng phải nhìn nhận, trên thực tế, việc thực hiện những chính sách này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chính sách tiền lương, BHXH như: Nợ đọng, trốn đóng BHXH, xây dựng thang bảng lương, áp dụng định mức tiền lương chưa đúng quy định của pháp luật.
Nhiều quan tâm, thắc mắc đến lương thưởng
Tham gia buổi tư vấn pháp luật về tiền lương, chị Nguyễn Thị Bích Hòa (Công ty Hữu hạn kỹ thuật Chin Lansing Rubber Hà Tây) đặt câu hỏi: “Công ty tôi khi ký hợp đồng lao động với NLĐ, trên hợp đồng lao động có ghi mức lương chính và các khoản phụ cấp lương. Vậy khi tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ thì tính theo mức lương chính hay tính theo tổng thu nhập?”.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ diễn ra giao lưu, rất nhiều câu hỏi của lao động liên quan vướng mắc liên quan đến vấn đề chính sách tiền lương và BHXH. Như vậy, chứng tỏ đây là vấn đề thiết thực của NLĐ”.
Ông Nguyễn Chính Hữu
|
Về điều này, ông Nguyễn Bá Lược – chuyên gia BHXH cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương để tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ là tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả theo công việc đang làm của tháng mà NLĐ làm thêm giờ.
Theo Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 thông tư này, tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động, bao gồm mức lương theo công việc, cộng với phụ cấp lương (nếu có). Từ đó, có thể hiểu rằng, tiền lương làm thêm giờ mà doanh nghiệp trả cho chị Hòa phải là tiền lương (mức lương chính + phụ cấp) đã ghi trong hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Tiến Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Công ty Bảo Minh Châu thắc mắc: “Trước đây tôi đã tham gia đóng BHXH tại một công ty sau đó nghỉ việc nhưng không được công ty chốt sổ BHXH, nay muốn tiếp tục tham gia BHXH hội thì tôi có được ở sổ BHXH cũ không?”.
Chuyên gia BHXH cho biết: “Cơ quan BHXH đang điều chỉnh việc cấp mã số cho người tham gia và chỉ cấp một mã số BHXH duy nhất. Nếu tiếp tục tham gia BHXH, ông vẫn tiếp tục dùng sổ đó và mã số đó. Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông nên yêu cầu công ty cũ đề nghị cơ quan BHXH chốt sổ và trả sổ BHXH”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.