Lao động Việt Nam ở Libya: Hãi hùng vượt sa mạc di tản

Thứ tư, ngày 02/03/2011 11:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vùng biên giới giữa hai nước là sa mạc Sahara mênh mông. "Cát bay mù mịt, chúng tôi gần như bị mất tầm nhìn,... những hạt cát quất thẳng vào mặt đau rát, ứa máu" - anh Trung cho biết.
Bình luận 0

Buổi chiều khủng khiếp

Xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) có hàng ngàn lao động đi làm việc ở Libya. Với lao động Nguyễn Hữu Tiến, buổi chiều 18.2 sẽ "ám ảnh suốt quãng đời còn lại" với tiếng súng, tiếng quát tháo, tiếng la hét của hàng trăm, hàng ngàn con người...

img
Lao động Nguyễn Hữu Tiến (trái) kể về hành trình thoát khỏi Libya của mình.

"Tôi làm phụ bếp ở Công ty Ozaltin (chuyên làm cầu đường) nằm ở thị trấn Dernah yên bình, cách thủ đô Tropoli gần 200km. Chiều 18.2 xuất hiện 4 tên bịt mặt, cầm súng trường, đầu chít khăn, mặc những bộ quần áo "sặc mùi" khủng bố. Chúng bắn chỉ thiên, dọa nạt và sau đó chạy vào cướp ô tô cũng như máy tính cá nhân và tiền bạc của chúng tôi.

19 giờ ngày 27.2, anh Tiến, anh Trung... là những người đầu tiên về tới VN. Giây phút gặp lại vợ con, anh Tiến bật khóc. Đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc khi mọi đau khổ đều đã nằm lại phía sau.

Mọi người sợ quá, chạy tán loạn. Sau đó, nhận được lệnh qua loa của giám đốc, chúng tôi lập tức tập trung về khu nhà dành cho công nhân ở. Lúc đó có hơn 100 người VN ở đấy. Ai cũng trong tâm trạng vô cùng lo sợ" - anh Tiến tâm sự. Lúc đó, tiếng súng bắn chỉ thiên vẫn liên tục vang lên.

Quân nổi loạn mỗi lúc một hung hăng, chúng cướp hết những gì anh em có. “Chỉ cần mình manh động một chút, những khẩu súng sẽ hướng về phía chúng tôi. Và lúc đó, không thể tưởng tượng ra được mức độ thương vong"- anh Nguyễn Thành Trung, công nhân điện cùng công ty với anh Tiến và là người đã "hành quân" cùng anh Tiến trong những ngày ở xứ người, cho biết.

Anh Trung kể lại, sau khi quân nổi loạn đã cướp bóc, phá hoại chán, chúng lên các xe ôtô của công ty đi mất. Lúc đó đã là 20 giờ 30. Hầu như toàn bộ khu nhà đã bị đốt trụi, đồ đạc, tư trang của nhiều công nhân cũng mất hết.

Sáng ngày hôm sau (19.2), mọi người "hành quân" ra cảng biển cách đó tầm 50km. Nhưng ra đến nơi, chỉ thấy những con tàu bị đốt cháy cùng những đám đông người lao động, khách du lịch… đang trong trạng thái vô cùng hoảng loạn.

"Tiếp theo đó là những ngày ở trong nhà thờ luôn được đóng kín cửa. Mỗi lao động, mỗi ngày được phát một mẩu bánh mỳ và một chút nước để uống. Kinh khủng nhất là việc không được tắm rửa. Một số anh em đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết" - anh Tiến nhớ lại.

Phải đến hết ngày 25.2, khi những "trinh sát nghiệp dư" người Libya báo về là tình hình ở ngoài đã có phần yên ổn, mọi người mới rời khỏi nhà thờ để tìm đến sân bay Tripoli.

Khổ đau trong bão cát

Đoàn xe rồng rắn chạy đến sân bay Tripoli, nhưng sân bay đã đóng cửa và ngưng mọi hoạt động. Chủ công ty quyết định cho đoàn xe đến cửa khẩu Libya - Ai Cập. Nhưng đến đây, Cảnh sát cửa khẩu Ai Cập không cho qua vì trong số các lao động VN, có đến 70 người không có hộ chiếu (do bị rơi hoặc bị cháy) nên họ phải chờ hai ngày.

Vùng biên giới giữa hai nước là sa mạc Sahara mênh mông. Hai ngày chờ đợi đó cũng là hai ngày nổi lên những trận bão cát lớn và liên tục. "Cát bay mù mịt, chúng tôi gần như bị mất tầm nhìn. Ai cũng bị cát bám đầy khắp cơ thể. Chưa kể đến những hạt cát quất thẳng vào mặt đau rát, ứa máu" - anh Trung cho biết.

Màn đêm ở sa mạc xuống rất nhanh và mang theo cái lạnh khủng khiếp. Anh em lao động ai cũng kiệt sức. Trong khi thực phẩm mang theo đã cạn kiệt. Có người vì sức yếu, liên tục 3 - 4 ngày không được ăn nên ngất lịm đi.

May mắn tới ngày 26. 2, mọi thủ tục xong xuôi, Đại sứ quán VN và chủ lao động đã đưa toàn bộ người về sân bay Ai Cập để bay về Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem