Lao động xuất khẩu mong thoát khỏi Libya

Thứ sáu, ngày 25/02/2011 11:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những chiếc ti vi được bật thường xuyên để nghe thông tin tình hình chiến sự Libya. Những cuộc điện thoại liên tục được gọi sang Libya trong sự hoang mang tột cùng của người thân…
Bình luận 0

Đó là tâm trạng chung của thân nhân gần 10.000 gia đình đang có người nhà làm việc tại Libya. Thôn 6 (xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội), nơi có hàng chục lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Libya đang chìm trong lo lắng.

Chìm trong lo lắng

img

Bạo động tại Libya khiến lao động Việt Nam gặp khó khăn.

Theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Loan, có chồng là anh Vương Đình Đô vừa đi XKLĐ sang Libya 8 tháng nay. Chị Loan cho biết, trước đây anh chị vẫn liên lạc thường xuyên qua điện thoại.

Nhưng mấy ngày gần đây không thấy anh gọi điện. Chị Loan gọi điện cho chồng cũng không thấy tín hiệu trả lời. Cho đến 3 giờ sáng ngày 24.2, chị Loan mới nhận được điện thoại của chồng. Qua điện thoại, anh Đô cho biết tình hình ở Libya đang rất căng thẳng.

Nhà máy anh làm việc cũng đã phải đóng cửa. Anh em lao động phải ở trong những căn phòng trọ chật hẹp để tránh đám đông biểu tình có thể hành hung bất cứ lúc nào. Những ngày qua, lao động VN liên tục đề nghị lên công ty XKLĐ trả hộ chiếu để họ có thể về nước. Và đến chiều ngày 22.2, hộ chiếu mới được trả lại cho lao động.

Chị Nguyễn Thị Tỵ, có chồng là anh Nguyễn Khắc Long, đi XKLĐ sang Libya từ tháng 10.2009 tâm sự: "Mấy ngày nay, 3 mẹ con tôi liên tục gọi điện nhưng chỉ một lần được nói chuyện với anh ấy. Qua giọng nói, tôi cảm nhận anh ấy đang rất mệt. Anh cho biết, trong mấy ngày qua, mỗi ngày người lao động chỉ được phát một bát cơm ăn cầm hơi".

Điều chị Tỵ lo ngại nhất là nghe anh Long nói, chủ lao động bây giờ gần như bỏ mặc công nhân. Lương thực, nước uống bây giờ quý hơn vàng. Bao nhiêu tiền bạc và đồ dùng cá nhân đều bị người dân xung quanh lợi dụng tình hình mất an ninh xông vào cướp sạch. Rất may là đến bây giờ vẫn chưa có ai bị hành hung.

"Gia đình muốn gửi tiền sang để anh ấy có thể chi tiêu cũng như mua vé tàu, vé máy bay về nước nhưng cũng bất lực vì không có cách nào gửi được. Cả gia đình hoang mang, lo sợ”- chị Tỵ nói.

Bà Nguyễn Thị Diên - mẹ anh Vương Đình Đô cho biết, mấy ngày nay không đêm nào bà chợp mắt nổi. Sáng nay, trong cuộc gọi ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn, anh Đô cho biết, hiện tại anh và các lao động VN khác không ai còn tiền. Trong kế hoạch, mọi người sẽ tìm cách để ra bến tàu, trình bày hoàn cảnh để được đi nhờ sang các nước láng giềng rồi tìm đến Đại sứ quán VN ở nước đó xin hỗ trợ để về nước.

Lực bất tòng tâm

img
Người thân anh Vương Đình Đô lo lắng chờ đợi anh trở về.

Sau rất nhiều lần liên lạc qua số điện thoại mà gia đình cung cấp, chúng tôi mới nói chuyện được với anh Vương Đình Đô. Anh Đô cho biết, anh đi XKLĐ qua Công ty Vinamex, với số tiền đóng tổng cộng là 1.700USD. Lương vẫn nhận đầy đủ cho đến hết tháng 1.2011, mỗi tháng anh gửi về cho vợ 400USD.

Hiện tại anh Đô đang ở ngoại ô TP. Tripoli (thủ đô Libya). Hiện anh và hàng trăm lao động VN đã tập trung lại một nơi an toàn ở thành phố này để có thể nương tựa lẫn nhau. Nhưng tình hình ở thành phố này đang vô cùng phức tạp.

Sáng nay, gần 200 lao động về tới Sân bay Nội Bài

Ngày 24.2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, người lao động nước ta tại Libya vẫn an toàn. Sứ quán VN tại Libya đã làm việc với các cơ quan chức năng nước sở tại và lãnh đạo các công ty sử dụng lao động VN, đề nghị họ có biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động. Theo dự kiến, 4 giờ sáng nay 25.2, gần 200 lao động VN ở Libya sẽ về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tính đến chiều qua, đã có 2.000 lao động VN ở Libya rời khỏi đất nước này.

Nguyễn Hải

Theo anh Đô, vì ăn uống quá thiếu thốn nên sức khoẻ mọi người đang rất xấu, nhưng điều lo lắng nhất vẫn là làm cách nào để về nước.

Theo kế hoạch, ngày 24.2, lao động sẽ ra bến tàu để sang các nước láng giềng của Libya như Hy Lạp, Ai Cập. Nhưng cho đến 3 giờ chiều ngày 24.2, kế hoạch vẫn đang giẫm chân tại chỗ vì chưa có phương tiện để di chuyển, bởi bến tàu cách đó hơn 400km.

"Chúng tôi chỉ mong thoát khỏi Libya càng sớm càng tốt, nhưng lực bất tòng tâm. Ở lại thì quá nguy hiểm đến tính mạng. Nếu mãi mà vẫn không xoay được phương tiện chắc chúng tôi phải đi bộ quãng đường hơn 400km để ra bến tàu. Vì bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi không biết nhiều thông tin về tình hình biểu tình ở bên này. Cách duy nhất là gọi điện về VN để hỏi gia đình…" - anh Đô tâm sự.

Nhận định về tình hình lao động VN ở Libya, ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước chia sẻ:

"Khả năng ở lại làm việc tiếp thì không thể được nữa vì bạo động leo thang, chủ đầu tư và các nhà thầu đều rút đi hết. Họ rút thì rút cả lao động. Các nhà đầu tư ở đây đều có quốc tịch Pháp, Anh, Nhật Bản… cũng có trách nhiệm với lao động nhưng tình hình khó khăn, họ không thể tiếp cận được với lao động nữa. Các doanh nghiệp của ta đang phối hợp chặt chẽ với đối tác để thúc đẩy việc đưa lao động về nước".

Với cách làm như nhóm lao động của anh Đô, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng đó là phương án hợp lý nhất. Lao động cần quần tụ lại bảo vệ nhau, cố gắng liên hệ với doanh nghiệp đưa đi để có những hướng dẫn cụ thể về các hướng di tản và khả năng cung cấp phương tiện đi lại…

Về phương án di tản, ông Hải cho rằng, 2 sân bay của Libya đã ngừng hoạt động nên - cũng như các nước khác - lao động phần lớn sẽ phải di tản qua các nước láng giềng. Hiện tại, các doanh nghiệp và đối tác đang cố gắng đưa lao động về nước nhưng chưa thể thống kê bởi trong bối cảnh bạo loạn, việc thống kê người di tản là rất khó.

Việc quan trọng không kém hiện nay là nhân viên lãnh sự quán, sứ quán VN ở các nước láng giềng Libya cần phải túc trực ở biên giới đón lao động và cấp các giấy thông hành cần thiết để lao động có thể đi lại ở các quốc gia này trước khi được đón về bằng máy bay hoặc các phương tiện khác.

Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) là doanh nghiệp đầu tiên đã đưa được lao động di tản an toàn. Ông Đặng Huy Hồng - Tổng Giám đốc Sona cho hay, ngày 23.2, doanh nghiệp này đã đưa được 100 lao động VN bằng xe buýt tới biên giới Ai Cập và đang nỗ lực tiếp tục đưa 2.000 lao động còn lại bằng các phương tiện có thể (xe buýt, tàu thuỷ…). Hiện doanh nghiệp này đã thuê 2 chuyên cơ tới TP. Tripoli để chở lao động về nước. Chuyên cơ này sẽ quá cảnh qua Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem