Lão họa sĩ cả đời ký hoạ chân dung nhà nông

Thứ tư, ngày 14/12/2011 17:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lão họa sĩ 85 tuổi Tôn Đức Lượng đã dành cả cuộc đời với bao nhiêu tâm lực chỉ để vẽ hàng chục bức ký họa về chân dung người nông dân.
Bình luận 0

Lặn lội cùng nông dân

img
Lão họa sĩ Tôn Đức Lượng

Người họa sĩ già cẩn thận lật giở từng trang nhật ký cũ của mình. Ông xúc động nhớ lại câu chuyện của 60 năm về trước, khi ông còn là một chàng trai 25 tuổi, sung sức, tràn đầy tình yêu nghệ thuật, những ngày cùng ăn, cùng ở và xắn quần lội ruộng với bà con nông dân để vẽ về họ vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh tại Bắc Ninh, ông là một trong những sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội), cùng lớp với các hoạ sĩ Phan Kế An, Dương Bích Liên, Thái Hà... - những “cây đại thụ” của mỹ thuật Việt Nam.

Vào những năm 1940-1950, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, lúc đó, việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế để cách mạng có đủ lương thực nuôi quân, phục vụ cho cuộc tổng phản công là hết sức cần thiết. Để tuyên truyền cho chủ trương lớn đó, không ít văn nghệ sĩ đã đi tiên phong hòa nhập vào các vùng quê để khơi dậy, cổ vũ, động viên bà con, đó cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tác. Có lẽ vì sự gắn bó của họa sĩ với đồng quê mà bà con nông dân gọi ông bằng cái tên thân thương: “Nghệ sĩ của nông dân”.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng tâm sự: “Tôi cũng vốn xuất thân từ nông dân nên phần nào cũng có chút ấn tượng về họ. Họ là những người thật sự hăng hái không chỉ lao động và sản xuất, mà còn dũng cảm trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và đó cũng chính là một trong những tiêu chí làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều tác phẩm hội họa của tôi sau này”.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm có giá trị về đề tài thuế nông, như "Nhân dân nghiên cứu thuế nông nghiệp" (vẽ ngày 27.9.1951), hoặc tác phẩm "Khoanh mảng định hạng" vẽ cảnh người dân đang đứng trước những thửa ruộng vừa được định hạng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm bón cho lúa; hay tác phẩm "Cánh đồng ngày mùa" miêu tả bà con tay năm tay mười, hay lam hay làm, nơi thì thu hoạch lúa, nơi thì tranh thủ cày vỡ cho kịp vụ gieo sạ...

Kỷ niệm khó phai

Năm 1951, hòa mình trong không khí náo nức ấy, họa sĩ Tôn Đức Lượng lên đường với tâm thế hừng hực của tuổi đôi mươi. Ông đến với mảnh đất Đan Phượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, để ghi lại hình ảnh về con người nơi đây. Ông say mê vẽ, say mê sáng tác không ngừng nghỉ.

img
Bức tranh “Nông dân nghiên cứu thuế nông nghiệp” của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Ông kể lại: “Lúc bấy giờ, để có được cảm hứng sáng tác, mỗi sáng chúng tôi theo bà con ra đồng, lúc thì ngồi đầu bờ quan sát tỉ mỉ, chi li, cố gắng nắm bắt từng cử chỉ, động tác để có thể lột tả được thần thái của người nông dân. Những thửa ruộng vút tầm mắt, những bàn tay chăm chỉ cần mẫn, hình ảnh con trâu đi trước cái cày, trông cho mùa màng bội thu, thóc lúa đầy đồng… tất thảy đều được họa sĩ thể hiện vào mỗi tác phẩm”.

Dù thời gian có làm những ký họa bị ngả màu giấy, có bức còn bị mối xông... nhưng nét vẽ mềm mại biểu cảm, sắc màu vẫn tươi tắn mang đến cho người xem nhiều thú vị và trên tất cả, nó chứa đựng trong đó một phần lịch sử của đất nước.

Kỷ niệm sâu sắc nhất về người nông dân với ông là khi vẽ bức tranh ký hoạ: “Nhân dân nghiên cứu thuế nông nghiệp”. Bức tranh mô tả hình ảnh một cuộc họp sôi nổi của người nông dân nơi hậu phương trong những năm đất nước chìm trong khỏi lửa, đằng sau đó là sự hưởng ứng chủ trương đóng thuế của Đảng. Tất cả các nhân vật trong tranh, nam, phụ, lão, ấu ngồi bàn việc lớn dưới ánh đèn dầu, tuy mỗi người một dáng nhưng khuôn mặt ai cũng hân hoan, vui vẻ.

Xem bức tranh này, những người nông dân ở Hạ Hoà, Phú Thọ đã xúc động đến trào nước mắt, họ bảo cả đời mình không bao giờ dám mơ có lúc lại được hoạ sĩ đưa vào tranh vẽ. Với hoạ sĩ Tôn Đức Lượng, đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời cầm cọ của ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem