"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg

01/04/2020 09:36 GMT+7
Từ nông dân lem luốc lên rừng đào từng gốc trà hoa vàng, bóc từng vỏ keo mang bán, giờ đây anh đã là tỷ phú ở 1 xã miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Đó là anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) - người đang làm giàu từ thứ hoa trà màu vàng quý hiếm đặc biệt này.

Bố mẹ tuyệt thực phản đối

Vẫn còn nguyên cái mộc mạc chân chất của một người dân tộc Sán Chỉ, anh Nịnh Văn Trắng chia sẻ với chúng tôi về quá trình khởi nghiệp với cây trà hoa vàng không ít cay đắng, vất vả của anh. "Hồi xưa nói tiếng Kinh còn không sõi, đâu biết bắt tay, sơ vin là gì đâu. Chính anh cũng không ngờ mình lại có được như ngày hôm nay. Nhưng thực sự rất gian nan và vất vả" anh Trắng tâm sự. 

Anh kể, năm 2006, vùng rừng Đạp Thanh này có nhiều cây trà hoa vàng lắm. Các thương lái Trung Quốc đổ xô về đây thu mua hoa. Cái lạ là họ chỉ thích trà hoa vàng của Ba Chẽ, đặc biệt là khu vực xã Đạp Thanh này. Sau đó thì họ quay lại thu mua luôn cả gốc cây trà hoa vàng. Từng lặn lội đêm ngày trong rừng tìm kiếm loài hoa quý hiếm này, anh hiểu hơn ai hết giá trị của nó. Nhưng nghĩ đến viễn cảnh trà hoa vàng trong rừng Ba Chẽ sẽ chẳng mấy chốc mà hết sạch trước sự tận diệt của con người, anh hạ quyết tâm sẽ gây giống để trồng bằng được loài hoa này trên mảnh đất nhà mình. 

"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg - Ảnh 1.

Từ một người lên rừng kiếm, đào từng gốc chè mang về bán thì giờ đây anh Trắng đã là chủ của hơn 5ha diện tích trồng chè hoa vàng.

Với số tiền tích cóp được từ bao nhiêu năm đi làm thuê của hai vợ chồng, anh Trắng vay mượn thêm ngân hàng rồi quyết định thu mua giống cây trà hoa vàng của bà con đi rừng về gây giống trên mảnh đất khoảng 3.000 - 4.000 m2 của gia đình. Năm 2009, anh đầu tư 700 cây trà hoa vàng, mỗi cây ngày đó khoảng 500.000 đồng, một số tiền không nhỏ đối với một người đi bóc vỏ keo thuê như anh. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Trắng bùi ngùi ngồi nhớ lại những khó khăn chồng chất ngày ấy. Họ hàng làng xóm, thậm chí cả bố mẹ, vợ con đều không ủng hộ. Bố mẹ anh thậm chí còn tuyệt thực 3 ngày để phản đối anh trồng cây trà hoa vàng. Anh phải tìm mọi cách để thuyết phục bố mẹ. Làm việc cứ phải giấu giấu, diếm diếm, ngó ngang ngó dọc sợ mọi người nói anh bị khùng. 

Dược liệu quý

4 năm dài dằng dặc, sau bao vất vả, tìm tòi, anh Trắng bắt đầu có sản phẩm, thu hoạch được 15 kg trà hoa vàng đầu tiên. Năm 2013 hội chợ OCOP của tỉnh Quảng Ninh tổ chức, anh mang trà hoa vàng đến hội chợ bán. Người dân bắt đầu biết đến sản phẩm trà hoa vàng. 

Năm 2014, khi gặp PGS.TS. Trần Văn Ơn, người thiết kế lộ trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” rất thành công cho tỉnh Quảng Ninh, anh đã tự tin hơn rất nhiều nên đã tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Không chỉ biết khai thác hoa mà anh còn bắt đầu khai thác tác dụng của lá cây trà. Với lá, anh phơi khô, nghiền nát và làm thành trà túi lọc. 

"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg - Ảnh 2.

Thứ hoa trà màu vàng có giá trị này đã giúp nhiều người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.

"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg - Ảnh 3.

Những bông trà hoa vàng đang mang lại giá trị kinh tế lớn.

Anh Trắng cho biết, ngoài giá trị kinh tế thì trà hoa vàng còn là loài dược liệu quý. Theo “Camellia International Journal” - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường…”. 

Thời điểm đó để hiểu rõ hơn về loại hoa màu vàng này, anh Trắng còn liên hệ với các cơ quan chuyên môn, mời các nhà khoa học xuống tận nơi, một là để biết giá trị thực tế của cây, hai là tìm hiểu quy trình chăm sóc và cách thức nhân giống. Đến nay anh Trắng đã mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng lên 5 ha. "Năm 2014 tôi được thu hoạch 1 ha trà đầu tiên. Sản lượng đạt khoảng hơn 1 tạ tươi tính ra 22 kg khô/ha, với giá 15 triệu đồng/kg khô. 

"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg - Ảnh 3.

PGS.TS. Trần Văn Ơn, người thiết kế lộ trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” rất thành công cho tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đó anh Trắng đã tự tin hơn rất nhiều trước giá trị của loại hoa này nên đã tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích.

 Quy trình trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản trà hoa vàng rất nghiêm ngặt. Phân bón cho cây chủ yếu dùng phân chuồng ủ hoai mục. Cây trà hoa vàng thường cho thu hoạch sau 2 – 3 năm chăm sóc, thời gian thu hái hoa từ tháng 10 đến tháng 2 (âm lịch). Khi thu hái trà hoa vàng, công nhân của công ty sẽ tiến hành phân loại hoa trà, sau đó sấy khô đem đóng túi hút chân không cẩn thận”, anh Trắng thổ lộ. 

Cuối năm 2014, anh Trắng thành lập công ty CP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh. “Năm 2015 tôi đã đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác và mã vạch cho sản phẩm này. Năm 2016 này tôi đã chủ động được thị trường tiêu thụ trong nước mà không cần phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc”. Cho đến thời điểm này, anh đã trồng được trên 5 ha trà hoa vàng với hơn 1 vạn cây. Ngoài thu nhập từ hoa trà, lá trà, anh còn ươm giống thành công 10 vạn cây trà để bán cho bà con. 

Mỗi năm tính ra, anh cũng đạt thu nhập đến tiền tỷ. Năm 2017 trà hoa vàng đã được ban điều hành OCOP chấm điểm đạt tiêu chuẩn 5 sao, là sản phẩm chủ lực cấp quốc gia. Đây là niềm vui rất lớn của Trắng cũng như của vùng đất nghèo Ba Chẽ. 

"Lão khùng" mang thứ hoa vàng trên núi về trồng bán 15 triệu/kg - Ảnh 4.

Thứ hoa màu vàng này hiện được bán với giá 15 triệu/ kg hoa khô. Ngoài ra hiện anh Trắng còn khai thác tác dụng của lá cây trà làm thành trà túi lọc.

Đến nay, với sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ nhà nước, việc trồng trà đã thuận lợi hơn nhiều, anh Trắng đã trồng hơn 5 ha trà hoa vàng. Trung bình mỗi ha anh thu về được khoảng 200 triệu đồng/năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện sản phẩm trà hoa vàng Đạp Thanh của anh mới chỉ đủ để phục vụ thị trường Quảng Ninh và một số tỉnh thành lân cận, đồng thời xuất một phần sang Trung Quốc. Ngoài trồng trà hoa vàng, anh Trắng còn kết hợp nuôi con gà, trồng khoảng 20 ha keo và thử nghiệm trồng hàng nghìn cây ba kích trên rừng.

Mộc Trà
Cùng chuyên mục