Thờ bộ xương cá
Ở cái tuổi 85, nhưng ông Đặng Taor (còn gọi là Đặng Châu, SN 1925, trú thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) vẫn còn giữ một thân thể khỏe mạnh, rắn rỏi đến khó tin. “Biển tạc nên con người tôi” - ông nói đơn giản. Ông đi biển khi mới đôi mươi. Năm 30 tuổi, ông đã sắm được thuyền máy, dưới tay có 4 thanh niên phụ đi biển. Rồi cái ngày đáng nhớ đã đến.
|
Ông Tảo mở cho chúng tôi xem hài cốt cá Ông mà ông đã thờ cúng 50 năm nay. |
Lúc đó đâu năm 1960, thuyền ông Tảo câu cá nhám ở khu vực biển Kỳ Hà (Núi Thành). Biển lặng, trời trong. Lúc này đã câu được hai con nhám chừng 3 tạ, cả thuyền mừng thầm, thì bất ngờ chiếc thuyền câu khựng lại, lắc mạnh một bên. Định thần lại thì thấy con cá nhám lớn 5 tạ mắc câu, đang cố vùng thoát thân. 5 người lao vào níu kéo, mất 1 giờ mới đưa được nó lên thuyền.
Hôm sau vào bờ, bán cá cho thương lái thì ông Tảo phát hiện một bộ xương cá đã rữa khoảng 10kg, vừa ói ra từ miệng con cá nhám 5 tạ kể trên. Bộ xương cá trên được các vị bô lão trong làng xác định là xương cá Ông còn nhỏ, bị con cá nhám này ăn thịt. “Xương cá Ông về phía đuôi dẹt bè ngang như đuôi tôm” - ông nhớ lại lời các lão ngư thời đó.
|
Lăng thờ cá Ông của làng Long Thạnh, nơi đây đã an táng 8 cá Ông chết dạt vào bờ. |
Hôm ấy không ai bảo ai, ngư dân thôn Long Thạnh chung tay mua sắm lễ vật, áo giấy kính cẩn đưa tang cá Ông. Riêng ông Tảo, sau khi làm lễ, ông xin làng đem bộ xương về nhà, lập am thờ cúng và bảo quản cẩn thận ở nơi trang trọng nhất nhà. “Ông đã tìm đến tôi, đó là cái duyên trời định. Tôi không thể làm ngơ” - ông Tảo nói.
Hai lần thoát nạn
Hàng năm sau lễ giỗ chạp cá Ông chung của làng vào ngày 10-9 âm lịch, ngày hôm sau (11-9) gia đình ông Tảo làm lễ giỗ lại tại gia đình mình. Thấy chúng tôi há hốc mồm ra vẻ không tin, ông Tảo dẫn chung tôi về nhà, rồi thay bộ đồ đang mặc, thắp nén nhang, kính cẩn khấn vái trước am thờ.
|
Am thờ cá Ông được đặt trang trọng nhất trong nhà ông Tảo. |
Sau đó ông kéo cửa kính của am, mang xuống cái hộp gỗ nhỏ bằng viên gạch ống, cẩn trọng mở từng tờ giấy điều đỏ. Bên trong lúc này là nắm xương cốt đã xỉn màu chì, nhưng còn chắc. Đã 50 năm qua, ông thờ nắm xương này. Chúng tôi chụp hình xong, ông Tảo đặt bộ xương lại chỗ cũ với những động tác thành kính như lúc lấy xuống.
Ông Tảo kể tiếp: “Ông” linh thiêng lắm, nhờ “Ông” phù hộ mà từ đấy thuyền tôi làm ăn khấm khá hẳn. Đời sống gia đình ngày càng đi lên”. Không biết có phải nhờ “Ông” che chở mà ông Tảo hai lần thoát nạn trên biển. Lần thứ nhất cách đây 20 năm, thuyền ông đánh cá ở vùng biển Chu Lai (Quảng Nam), thuyền bỏ neo ở độ sâu 27 sải nước.
Đêm về khuya, trời đột nhiên nổi gió chướng, con thuyền chòng chành như chiếc lá. Trên thuyền lúc đó có 8 người, họ thay phiên nhau điều khiển con thuyền tránh gió, vừa khấn vái Ông. Ngay sau đó xuất hiện hai con cá Ông lớn, lặng lẽ tựa mình vào hai bên hông con thuyền cứ thế dìu thuyền ông vào đến bờ thì trời cũng vừa hửng sáng.
Bên chén trà xanh còn có ông Huỳnh Ngọc Mai (75 tuổi), ông Võ Hồng Điền (77 tuổi), anh Huỳnh Ngọc Hiến (46 tuổi, đều trú cùng thôn) là những người bạn đi thuyền ông Tảo những năm ấy.
Trước khi nhắc lại câu chuyện, họ chắp tay thành kính trước bàn thờ “Ông” và khấn: “Có người ở xa về hỏi chuyện, “Ông” cho con xin được trình bày”. Xong đâu đấy, các bác mới ngồi xuống xác nhận thông tin là có thật qua lời kể của ông Tảo.
Năm năm sau, thuyền của ông Tảo được cứu một lần nữa. Lúc đó, đánh cá đến 10 giờ đêm thì thuyền đầy khoang, ông quyết định quay vào bờ. Con tàu đang nhằm hướng bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược lại, thuyền chòng chành muốn lật. Ai nấy tái xanh mặt mày. Nhiều người đã nghĩ đến cái chết.
Riêng ông bình tĩnh, ngồi im khấn vái Ông. Không biết do linh nghiệm hay ngẫu nhiên, một lúc sau Ông xuất hiện, đó là một con cá khổng lồ, nổi rõ trên mặt nước. Nó bơi trước cách mũi thuyền chục mét, che chắn hướng gió để con thuyền nương theo từ từ vào bờ.
Cả bọn lên bờ hướng ra khơi thụp lạy lấy lạy để. Nhưng lúc này cá đã lặn đâu mất. Cũng như lần thoát nạn trước, ông Tảo lại về nhà lễ khấn vái tạ ơn.
Không sinh ra từ biển, nhưng chúng tôi cảm nhận những người con của biển họ thành kính với Mẹ biển bao la như thế nào. Họ biết mình sống nhờ biển, có biển là có mình. Dù trong câu chuyện có pha chút tâm linh, huyễn hoặc nhưng chúng tôi vẫn cầu mong cho những câu chuyện có hậu kỳ diệu của cuộc đời này là có thật!
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.