Lão ngư tuổi thất thập: "Cây phong ba" trên đảo Cô Tô

Thứ ba, ngày 07/07/2015 13:00 PM (GMT+7)
Ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) mỗi khi nhắc đến cái tên Bùi Đức Bổng, cư dân nơi đây ai cũng ví ông như là “cây phong ba” của đảo, bởi ông không chỉ là người bám đảo xây làng lâu nhất mà ông còn là “người gắn kết” giữa các ngư dân bám biển giữ đảo.  
Bình luận 0

Tiên phong ra đảo lập nghiệp

Trong chuyến ra huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi có may mắn được gặp ông Bùi Đức Bổng (74 tuổi), là một trong những “lão ngư” đã sống nhiều năm trên huyện đảo này. Trong căn nhà đơn sơ, ánh điện từ điện lưới quốc gia chiếu sáng nổi bật xung quanh tường đầy những huân huy chương, chúng tôi hiểu phần nào công sức đã cống hiến của một “lão ngư” tuổi thất thập này.

img

Ông Bổng là tấm gương để ngư dân bám biển.

Nhâm nhi chén trà, ông Bổng kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đầu tiên ra đảo. Sinh ra và lớn lên ở xã Bắc Hà, Kiến An (Hải Phòng), năm 1960 gia nhập quân đội, ông Bổng là biên chế bộ đội thông tin không quân (Đoàn 910) tiếp vận cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), tham gia nhiều trận đánh bảo vệ đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Bổng được điều động ra miền Bắc phục vụ công tác thông tin liên lạc giữa đất liền với các hòn đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền Việt Nam ở phía Đông Bắc Tổ quốc.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc cũng là lúc ông nhận nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc ở các hòn đảo ở Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng), trong đó có đảo Cô Tô. Khi ông ra đảo sinh sống, đã có rất nhiều cư dân đánh cá người Hoa di cư làm ăn sinh sống ở đây.

“Đầu năm 1977, Nhà nước có chủ trương đưa người Việt ra đảo sinh sống, trước đó tôi luôn suy nghĩ, chỉ cần chờ khi có chủ trương là tôi xung phong ra kiến thiết đảo ngay. Và khi có chủ trương, chỉ sau một đêm suy nghĩ và bàn bạc với người thân, tôi quyết định ra lập nghiệp lâu dài ở đảo” -ông Bổng nói.

Những hộ dân chài lênh đênh trên biển đã cùng nhau tụ hợp và định cư trên đảo này, gia đình ông Bổng là một trong 7 hộ đầu tiên lên đảo dựng nhà. Trong 7 hộ ấy, có 4 anh em ruột thịt của ông Bổng. Cũng trong năm ấy, những hộ trên đảo và các hộ dân sống trên biển cùng nhau đoàn kết xây dựng các biên đội tàu, thuyền khai thác thuỷ hải sản. 

Giai đoạn đầu ra đảo dân cư thưa thớt, hoang vu và phải đối mặt với không ít nguy hiểm. “Khi bắt tay vào xây dựng nhà cửa, chỉnh trang lại ngư cụ chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ nước ngọt cho đến dầu đốt, nhiên liệu phục vụ đánh bắt cá… Những khó khăn ấy với người lính như chúng tôi có là gì, nhưng nguy hiểm nhất là gặp tàu lạ. Một hôm sang sớm tinh mơ tôi quan sát tiến về phía đảo có hai chiếc tầu lạ trong giống như thuyền đánh cá, do chủ quan nghĩ là tầu đánh cá vào tiếp nhiên liệu hay neo tạm, ai ngờ gặp tàu cướp biển. Chỉ sau một đêm bọn cướp đã dọn sạch đồ đạc. Tuy nhiên, do mới xây dựng, nên chúng tôi chỉ có một ít đồ đạc có giá trị”- ông Bổng nhớ lại.

img

Ông Bổng hạnh phúc bên vợ.

Lúc đó, ông Bổng vừa đảm nhận làm cán bộ thông tin liên lạc giữa đất liền với đảo, vừa là ngư dân tham gia đánh bắt cá…Và điều quan trọng nhất với cư dân đảo là phải đảm bảo được thông tin với những tàu khai thác cá ở ngư trường khu vực quần đảo Hoàng Sa. Nhờ có sự gắn kết giữa các đội tàu, nhiều ngư dân đã tránh được sự bất thường của thời tiết, đặc biệt tránh những va chạm với tàu cá nước láng giềng khi đánh bắt ở khu vực khai thác chung ở vùng biển chồng lấn.

Không chỉ là người làm cán bộ điều tiết thông tin liên lạc, đánh cá mà ông Bổng còn thể hiện mình là người dân vận rất tốt. Thời kỳ dân cư trên đảo còn lèo tèo, thưa thớt, nhờ uy tín của mình ông Bổng về quê hương (Kiến An, Hải Phòng) vận động được hàng chục thậm chí hàng trăm hộ tình nguyện dọn nhà ra Cô Tô định cư. 

Điểm tựa của ngư dân bám biển giữ đảo

Hiện nay, ông Bổng tuổi đã già, sức khoẻ yếu, không trực tiếp tham gia sản xuất nữa nhưng ông vẫn truyền dạy cho con cháu những kinh nghiệm của mình. Đồng thời, tham gia làm cầu nối, là chỗ dựa tinh thần cho những ngư dân trẻ về cách khai thác nguồn lợi từ biển một cách bền vững. Điều đó tạo nên cho mỗi ngư dân Cô Tô có niềm tin, sức mạnh vươn khơi bám biển đảo để mưa sinh đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Tuổi cuối đời, sức khỏe không cho phép ông Bổng tiếp tục ngang dọc trên biển. Nhưng tình yêu biển đã ăn sâu vào máu, ông vẫn một lòng hướng về biển, dồn hết tình cảm cho biển, cho những ngư dân trẻ đang nối nghiệp cha ông. Không ra biển, nhưng lão vẫn góp sức rất nhiều cho biển, đến độ nhiều ngư dân trên đất đảo Cô Tô quả quyết rằng ra biển bây giờ mà không có ông Bổng động viên, theo dõi thì không an tâm, không vững tin ra khơi.

“Tàu cá ở khu vực dịch vụ hầu cần nghề cá Cô Tô khi ra khơi thì trong đất liền, ngày nào cụ Bổng cũng liên lạc qua điện đàm đài thông tin Cô Tô thăm tình hình đánh bắt. Thời tiết có gì bất thường cụ đều đốc thúc nhân viên trực đài gọi thông báo diễn biến. Hễ có ngư dân, tàu thuyền nào bị nạn cần giúp đỡ thì cụ ấy nhanh chóng liên lạc với các tàu cá đánh bắt gần đó yêu cầu cứu hộ cứu nạn ngay. Nhờ vậy mà nhiều tàu thoát nạn” - ngư dân Lê Văn Biền ở khu 1, thị trấn Cô Tô tâm sự về việc ông Bổng giúp ngư dân.

Là cựu chiến binh của ngành viễn thông, thông tin, cũng là một “lão ngư” dày dạn  kinh nghiệm, vì vậy công việc quản lý theo dõi gần 100 tàu cá với hàng trăm ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ ở ngư trường truyền thống Đông Bắc và khu vực gần Hoàng Sa là việc làm nhẹ nhàng với ông Bổng. Mỗi khi dự báo biển động bất thường bất kể ngày hay đêm, ông đều có mặt trực chiến trong phòng máy thông tin ở đảo. Hết liên lạc với tàu cá này lại liên lạc với tàu cá kia đến khàn cả giọng. Bụng dạ ông mãi cồn cào vì lo có tàu trong ở trên đảo gặp nạn.

Ông Bổng còn tự hào rằng: Từ ngày ông nghỉ ra khơi đến nay chưa xảy ra một sự cố tàu gặp nạn nào. Không chỉ là cứu hộ ngư dân trong tỉnh mà ngoài tỉnh cũng cứu hộ. “Hồi đầu năm 2013, chúng tôi cứu hộ thành công tàu của ngư dân tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa bị chìm gần biển Hoàng Sa, cứu hàng chục ngư dân”.

Làm “cầu nối” nghề cá, chẳng có tiền thù lao nào nhưng ông Bổng vẫn vui và ham làm. Ông Bổng cười vui: “Thứ gia sản quý giá nhất cả đời tích cóp được là niềm kiêu hãnh một thời được tung hoành ngang dọc nơi ngư trường Hoàng Sa”. Và bây giờ ông đang dùng kinh nghiệm quý giá đó để giúp đỡ, trợ lực lớp con cháu của mình ở Cô Tô nối nghiệp bám biển giữ đảo.

Thắng Quang (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem